[eMagazine] Toàn cảnh doanh nghiệp nhà thầu "thoi thóp" và giải pháp "tốt cho cả hai"

. 22/08/2021 12:00

Đại dịch COVID-19 bùng phát, giá VLXD tăng cao đã đẩy các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng vào thế lao đao trong khi chờ đợi các giải pháp hỗ trợ của nhà nước.

“Năm 2021, xác định là năm "xôi hỏng bỏng không" với các doanh nghiệp nhà thầu”, đó là câu nói “buột miệng” của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp dưới cái nắng đổ lửa trên công trường một đại dự án tại Hà Nội trước ngày phải tạm dừng thi công do giãn cách xã hội.

Chia sẻ có phần chua chát của vị doanh nhân 75 tuổi có vài chục năm “sống chết” với ngành xây dựng đã phần nào nói lên thế khó của các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng hiện nay.

Theo ông Hiệp, việc giá thép xây dựng nói riêng và giá VLXD nói chung tăng cao trong thời gian ngắn vừa qua thực sự là “cú đấm bồi” giáng vào các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Các doanh nghiệp xây dựng trong cả năm 2020 đến nay vốn đã phải gồng mình hoạt động, cố gắng giữ nhân sự và có được việc làm để duy trì đã là rất khó. Bên cạnh đó, cũng có những nhà thầu còn gặp phải tình trạng chủ đầu tư “làm khó” không chịu nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu trong khi dự án vốn đã được nghiệm thu để bán và đưa vào sử dụng.

Tất cả những khó khăn đó vốn đã khiến cho các doanh nghiệp nhà thầu hết sức “thoi thóp” thì việc giá VLXD nói chung và giá thép xây dựng tăng cao nếu không sớm tìm được hướng tháo gỡ có thể các nhà thầu sẽ sớm lâm vào bế tắc.

Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, việc giãn cách xã hội khiến tiếp cận vật liệu đã rất khó. Giá thép tăng lên và một số nguyên vật liệu đi cùng cũng tăng lên ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu.

"Bối cảnh hiện tại, các công trình xây dựng đã ít hơn, tính cạnh tranh cao, nhiều nhà thầu đã phải tự phá giá để có công trình, do đó, không thể tiếp tục thực hiện các dự án đúng với tiến độ nếu giá vật liệu vẫn trên đà tăng nóng" - ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 - đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn và Mỹ Thuận - Cần Thơ chia sẻ, do hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh tăng nên nhà thầu rất khó khăn.

Ông Khiêm cho rằng, công ty 319 là doanh nghiệp nhà nước, đã ký hợp đồng là phải làm nhưng với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay, biết chắc làm sẽ bị lỗ. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện chúng tôi không thi công sẽ chậm tiến độ còn thi công sẽ lỗ”, ông Khiêm nói.

Trước đó, đại diện 40 nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã cùng ký tên, gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh và 9 sở, ban ngành có liên quan về việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và đơn giá nhân công sát với giá thực tế, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp đang thi công công trình.

Trong đơn kiến nghị, đại diện các nhà thầu cho biết nguồn cung hiện nay không đủ nhu cầu để thi công công trình, làm cho các nhà thầu trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, trong khi đó giá một số vật liệu đã tăng rất cao.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp tại đây, định kỳ hàng tháng và quý, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau sẽ công bố giá vật liệu xây dựng trên website của Sở. Bảng báo giá vật liệu xây dựng tháng 1 và 2 của Sở Xây dựng, Sở Tài chính vẫn còn cũ và rất thấp so với giá thực tế. Ngày 28/4/2021 vừa qua, Sở Xây dựng đã công bố bảng báo giá tháng 3. Song, giá các vật liệu xây dựng không thay đổi nhiều so với hai tháng trước đó.

Tương tự, trước tình hình giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định có công văn xin kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.

Cụ thể, tại văn bản số 30/HHNĐ gửi tới VCCI, UBND tỉnh Nam Định mới đây, ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định thông tin đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng có giá trị từ 10 tỷ đồng trở xuống hiện giá trị bù lỗ cho vật liệu xây dựng (VLXD) đầu vào lên đến khoảng 600-700 triệu đồng.

Ở khía cạnh giá VLXD theo ông Trần Xuân Ngữ, tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí VLXD đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại VLXD tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡn nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.

Bên cạnh đó, việc bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng khiến một số doanh nghiệp xây dựng phải dừng thi công cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế chung, nhất là các doanh nghiệp thương mại kinh doanh VLXD, xăng dầu không có đầu ra dẫn đến một lượng lớn nhân công không có việc làm và thu nhập.

Mới đây, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho các nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. 

Trong đó nội dung đầu tiên được VACC đề cập là việc “đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”.

Tuy nhiên, về vấn đề này, theo các chuyên gia pháp lý hiện trong các hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về trường hợp bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (COVID-19) cũng như các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch theo chỉ 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa luật Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, nếu cứ viện dẫn dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch Covid-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng.

Theo đó, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 BLDS, doanh nghiệp phải chứng minh được nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được do bất khả kháng và việc không thể thực hiện được này có nguyên nhân trực tiếp từ dịch Covid-19.

