Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) là doanh nghiệp môi giới bất động sản (BĐS) lớn nhất Việt Nam và có quỹ đất liên tục được mở rộng. Doanh nghiệp đang có sự ảnh hưởng trong 2 quý vì dịch.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020, doanh thu thuần đạt 478 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, và công ty mẹ lỗ ròng hơn 29 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DXG chỉ đạt lãi ròng 152 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của BVSC, sự thiếu hụt doanh thu từ phát triển dự án cùng với sự trì hoãn gần 2/3 hoạt động môi giới trong quý 2 do COVID-19 dẫn đến kết quả kém tích cực…
Việc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp cùng ngành có thể sẽ đem lại khoản lỗ cho DXG. Đơn cử, DXG vừa đăng ký bán toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu LDG của Công ty CP Đầu tư LDG, tương đương 26,27% vốn LDG trong thời gian từ 22/7 đến 20/8. Đồng thời, công ty con của DXG là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 10,45% vốn.
Theo thông báo, giá chuyển nhượng cho cả 2 giao dịch trên dựa vào giá thị trường nhưng không thấp hơn 6.000 đồng/cp. Như vậy, DXG có thể thu về tối thiểu hơn 378 tỷ đồng, còn công ty con Hà Thuận Hùng sẽ thu khoảng 150 tỷ đồng sau khi giao dịch thành công.
Đóng cửa phiên giao dịch 22/7, cổ phiếu LDG ở mức 6.300đ/cp. Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của DXG, khoản đầu tư vào LDG có giá trị ghi sổ là 1.079 tỷ đồng, tương đương khoảng 12.261 đồng/cp. Như vậy, việc thoái vốn này sẽ khiến DXG thua lỗ.
29 tỷ đồng là khoản lỗ ròng của Công ty mẹ DXG quý 2/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 249 tỷ đồng.
Hiện tổng nợ phải trả của DXG gần 12.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu hơn 9.100 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang ở mức 131%. Điều này cho thấy tình hình tài sản của Công ty được hình thành chủ yếu trên nợ vay.
Đặc biệt, việc siết tín dụng BĐS, cũng như siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là một thách thức không nhỏ đối với DXG.
Bên cạnh đó, đến cuối quý 2/2020, hàng tồn kho của DXG lên tới hơn 8.844 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cuối năm 2019, phần lớn là BĐS dở dang.
BVSC cho rằng kết quả kinh doanh nửa đầu 2020, thông tin thoái vốn tại LDG, là thông tin chưa tích cực trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng tới biến động giá của DXG. Tuy nhiên, đây cũng là dư địa để DXG cải thiện tăng trưởng về nửa cuối năm 2020, khi thị trường có điều kiện thay đổi.
Dự báo về kết quả kinh doanh tích cực của DXG phía trước, cũng như tiềm năng quỹ đất giá hợp lý của DXG, BVSC cho rằng cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu DXG ở vùng giá hấp dẫn đang hiện hữu.
Kịch bản bất động sản cuối năm 2020
TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường BĐS sẽ đối diện với 3 kịch bản cuối năm 2020.
Với kịch bản trung tính, đến cuối năm thị trường quốc tế, các đối tác quốc tế mới phục hồi và quay trở lại bình thường. Nền kinh tế suy giảm nhưng không lớn. Thị trường bất động sản trầm lắng nhưng không đổ vỡ.
Với kịch bản tích cực, các nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2020. Các doanh nghiệp định hình và định vị tại Việt Nam. Nền kinh tế phục hồi hoàn toàn trạng thái trước dịch COVID-19 vào quý IV/2020. Thị trường BĐS sẽ chuyển động tích cực trong quý IV và trước tết Tân Sửu 2021.
Tuy nhiên, với kịch bản tiêu cực là đại dịch COVID - 19 không được kiểm soát, thương chiến Mỹ - Trung không hòa hoãn, thị trường BĐS trong nước sẽ có nguy cơ bị đóng băng.