Bộ GTVT cho rằng, phương án tiếp tục giao vốn bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có rất nhiều điểm thuận lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn VNR.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cho ý kiến về các phương án thực hiện việc giải ngân vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Đề nghị tiếp tục giao vốn VNR
Theo văn bản số 1805/BC-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giao dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị người đứng đầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019.
Như vậy, đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải cũng chính là phương án 1 trong số 2 phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến khoản kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cho ý kiến.
Ngoài phương án 1, Thường trực Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành (phương án 2) nghiên cứu triển khai cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, phương án 1 có rất nhiều điểm thuận lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đảm bảo hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Bên cạnh đó, trong trường hợp được chấp thuận, các cơ quan chức năng cũng có thêm thời gian điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho những năm tới.
Những vướng mắc trong việc giao dự toán chi NSNN năm 2020 cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư đã được VNR và Bộ GTVT phát hiện từ tháng 10/2019, khi bắt đầu xây dựng dự toán chi năm 2020. Do VNR đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tháng 10/2018) nên Bộ GTVT không thể tiếp tục giao vốn cho VNR như thông lệ.
Trong khi đó, Luật Đường sắt lại giao VNR quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng sắt, đảm bảo giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt. VNR cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng đảm nhận nhiệm vụ này.
Do không thể tiếp tục giao ngân sách nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chưa tìm được cơ chế ký hợp đồng phù hợp giữa Cục Đường sắt Việt Nam - đơn vị đang được Bộ Giao thông Vận tải tạm giao tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020, nên từ ngày 1/1/2020 đến nay, việc bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia gần như bị gián đoạn, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để giải quyết tận gốc vấn đề, các cơ quan chức năng cần sớm duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư (Đề án do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng); trong đó có kiến nghị tiếp tục giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính vào vốn doanh nghiệp đến hết năm 2025.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam, sau đó đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại thời điểm này chưa thể thực hiện được. Cụ thể, do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì, nên việc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng với Tổng công ty chưa phù hợp với điều kiện đặt hàng được quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân.
"Trường hợp Cục Đường sắt Việt Nam ký Hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng chưa phù hợp về hợp đồng thầu phụ được quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 47, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải phân tích.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thể ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu do chưa có cơ chế ràng buộc vai trò của Công ty mẹ trong việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Để việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không bị gián đoạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay thủ tục để giải ngân (tạm ứng, thanh toán) nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt để thực hiện ngay công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Không để gián đoạn chạy tàu
Trước "mối bùng nhùng" giao vốn bảo trì cho VNR,ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục đường sắt cho biết ngay sau khi được Bộ Giao thông Vận tải giao 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, Cục Đường sắt Việt Nam đã chủ động xây dựng các phương án để thực hiện.
Cụ thể, Cục đã đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất giải quyết.
Để thực hiện giải ngân nguồn vốn bảo trì của ngành đường sắt, cần thiết phải ký được hợp đồng đặt hàng giữa Cục Đường sắt Việt Nam với đơn vị thực hiện để thực hiện tạm ứng, thanh toán.
Có 2 phương án đã được Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng, theo đó, phương án 1: Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt.
Phương án 2, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện ký hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt với 20 doanh nghiệp bảo trì của ngành đường sắt; đồng thời ký hợp đồng quản lý với VNR.
Để thực hiện các phương án đã xây dựng, tính đến nay, Cục Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần làm việc với VNR để triển khai kế hoạch bảo trì nhưng các bên chưa đi đến được thống nhất.
Theo thông báo số 70/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, 2 phương án đã được đưa ra để thảo luận cho ý kiến, theo đó, phương án 1 là giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019. Phương án 2 là đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
Theo quan điểm của Cục Đường sắt Việt Nam, đối với phương án 1 có ưu điểm là có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.
Phương án này sẽ giúp có thời gian điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng thực hiện bảo trì bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho các năm tới.
Bên cạnh đó, VNR với việc có sẵn hệ thống quản lý cũng như nhân lực để thực hiện ngay việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Nhược điểm của phương án 1 là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay như: Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP (quy định giao nhiệm vụ đặt hang hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng vốn ngân sách nhà nước)… Để thực hiện được phương án này, cần phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối với phương án 2 có ưu điểm là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng có nhược điểm là để thực hiện phương án này, cần phải có thời gian điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ.
"Trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắt hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam và VNR thời gian qua đã chủ động họp bàn thống nhất các nội dung khó khăn, vướng mắc của từng phương án để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo an toàn chạy tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt", ông Khôi nói.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 04/03/2020
16:00, 28/02/2020
02:55, 28/02/2020
17:00, 27/02/2020
16:28, 26/02/2020
20:03, 25/02/2020
15:14, 25/02/2020
Trước đó, do lường được tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội cho phép Bộ tiếp tục giao dự toán cho VNR để đảm bảo hoạt động đường sắt được ổn định, liên tục, thông suốt, an toàn.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, trong đó tại khoản 8, Điều 3 quy định: Tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Nghị quyết số 87 chỉ nêu “tiếp tục cơ chế giao dự toán” mà không nêu rõ giao dự toán cho VNR, nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn.
“Đây là phương án thuận hơn việc nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng VNR thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia - phương án 2”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT nhận thấy rằng, việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam, sau đó đặt hàng với VNR tại thời điểm này chưa thể thực hiện được. Cụ thể, do VNR không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì, nên việc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng với Tổng công ty chưa phù hợp với điều kiện đặt hàng được quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Trường hợp Cục Đường sắt Việt Nam ký Hợp đồng đặt hàng với VNR cũng chưa phù hợp về hợp đồng thầu phụ được quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 47, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện”.
Ở chiều ngược lại, ông Hồ Hữu Hòa, Thành viên Hội đồng thành viên VNR cho rằng, Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thể ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu do chưa có cơ chế ràng buộc vai trò của Công ty mẹ trong việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.