Đứt gãy chuỗi vì đối tác phá sản, doanh nghiệp dệt may “vạ lây”

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 16/09/2020 05:15

Đối tác nước ngoài phá sản khiến nợ khó đòi, đơn hàng nhỏ giọt do nhu cầu chỉ tập trung vào đồ dùng thiết yếu và thiết bị chống dịch khiến nhiều doanh nghiệp dệt may như "ngồi trên đống lửa".

Mới đây, Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company - NY&Co) tại Mỹ nộp đơn phá sản. Câu chuyện có vẻ tận nước bạn xa xôi chẳng có gì đáng lo nếu như RTW Retailwinds không là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn nhất của Công ty cổ phần May Sông Hồng.

thời điểm tháng 11, 12, năng lực sản xuất của ngành dệt may có thể sẽ giảm đi một nửa

Thời điểm tháng 11, 12, năng lực sản xuất của ngành dệt may có thể sẽ giảm đi một nửa. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Những khoản “nợ khó đòi” khổng lồ

Việc RTW Retailwinds phá sản kéo theo khoản nợ 219 tỉ đồng với May Sông Hồng chưa biết thu hồi ra sao. Trong khi khả năng thu hồi khoản nợ nói trên còn rất mơ hồ thì phía May Sông Hồng cho biết vẫn chưa trích lập dự phòng đối với khoản thu nói trên do khoản thu thuộc nửa đầu năm 2020. Dự kiến doanh nghiệp chỉ bắt đầu trích lập dự phòng trong Báo cáo tài chính quý III và quý III/2020.

Không riêng RTW Retailwinds, vào tháng 5 vừa qua chuỗi bách hóa khổng lồ J.C.Penney tại Mỹ cũng tuyên bố đóng cửa. Điều này cũng khiến hàng loạt doanh nghiệp dệt may Việt Nam như "ngồi trên lửa" do khả năng thu hồi được nợ từ những công ty đã tuyên bố phá sản này rất mông lung.

Trước đó, Công ty dệt may Thành Công cũng vướng khoản “nợ khó đòi” hơn 100 tỷ đồng từ hai công ty con của hãng bán lẻ Sears Holdings, cộng thêm công ty phải tăng trích lập dự phòng lên hơn 84 tỉ đồng cho khoản nợ này.

Trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID - 19, khả năng bị "vạ lây" của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.

Đơn hàng "nhỏ giọt"

Một số doanh nghiệp chia sẻ đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 20120 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Từ những con số phản ánh thực tế, Bộ Công Thương đánh giá, tình hình thị trường dệt may thế giới trong quý III chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, thị trường chưa chuyển biến.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết đang

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết đang "gồng mình" để "giữ chân" người lao động. (Ảnh: Quốc Tuấn).

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh này không dễ với phần lớn các doanh nghiệp dệt may, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần 2 ở nhiều nước và cả Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp...

"Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, những tháng cuối năm, đặc biệt, thời điểm tháng 11, 12, năng lực sản xuất của ngành dệt may có thể sẽ giảm đi một nửa, ước khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may nên tập trung khai thác thị trường nội địa để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây nên trong nửa đầu năm 2020.

“Để có thể duy trì sản xuất và “giữ chân” người lao động, những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, hạ giá thành sản phẩm để kéo hàng từ những thị trường khác về, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, nhằm “hút” đơn hàng về nước”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp dệt may đang "bế tắc"

    11:00, 25/08/2020

  • Thị trường nội địa sẽ là phao cứu sinh của doanh nghiệp dệt may?

    03:55, 24/08/2020

  • Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ: Khập khiễng... dệt may

    15:24, 14/08/2020

  • Ngành dệt may tiếp tục gặp khó những tháng cuối năm

    05:30, 11/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đứt gãy chuỗi vì đối tác phá sản, doanh nghiệp dệt may “vạ lây”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO