Du học sinh tại Mỹ sẽ hồi hương hàng loạt?

Hoàng Anh Tuấn 15/07/2020 06:16

Có thể nói chính trị nội bộ Mỹ vốn đã rất phức tạp, khó hiểu, nhưng chưa bao giờ lại phức tạp như giai đoạn hiện nay trong năm bầu cử tổng thống và "yếu tố Trump".

Hàng triệu du học sinh tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng

Hàng triệu du học sinh tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng

LTS: Giáo dục Mỹ vốn nổi tiếng nhờ chất lượng, sự chuyên nghiệp. Nhưng, như một đặc sắc của xã hội Mỹ, giáo dục cũng bị lôi cuốn vào chính trị ở mỗi thời điểm nhạy cảm như trước thềm bầu cử. Liệu cuộc chiến này sẽ về đâu? DĐDN trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn.

Nếu chỉ đọc các thông báo của chính quyền, các Tweets của Tổng thống, thông báo của ICE  (Cơ quan di trú và Hải quan Mỹ) và thông tin từ báo chí thân đảng Cộng hòa thì giọng điệu nghe rất cứng, tưởng chính quyền hành động đến nơi và gây ra không ít hoang mang. Còn thông tin từ các trường, đặc biệt là các trường có đông du học sinh, chủ yếu mang tính trấn an, nhưng vẫn chưa đủ để cho các sinh viên và gia đình yên lòng.

Vai trò của chính quyền cấp Liên bang và tiểu bang chủ yếu thông qua việc cấp một phần ngân sách nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên theo học bằng việc cấp các khoản cho sinh viên vay với lãi suất ưu đãi. Ngân sách dành cho giáo dục hàng năm của chính quyền trung ương trong mấy năm gần đây chiếm trung bình khoảng 9% tổng ngân sách của các trường. Tuy nhiên, chính quyền trung ương lại có vai trò quan trọng không thể thay thế là vận hành và kiểm soát hệ thống thi cử, kiểm định chất lượng chuẩn như ACT, IELTS, GMAT... để các trường căn cứ vào đó tuyển dụng sinh viên.

Thiên hướng chung của các trường đại học tư lớn, có tên tuổi ở Mỹ cũng như ở nhiều nước phương Tây hiện nay là độc lập với chính quyền, "bao dung" với rất nhiều quan điểm "tả khuynh" và gần gũi với những người dân chủ. Có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội ở các trường lớn như Harvard, MIT, Berkeley... bày tỏ công khai thái độ chống Đảng cộng hòa, chính quyền Trump và cá nhân Tổng thống Trump hết sức quyết liệt.

Một trong các hành động này là bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch "đóng cửa nước Mỹ" của Đảng Dân chủ, và làm suy yếu chính quyền Trump là quyết định cho sinh viên học online, không đến trường học trực tiếp.

Lập luận của họ là tình hình Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, việc tổ chức học trực tiếp không đảm bảo sự an toàn cho sinh viên và giáo viên, trong khi học online vẫn đảm bảo trang bị kiến thức cho sinh viên mà không cần phải đến lớp.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, chính quyền Trump không chịu thua, mà tìm cách "ăn thua" đủ, bắt các trường phải mở cửa đón học sinh trở lại vào mùa Thu tới, bắt đầu từ đầu tháng 9 tới, với các lập luận là:

Mở cửa các trường học là một phần quan trọng không thể tách rời và không thể thiếu được của kế hoạch mở cửa dần dần và toàn diện nước Mỹ. Nước Mỹ không thể đóng cửa mãi, mà phải tìm cách sống chung với Covid-19.

Bệnh dịch Covid-19 không thể hết ngay 100% và vẫn còn có tác động nhất định, nhưng về cơ bản nước Mỹ đã kiểm soát được tình hình. Với giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa khác, nước Mỹ vừa mở cửa, vừa kiểm soát được dịch bệnh có hiệu quả.

Khoa học và con số thống kê cho thấy tỷ lệ người dưới 45 (độ tuổi của sinh viên) bị nhiễm bệnh và tử vong rất thấp. Do đó, việc mở cửa các trường cho sinh viên không nên bị phóng đại và gây lo ngại quá mức.

Nếu đóng cửa đất nước, đóng cửa kinh tế và các trường học quá lâu thì hệ quả đối với sinh viên, học sinh thậm chí còn tệ hại hơn là mối đe dọa từ Covid-19 như: học sinh mất môi trường giao tiếp, nghiện game và các trang mạng đen, lạm dụng các chất gây nghiện, trầm cảm, tự tử...

Cái này mới là lập luận đắt giá để chính quyền Trump gây sức ép với các trường nếu như họ kiên quyết đóng cửa và chỉ tổ chức học online, đó là:

Cắt ngân sách liên bang hỗ trợ các trường. Ngân khoản này tuy không thực quá lớn, nhưng cũng đủ để gây sức ép lên gánh nặng ngân sách buộc các trường phải cân nhắc thiệt hơn.

Dọa rút visa, trục xuất sinh viên nước ngoài. Cái này đang gây lo lắng, hoang mang cho sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ, trong đó có sinh viên Việt Nam. Lập luận của chính quyền Trump là: Nếu học online thì sinh viên ngồi học ở đâu cũng được dù là ở Bắc cực, Châu Phi hay Amazon, chứ chẳng nhất thiết phải có mặt ở Mỹ, miễn là các sinh viên có máy tính xách tay và mạng kết nối.

