Các giải thưởng đạt được hay ngay cả những giải thưởng danh giá hơn, thì đó cũng chỉ là lời nhắc nhớ để chúng ta làm du lịch tốt hơn.
Mới đây, câu chuyện Việt Nam đoạt 4 giải thưởng về du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. 4 giải thưởng đó là: Điểm đến hàng đầu Châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á 2019, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu Châu Á 2019 - Hội An.
Chính vì những giá trị mới được tạo ra, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới.
Thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/9 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng của năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tháng 9/2019 cũng là tháng thứ tư kể từ đầu năm và là tháng thứ hai liên tiếp có lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt người. Các tháng kể từ đầu năm có lượng khách quốc tế đạt trên 1,5 triệu lượt người là: Tháng 1 đạt 1,5 triệu lượt người; tháng 2 đạt 1,59 triệu lượt người; tháng 8 đạt 1,51 triệu lượt người và tháng 9 đạt 1,56 triệu lượt người.
Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 15/10/2019
11:30, 11/10/2019
23:32, 26/09/2019
06:23, 20/09/2019
07:00, 29/07/2019
06:16, 07/05/2019
11:00, 06/05/2019
11:30, 27/04/2019
Rõ ràng, để có được mức tăng trưởng, thành công ấy, định hướng phát triển của ngành du lịch cần một tư duy mới, tư duy đột phá để thay đổi. Chủ động và hướng đến đa dạng nguồn khách du lịch chứ không phụ thuộc chủ yếu vào bất cứ một quốc gia, khu vực nào. Đã qua rồi cái thời trông chờ vào ranh giới vị trí địa lý, thụ động chờ thị trường đông dân, “dễ tính”.
Dĩ nhiên, những giải thưởng trên sẽ nâng cao khả năng hội nhập, quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà trên trường quốc tế. Du khách sẽ hưởng lợi khi có thể lựa chọn và sử dụng những dịch vụ, thương hiệu, chất lượng tốt nhất. Là nguồn động viên rất lớn đối với ngành du lịch và với đất nước.
Quan trọng hơn, để duy trì được thành công này thì việc trước tiên các cấp quản lý hãy đánh giá lại nghiêm túc về thực trạng khách du lịch, môi trường du lịch trong những năm qua. Đặc biệt là giải thưởng “điểm đến văn hóa hàng đầu Châu á”.
Nói như vậy bởi vì từ khi nào, ở Việt Nam lại có cái văn hóa phát triển du lịch theo hướng “đập cái cũ – xây cái mới”? Từ khi nào môi trường du lịch chúng ta không chỉ bất cập với rác thải, mà du lịch còn phải đối mặt với hiện tượng phá hoại di sản, du lịch vô ý thức?...
Nói cách khác, rất nhiều vấn đề từ thực tiễn được đặt ra cần các cấp các ngành có liên quan chỉ đạo quyết liệt. Ví như, chúng ta chú trọng xây nhiều công trình du lịch văn hóa to theo hướng “đập cái cũ - xây cái mới, trong khi ở các nước phát triển trên thế giới, thì sự phát triển lại được hướng theo hình thức bảo tồn di sản như thế nào, chứ không phải là cái gì to nhất, đẹp nhất được mọc lên.
Hoặc, vấn nạn rác thải chẳng hạn. Có lẽ, ai cũng từng thấy những đứa trẻ tắm biển ở Hạ Long bơi trong biển nước đầy những rác thải; Người dân Đà Lạt phải thốt lên vì rác thải quá nhiều sau ngày nghỉ lễ; núi Bà Đen (Tây Ninh) “kêu cứu” vì lượng rác mà khách du lịch đã bỏ lại sau chuyến hành hương đầu năm; Đà Nẵng thành phố đáng sống cũng đối mặt với nước thải đổ ra biển quá mức..v..v.
Du lịch không chỉ bất cập với rác thải, mà du lịch còn phải đối mặt với hiện tượng phá hoại di sản, du lịch vô ý thức. Vườn hoa ở Hà Nội được trồng để chào mừng sự kiện quan trọng của đất nước, nhưng sau đó đã bị giẫm nát bởi sự đông đúc, vô ý thức; Hang động ở Hạ Long đã không ít thạch nhũ bị bẻ ngọn; Bãi biển Cổ Thạch (Bình Thuận) đã phải chịu sự biến mất của bãi đá bảy màu trong năm 2018; San hô ở Nha Trang đã bị thu hẹp bởi sự ích kỷ của người lặn biển..v..v.
Đừng ai nói rằng thiên nhiên là có sẵn nên ai kiếm được thì cứ khai thác. Nếu người Tây Bắc không còng lưng ra làm ruộng bậc thang thì liệu có ruộng bậc thang cho các công ty làm du lịch chở nhiều khách Tây đến rồi tuyên bố: Đây là di sản của Việt Nam không? Thiên nhiên cũng có những người chủ đã sống và làm đẹp nó cả ngàn năm đấy!
Thế mới nói, các giải thưởng đạt được hay ngay cả những giải thưởng danh giá hơn, thì đó cũng chỉ là lời nhắc nhớ để chúng ta làm du lịch tốt hơn, đừng tự mãn vì nó. Và hãy nhớ, một khi mỗi chúng ta không còn vị thế chủ nhân, không còn là người thụ hưởng và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương mình nữa, thì những giải thưởng du lịch nói trên cũng khồn có giá trị gì nhiều.