Đừng để nạn “nhũng nhiễu” làm doanh nghiệp nản lòng

NGUYỄN GIANG 07/04/2024 03:00

"Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng các nhà đầu tư, các vị đã vượt qua rừng thủ tục hành chính với vô vàn khó khăn, nếu bản thân ở vị trí của doanh nghiệp thì "chắc không đủ kiên nhẫn" để làm được…”.

Đây là những chia sẻ thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội được tổ chức hôm 5/4 vừa qua.

Quan điểm thẳng thắn Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm và đánh giá cao. Điều đó cũng dễ hiểu bởi người đứng đầu UBND Thành phố Hà Nội đã nhìn thẳng vào vấn đề vẫn luôn nhức nhối cộng đồng doanh nghiệp bấy lâu nay để chia sẻ và đồng cảm.

>>Còn cơ chế “xin – cho” là còn tham nhũng

IHIHHIH

“Rừng” thủ tục, quy định là nguyên nhân khiến “tham nhũng vặt” sinh sôi, nảy nở. Ảnh minh hoạ

Thực tế, câu chuyện về những bức xúc của người dân, doanh nghiệp khi phải đi thực hiện các thủ tục hành chính không mới. Những “rừng”  thủ tục, quy định ấy vẫn luôn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… và tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Và các chuyên gia kinh tế cũng đã khẳng định, những “rừng” thủ tục, quy định ấy chính là nguyên nhân khiến “tham nhũng vặt” sinh sôi, nảy nở. Vấn nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh của cán bộ công quyền khi thực hiện thủ tục hành chính không chỉ khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở, mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nản lòng.

Điều này có thể thấy rõ trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 4/2023. Tại Báo cáo này, VCCI đã chỉ rõ vấn đề đáng lưu ý, đó là tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải đối diện tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ của một số cán bộ nhà nước gia tăng.

Cụ thể, năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Một số câu hỏi trong bộ khảo sát như: “Hãy cho biết ý kiến của doanh nghiệp bạn về những nhận định sau trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương?” hay “Trong các đợt thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp có phải đưa quà hay trả các khoản chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra không?”, “Chi trả “hoa hồng” (chi phí không chính thức) là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu?”…

Khảo sát cũng cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính xảy ra thường xuyên hơn với các doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, số năm hoạt động ít và không có hoạt động xuất khẩu.

>>Phòng, chống tham nhũng: Cán bộ chưa biết sợ hay do “lòng tham không đáy”?

IHIHIIH

Nhiều lĩnh vực còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết hoặc làm không đúng quy định, không công bằng, khách quan với doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí về nội dung này, GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới tỏ ra lo ngại: "Tỷ lệ chi chi phí lót tay có xu hướng giảm, mà tình hình nhũng nhiễu tăng thì có thể do không “được gì” nên nhũng nhiễu, gây khó hơn".

Ông Lược cho biết, thực tế phản ánh từ báo chí vẫn thấy, nhiều lĩnh vực còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết hoặc làm không đúng quy định, không công bằng, khách quan với doanh nghiệp.

“Làm đúng, làm nhanh cũng không được gì, đó là vấn đề không hề hiếm trong tâm lý, thái độ làm việc của cán bộ. Họ có thể gây “nhiễu” cho doanh nghiệp bằng nhiều cách, như tăng cường kiểm tra, triển khai cứng nhắc các quy định, “ngâm” hồ sơ… hoặc nhiều cách khác”, ông Lược nói và cho rằng "kinh tế vốn khó khăn, thêm sự nhũng nhiễu, yêu sách, doanh nghiệp nào chịu được".

Nói như TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra (Thanh Tra Chính phủ), tham nhũng "vặt" cứ như nấm mọc sau mưa. Thói tham nhũng "vặt" diễn ra công khai gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, bất cứ việc gì ở lĩnh vực nào, hình thành nên cơ chế xin – cho thì không khó để tìm ra những minh chứng về nó. Người dân phải đi “xin”, còn công bộc giữ quyền “ban phát”.

Trở lại những lời chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tại hội nghị hôm 5/4 vừa qua. Người đứng đầu chính quyền TP.Hà Nội đã thẳng thắn với các doanh nghiệp: "Các vị đã vượt qua rừng thủ tục hành chính. Để vượt qua như vậy thì vô vàn khó khăn. Tổng Bí thư nói rồi, luật do ta cả chứ do ai. Chúng ta "đẻ" ra xong chúng ta chấp hành nó, biết là gây khó cho thiên hạ, gây khó cho đồng bào, cho người dân… mà ta không sửa thì lỗi của mình chứ lỗi của ai…".

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng rằng, quan điểm thẳng thắn của người đứng đầu chính quyền Hà Nội sẽ không chỉ là những lời phát biểu lý thuyết mà sẽ sớm được thực thi bằng những chính sách, quy định cụ thể để tiếp sức, hỗ trợ thực tế cho cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 –p/Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    03:00, 29/03/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    03:00, 30/03/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    03:00, 03/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đừng để nạn “nhũng nhiễu” làm doanh nghiệp nản lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO