“Trong Quy hoạch điện VIII có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng có vẻ dự thảo đang thiên về sự ổn định nhiều hơn là sự đổi mới và phát triển trong tương lai”.
Đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam với phóng viên. Ông Nguyễn Quang Huân cho biết, dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) hiện đang được lấy ý kiến là một phần là sửa chữa những bất cập từ QHĐ VII. QHĐ VIII phải nắm bắt và bám sát từ chủ trương mới của Nghị quyết 55/NQ-TW (NQ 55) ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, đã gần 2 năm nhưng dự thảo QHĐ VIII chưa làm rõ được những vấn đề mà NQ 55 hướng tới. Vậy, việc tập trung ưu tiên phát triển điện than thay vì phát triển năng lượng tái tạo có đi ngược với định hướng của Chính phủ?
Ông Huân cho rằng, dự thảo QHĐ VIII là quy hoạch mở. Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các định hướng và danh mục chính. Việc thực hiện quy hoạch sẽ giao cho Bộ Công Thương xây dựng theo bản kế hoạch mới nhằm chỉ ra thời gian và các dự án triển khai một cách cụ thể. Rõ ràng, từ NQ 55 đến Chính sách của Chính phủ và của ngành đã là một bước đi quá dài. "Tôi thấy đó là việc không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội cũng như chủ trương của Đảng" - ông nói.
Trong dự thảo QHĐ VIII đề cập đến vấn đề giảm điện gió, điện mặt trời nhưng tăng thủy điện để đảm bảo cơ cấu năng lượng tái tạo (NLTT) thì sẽ không đảm bảo tính minh bạch và công bằng theo đúng tinh thần của NQ 55. Gộp điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện thành NLTT là một định nghĩa cần phải làm rõ. Hơn nữa, dự thảo tăng điện than so với sửa đổi tháng 3/2021 nhưng giảm đáng kể về điện gió và điện mặt trời. Và để cân bằng vào tỷ trọng của điện NLTT thì tăng thuỷ điện để bù đắp cho sự giảm rất nhiều của điện gió, điện mặt trời. Vì thế, để giữ tỷ trọng NLTT cân bằng với nhiệt điện than và các nguồn điện khác, đó chính là những phần cần xem xét lại nhất, ông Huân cho biết thêm.
Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), cho rằng: Dự thảo lần này thể hiện “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Trong khi lộ trình “điện cạnh tranh” chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch nhất là nguồn vốn đầu tư chưa thuyết phục.
Như thế, theo bà dự thảo có phần đi ngược lại quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.
Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, nhìn về thực tế, NLTT cũng có những bất lợi. Ví như điện mặt trời, hiện nay chỉ phát được 5-6 giờ, có những vùng nắng nhiều, nắng dài thì được 7 giờ. Như vậy, nguồn điện ban ngày hoạt động mạnh, trong khi ban đêm thì hạn chế. Điện gió cũng vậy, mùa gió to thì năng lượng điện cao, mùa gió thấp thì năng lượng điện thấp. Vì thế, việc điều tiết lưới điện phức tạp nhưng không phải không có phương cách để hạn chế.
“Thuận tiện nhất cho người làm quy hoạch là chúng ta cứ nối tiếp từ QHĐ VII sang QHĐ VIII rồi bổ sung" - ông Huân nói.
Kỳ 2: Điện than chỉ là lợi thế ngắn hạn
Có thể bạn quan tâm