Nguồn cung hạn chế, giấc mơ nhà ở xã hội (NƠXH) của nhiều người sẽ phải tạm gác lại nếu tình trạng dành suất mua, bán chênh, thu chênh vẫn còn tiếp diễn.
>>> Thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài phát triển nhà ở xã hội
LTS: Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trước thời hạn 2030 đã được thể hiện tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã chứng kiến sự “lệch pha” cung cầu NƠXH, khi chỉ 149 căn hộ được mở bán, thế nhưng đã có đến 1.500 hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó vẫn tồn tại tình trạng nhức nhối về bán chênh, “cò” giành suất mua, bán lại suất. DĐDN đã có cuộc trao đổi cùng GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT về chủ đề trên.
- Giành suất mua, bán chênh NƠXH đang trở thành bệnh nan y, thưa ông?
NƠXH nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Bởi lẽ, NƠXH không chỉ giải quyết nơi ở cho hộ gia đình khó khăn, mà còn giống như thước đo văn minh một xứ sở không bỏ rơi những người yếu thế. NƠXH, ngay tên gọi của nó, đã phân định rõ ràng những người được sở hữu. Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định rất rõ về 10 đối tượng được mua NƠXH.
Song, gắn với NƠXH, có 2 nghịch lý lớn cần đề cập: một là, chỉ số giá nhà ở trên thu nhập của dân quá cao, hai là thị trường phân ra 2 nửa khá rõ rệt, phân khúc nhà ở giá trung bình và giá cao thì thừa cung và thiếu cầu, trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ thì thiếu cung và thừa cầu.
Chính nghịch lý này đã tạo nên tình trạng khủng hoảng thị trường BĐS bắt đầu từ năm 2009 và thể hiện tác động nặng tới thị trường vào giai đoạn 2011 - 2013. Bước vào năm 2014 với những dấu hiệu tích cực cho phục hồi thị trường nhà ở, những dấu hiệu đó bắt đầu từ khu vực NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Đến năm 2016, khi gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã kết thúc, động lực phát triển nhà ở giá rẻ đã cạn, thì thị trường nhà ở lại gần như quay lại với nghịch lý thứ nhất.
Mặt khác tới nay, bối cảnh nguồn cung khan hiếm, NƠXH lại trở thành “món hơi” béo bở, nhiều người đăng ký mua NƠXH dù không thuộc diện được thụ hưởng. Có những người lợi dụng các cơ chế chính sách, cố tình làm sai hồ sơ để được hưởng giá ưu đãi.
Chung quy lại, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong việc mua bán NƠXH như hiện nay là do vẫn còn cơ chế xin - cho. Bên cạnh đó là cả nguyên nhân khách quan là bất cập chính sách và nguyên nhân chủ quan là việc chủ đầu tư bao gồm chủ đầu tư dự án và các nhà đầu tư thứ cấp trục lợi.
- Thực trạng này liệu có dẫn NƠXH đi sai hướng, thưa ông?
Tại các địa phương, hàng năm sẽ có các đợt thanh tra, kiểm tra người sử dụng NƠXH trên địa bàn. Tuy nhiên, do được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, giao đất, thủ tục, tiêu chuẩn thiết kế…, nên giá NƠXH thấp hơn nhà ở thương mại. Luật chưa quy định rõ, chưa chặt chẽ, nên tạo kẽ hở cho đối tượng mua NƠXH.
Dù đã có quy định sử dụng NƠXH không đúng đối tượng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, việc kiểm tra thì thường xuyên, phát hiện nhưng thu hồi lại có phần khó khăn. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp không thuộc đối tượng thu nhập thấp nhưng làm các ngành nghề tự do và không đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn tranh các suất mua, thuê mua NƠXH để bán chênh kiếm lời.
>>> Hà Nội xin chủ động bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội
Có thể nói, phát triển NƠXH là vấn đề khó, quản lý không tốt sẽ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau, làm méo mó chính sách nhân văn của NƠXH.
- Đề án 1 triệu căn NƠXH đã được thông qua, ông có kiến nghị giải pháp gì để loại hình này đến đúng đối tượng?
Nhà ở giá rẻ cho nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo luôn tạo áp lực lớn trong định hướng phát triển nhà ở. Đây là phân khúc an sinh xã hội về nhà ở cần được giải quyết thấu đáo trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá mạnh ở nhiều địa phương. Giải pháp chính sách đưa ra phải phù hợp với cơ chế thị trường, đúng hướng, đúng mục tiêu.
Cần có biện pháp quyết liệt hơn khi thanh lọc đối tượng được thuê mua để đảm bảo tính công bằng cho người thu nhập thấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng NƠXH theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các bất cập nêu trên.
Đặc biệt tập trung kiểm tra việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH cũng như việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án NƠXH.
Bên cạnh đó, biện pháp căn cơ vẫn là tăng nguồn cung NƠXH...
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm