Nghị quyết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị thiệt hại do Covid-19.
Chiều 17/11, trong phiên họp bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10.
"Cứu" Vietnam Airlines
Theo Nghị quyết, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quốc hội nhất trí cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.
Nghị quyết cũng nêu rõ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định;
Theo Nghị quyết, Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình về việc này, trong đó có ý kiến đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo tình hình thực tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện quan điểm để bảo đảm việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, rất cần có quy định về công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với vấn đề này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện Vietnam Airlines đang xây dựng Đề án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu của đề án nhằm xử lý giảm lỗ và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển vọng phục hồi
Trong bối cảnh ngành hàng không quốc tế, hàng không Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi cho đến hết năm 2021, thì với 12.000 tỷ đồng vốn Nhà nước bỏ ra, Vietnam Airlines sẽ phải sử dụng thế nào để đảm bảo hiệu quả sinh lời, ít nhất cũng thu hồi được khoản chi này trong tương lai?
Bất chấp những dự báo lạc quan từ các hãng hàng không nội địa kể từ tháng 8 tới nay, số liệu thống kê từ Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) vẫn cho thấy sự sụt giảm lớn trong vận chuyển hàng không nội địa.
Lượng hành khách thông qua cảng hàng không đạt 52,8 triệu khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 7,1 triệu khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019; Khách nội địa đạt 45,7 triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.
5 hãng hàng không Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019, vận chuyển 25,6 triệu hành khách, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không - du lịch dự báo, ngành hàng không và ngành du lịch có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước bởi các doanh nhân ở khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng họ có thể vẫn chốt được hợp đồng thông qua ứng dụng hội họp trực tuyến từ công ty và thậm chí từ nhà.
Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam phải mất rất lâu, vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 27/10 cũng phải nâng mức cảnh báo về sụt giảm của ngành hàng không toàn cầu năm 2021, từ 29% lên đến 46% so với năm 2019.
Vietnam Airlines hiện là hãng sở hữu phần lớn đường bay quốc tế từ Việt Nam. Do đó, tác động xấu của thị trường hàng không thế giới đến Vietnam Airlines là nguy cơ hiện hữu. Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng phải thừa nhận, năm 2021 tiếp tục lỗ nặng, mỗi ngày Covid 19 thổi “bay” 60 tỷ đồng nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi.
Trong cơn bĩ cực kéo dài, Vietnam Airlines mới đây còn nhận lại 30% cổ phần của Jestar Pacifics từ tay Tập đoàn Qantas do hãng này “tháo chạy”. Jestar Pacifics - một hãng hàng không giá rẻ liên tục thua lỗ kể từ khi cất cánh đến nay, dự kiến số lỗ đến 5.000 tỷ đồng tính đến tháng 10/2020. Không thể nói Qantas “cho không” Vietnam Airlines 30% Jetstar Pacifics, bởi đáng ra với khoản thua lỗ trên, với tư cách chủ sở hữu, Qantas sẽ phải bỏ tiền ra cứu Jetstar Pacifics. Tuy nhiên, sau khi nhận 30% cổ phần trở thành cổ đông lớn nhất Jetstar Pacifics, Vietnam Airlines sẽ phải gánh toàn bộ số lỗ 5.000 tỷ đồng, bao gồm phần Qantas bỏ lại.
12.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư khi thị trường hàng không chưa hẹn ngày hồi phục, ngoài “cõng thân mình”, Vietnam Airlines còn gánh thêm khoản nợ khổng lồ từ Jetstar Pacifics, triển vọng phục hồi của Vietnam Airlines là câu hỏi “hóc búa” với nhà đầu tư.
Kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam đã nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các tổ chức tín dụng và nhà cung cấp cũng như các diễn biến của dịch Covid -19.
“Ngay cả khi hàng không phục hồi thì Vietnam Airlines cũng phải cân nhắc tới bài toán cắt giảm chi phí, cắt giảm những đường bay không hiệu quả, nâng cao chất lượng bộ máy hoạt động vốn cồng kềnh thì mới kỳ vọng dòng vốn Nhà nước đầu tư là quyết sách đúng đắn”, một chuyên gia trong ngành nhận xét.
Một số chuyên gia cho rằng giải cứu Vietnam Airlines cũng phải tính đến các doanh nghiệp khác như VietJet Air, Bamboo Airways để đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, không mang tính phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế khác nhau.
Vốn dĩ, doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân như sở hữu thương hiệu quốc gia được xây dựng từ lâu đời, có nhiều doanh nghiệp hậu thuẫn phía sau như công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay. Nếu cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng nghĩa là sẽ có thêm nguồn lực để chi trả các chi phí khác, hoặc cũng có thể dùng vào mục đích giảm giá vé, cạnh tranh với các hãng hàng không khác…
“Các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam theo tỷ lệ thị phần hàng không quốc tế của nước ta mà hoạt động có lãi trong những năm qua”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.
Có thể bạn quan tâm
Tạo “đường băng” cho vốn nhà nước vào Vietnam Airlines
11:01, 15/11/2020
“Lối thoát” nào cho Vietnam Airlines
05:13, 12/11/2020
“Lối thoát” nào cho Vietnam Airlines: Hỗ trợ ngành hàng không để phục hồi kinh tế
20:10, 11/11/2020
“Lối thoát” nào cho Vietnam Airlines: Đã sẵn sàng nguồn lực
19:03, 11/11/2020
"Nút thắt” để kích hoạt dòng vốn đầu tư vào Vietnam Airlines
16:34, 10/11/2020