Cái này có tác động lớn và tức thì đến các "ông lớn" đang đi đầu trong chuyện ủng hộ Dân chủ tiếp tục đóng cửa trường. Theo con số thống kê năm 2019, nước Mỹ đón nhận khoảng 1 triệu 100 nghìn sinh viên nước ngoài theo học và số sinh viên này đóng góp 45 tỷ USD cho các trường và nền kinh tế Mỹ.

Nhiều trường có số lượng sinh viên nước ngoài theo học rất đông, chẳng hạn trong năm 2019: New York University có 19,605 SV nước ngoài; University of Southern California Los Angeles với 16,340 SV; Northeastern University với 16,075 SV; Columbia University với 15,897 SV...

Các sức ép tiền bạc có ngay tác dụng tới kế hoạch hiện tại cũng như thu hút học sinh nước ngoài của các trường ở Mỹ trong thời gian tới. Điều này buộc các trường phải điều chỉnh ngay chính sách cho thực tế hơn nếu không sẽ bị "mất" học sinh, mất nguồn thu.

Theo đó, nhiều trường tìm giải pháp trung hòa, giới thiệu chương trình học trực tiếp, kết hợp học online chứ không còn khăng khăng chỉ học trực tuyến và đối đầu với chính quyền Trump như trước.

Việc chính quyền Trump gây sức ép rất mạnh lên các trường và các trường cũng đang chịu sức ép từ chính quyền và sinh viên là có thật.

Về lý thuyết, chính quyền Trump dọa và có khả năng rút visa sinh viên nước ngoài, tuy nhiên điều đó lại rất khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay, do:

Số lượng sinh viên nước ngoài nằm trong diện thông báo của ICE (và cũng với điều kiện là tất cả các trường đều thống nhất, không mở cửa cho sinh viên học trực tiếp, mà cho học online toàn phần) hiện vào khoảng 4 triệu SV. Việc trục xuất một số lượng lớn và ngay lập tức gần như là không thể vì điều này có ảnh hưởng rất đến uy tín các trường, đến giáo dục Mỹ vốn là con gà đẻ trứng vàng, cũng như quan hệ ngoại giao của Mỹ với các nước.

Đa phần học sinh nước ngoài tại Mỹ không chuẩn bị cho khả năng về nước sớm và sẽ tìm mọi cách ở lại và do đó làm cho sắc lệnh của chính quyền (nếu như chính quyền Trump có ý đinh ra sắc lệnh về vấn đề này) rất khó thực thi và mất hiệu lực.

Giả sử chính quyền Trump có quyết tâm bằng mọi giá cũng không có cách nào trục xuất được cả triệu sinh viên ra khỏi nước Mỹ ngay lập tức do trong bối cảnh hiện nay Covid-19 vẫn đang hoành hành, còn đường bay quốc tế giữa Mỹ với các nước thì lại bi gián đoạn.

Do đó, dễ hiểu là ngay sau đó có một loạt thông báo từ Bộ giáo dục, các trường ở Mỹ cũng như từ Bộ Ngoại giao để trấn an sinh viên nước ngoài vì thông báo của ICE bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết. Hơn nữa, họ cũng hiểu rằng không thể thực thi một quyết định không có khả năng thực hiện trên thực tế.

Tóm lại là các sinh viên nào đã ở Việt Nam rồi thì yên tâm liên hệ với trường mà học trực tuyến và các trường sẽ tạo điều kiện. Còn sinh viên nào đang ở lại thì cứ yên tâm mà học dạng hybrid (vừa trực tiếp, vừa online), hoặc học trực tiếp toàn phần.

Nhìn vào các con số nhiễm và tử vong gần đây vì Covid-19 ở nước Mỹ cũng không đến nỗi quá đáng sợ. Mặc dù con số nhiễm bệnh cao (trên 60.000 ngày 12/7), nhưng tỷ lệ tử vong lại rất thấp (418) - tức chỉ bằng 18% so với số tử vong ở thời kỳ cao điểm và chủ yếu lại tập trung ở những người từ tuối 65 trở lên.

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Trump chọn bà Betsy DeVos làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ

    Ông Trump chọn bà Betsy DeVos làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ

    17:21, 25/11/2016

  • Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến số cam go trên nền tảng mạng xã hội

    Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến số cam go trên nền tảng mạng xã hội

    06:20, 07/07/2020

  • Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ chớp thời cơ

    Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ chớp thời cơ

    11:00, 10/06/2020

  • Cuộc chiến bầu cử Mỹ và

    Cuộc chiến bầu cử Mỹ và "cơ hội" từ COVID-19

    06:30, 19/03/2020

  • Bầu cử Mỹ 2020: Lộ diện gương mặt cạnh tranh tiềm năng

    Bầu cử Mỹ 2020: Lộ diện gương mặt cạnh tranh tiềm năng

    11:30, 05/03/2020

  • Lưỡng đảng đua tranh trước thềm bầu cử Mỹ

    Lưỡng đảng đua tranh trước thềm bầu cử Mỹ

    07:00, 08/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du học sinh tại Mỹ sẽ hồi hương hàng loạt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO