Góp ý Dự thảo Luật Đường bộ, không ít ý kiến còn băn khoăn về đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 tiếng trong khung giờ từ 22h hôm trước tới 6h hôm sau…
>> Tách Luật Giao thông đường bộ - Còn đó nhiều ý kiến trái chiều
Theo đó, tại Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. Trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục trong thời gian này tối thiểu 30 phút.
So với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành, thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ đã có những điều chỉnh.
Lý giải cho đề xuất đã nêu, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0 giờ đến 6 giờ). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ. Việc nghiên cứu giảm thời gian lái xe liên tục, tăng nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết.
Mặt khác, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ thấp hơn so với xe máy nhưng khi xảy ra lại rất nguy hiểm do chở nhiều người. Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, cần kiểm soát chặt và tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn tai nạn giao thông…
Trước đề xuất đã nêu, không ít ý kiến còn tỏ ra băn khoăn vì lo ngại nếu được thông qua, quy định này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về việc gia tăng áp lực ùn tắc khi lượng xe lưu thông tập trung vào khung giờ cao điểm và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
>> Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý. Nguyên nhân bởi người vận tải chuyên nghiệp thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày, ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp.
Nếu quy định này ban hành sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22h-6h chuyển sang 6h-22h để tài xế được chạy liên tục 4 giờ, điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.
Cũng theo ông Quyền, đề xuất thời gian lái xe trong ngày không quá 8 giờ cũng cần được cân nhắc vì nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như Dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Với quy định hiện hành, nhiều chuyến xe chỉ cần 1-2 tài xế, nhưng theo đề xuất mới phải bố trí 2-3 người. Điều này khó khả thi vì hiện khó tuyển dụng lái xe đường dài và điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Quyền chia sẻ.
Từ các vấn đề đã nêu, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề xuất, với những quy định mới về thời gian lái xe liên tục, khi chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì chưa nên đưa vào Luật. Nếu xét thấy cần thiết thì nên quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - Bùi Danh Liên, việc lựa chọn khung giờ để nghỉ ngơi là cần thiết vì đã thảo luận rất kỹ rồi, nhưng chúng ta cần đặt ra, những thay đổi đó giải quyết được vấn đề gì và có làm được hay không? Cơ quan Nhà nước kiểm soát được không? Rồi tài xế sẽ dừng nghỉ ở đâu, nhất là khi cao tốc thậm chí còn không có chỗ dừng nghỉ.
“Tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần khảo sát kỹ, lấy ý kiến rộng rãi để tìm giải pháp phù hợp”, ông Liên đề xuất.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, liên quan đến đề xuất về thời gian lái xe liên tục tại Dự thảo Luật Đường bộ, không ít ý kiến cũng tỏ ra quan ngại về việc giám sát chấp hành thực hiện quy định của các lái xe, bởi trên thực tế quy trình quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình vẫn còn bất cập, không loại trừ khả năng tài xế thực hiện thao tác giao ca theo thời gian trên hệ thống nhưng thực chất lại không thực hiện việc đổi lái.
Có thể bạn quan tâm
"Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị việc tách Luật Giao thông đường bộ"
17:00, 16/04/2022
Tách Luật Giao thông đường bộ - Còn đó nhiều ý kiến trái chiều
03:50, 28/01/2022
Đề xuất cơ chế thu phí vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ
04:00, 05/05/2021
Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?
04:30, 18/11/2020
Tách Luật Giao thông đường bộ đảm bảo "không chia luật, chia quyền"
04:50, 17/11/2020