Về vấn đề này, chia sẻ với DĐDN, Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về trách nhiệm bắt buộc phải chia sẻ thiệt hại do gặp phải sự kiện bất khả kháng, nhưng bên bị thiệt hại hoàn toàn có quyền đề nghị bên kia xem xét miễn/giảm các nghĩa vụ tài chính liên quan để chia sẻ thiệt hại vì bản chất của bất khả kháng là sự kiện khách quan ngoài khả năng tiên liệu của cả hai bên, chứ không phải do lỗi của bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.

Chia sẻ nhận định trên, theo ông Lê Thành Vinh - Giám đốc Công ty Luật T&P thì với các quy định trong pháp luật dân sự hiện hành, nếu HĐXD không quy định rõ “dịch bệnh” hay “quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giãn cách xã hội do dịch bệnh” là một sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm tương ứng của các bên trong trường hợp xảy ra bất khả kháng thì khả năng cao sẽ xảy ra tranh chấp khi xác định liệu các nhà thầu xây dựng tại thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 có được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do không thực hiện, thực hiện không đúng, không kịp thời nghĩa vụ của mình trong HĐXD đã ký hay không.

Cũng theo ông Vinh, xét trong bối cảnh HĐXD thường được các bên soạn thảo sơ sài và pháp luật không quy định cụ thể như vậy, việc Bộ Xây dựng tham mưu được một hình thức hướng dẫn nào đó theo chức năng quản lý nhà nước của mình sẽ là cần thiết.

Chẳng hạn, Bộ Xây dựng có thể sửa đổi Thông tư 08/2016/TT-BXD và Thông tư 09/2016/TT-BXD nêu trên (mặc dù chỉ áp dụng cho những HĐXD thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và HĐXD giữa doanh nghiệp dự án PPP với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án PPP) theo hướng liệt kê thêm dịch bệnh nào hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tình huống nào được coi là bất khả kháng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, hướng dẫn của Bộ Xây dựng ban hành tại thời điểm này (nếu có) sẽ áp dụng đối với HĐXD chuẩn bị giao kết, khó có thể áp dụng đối với HĐXD đã giao kết trước đó. Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 chỉ cho phép một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước chỉ trong trường hợp “thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội”.

"Như vậy, việc xem xét trường hợp “bất khả kháng” đối với các hợp đồng giao nhận thầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như đề xuất của VACC sẽ còn phải chờ Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết", ông Lê Thành Vinh nhận định.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng “thoi thóp” vì dịch COVID-19 thì cũng đang tồn tại một nghịch lý là một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lại báo lãi lớn khi giá các loại VLXD tăng cao chóng mặt thời gian qua.

Theo thông tin từ Công ty chứng khoán Agriseco thì các doanh nghiệp như Khoáng Sản và Xây Dựng Bình Dương; Tập đoàn Hòa Phát; Khoáng sản FECON, VLXD Biên Hòa;… đang ghi nhận những kết quả kinh doanh doanh tăng trưởng đột biến.

Từ đầu năm 2021, hầu hết doanh nghiệp thép đồng loạt báo cáo lợi nhuận quý 1-2021 đạt mức kỷ lục, gấp nhiều lần cùng kỳ. Như Thép Hòa Phát lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; Tôn Hoa Sen lãi 1.035 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; Thép Nam Kim lãi 319 tỷ đồng, gấp 7,7 lần…

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đánh giá quý 2, thị trường thép tiếp tục khả quan, xu hướng thép tăng giá diễn ra trên bình diện toàn cầu vì thiếu cung, giá nguyên liệu tăng. Còn tại thị trường Việt Nam, nhu cầu thép cũng đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ hàng năm nên vẫn rất thuận lợi với ngành thép.

Hiện nay, theo ghi nhận thực tế, để đón đầu cơ hội, nhiều doanh nghiệp thép đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cao công suất sản xuất. Đơn cử, thương hiệu Thép Nam Kim lên kế hoạch đầu tư kho hàng cho thị trường nội địa và xây nhà máy ống thép trên diện tích 5ha tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022 với tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án có công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC), 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang gặp phải hiện nay, mới đây, hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có báo cáo và khẩn thiết kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo đó, VACC cũng kiến nghị Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, VACC cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Hiệp hội nhà thầu xây dựng xin kiến nghị với Thủ tướng những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng rất thoáng không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm xin đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng đều vô cùng khó khăn, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp cụ thể: Dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2/2021 sang đầu năm 2022 (Các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý 2/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán). Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.

VACC cũng đề xuất các Sở xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.

Đối với trường hợp các hợp đồng giao nhận thầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa luật Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc khai thác các quy định về bất khả kháng với những ràng buộc nêu trên, các bên trong hợp đồng xây dựng nên ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn của nhau, tìm ra phương án ít thiệt hại nhất cho nhau.

Việc ngồi lại với nhau là nên làm và pháp luật cũng có quy định thúc đẩy các bên làm việc đó. Bởi lẽ, BLDS đã quy định ‘cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực’ (khoản 3 Điều 3). Ở đây, yêu cầu về ‘thiện chí’ buộc các bên phải ngồi lại với nhau để tìm ra phương án tốt nhất cho các bên trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Còn theo Luật sư Lê Thành Vinh - Giám đốc Công ty Luật T&P, lời khuyên chung cho các nhà thầu xây dựng là phải rà soát lại các HĐXD đã giao kết, các dự thảo HĐXD chuẩn bị giao kết để làm rõ lại các trường hợp bất khả kháng, trong đó cố gắng ghi rõ các điều kiện để một trường hợp được coi là bất khả kháng, đồng thời cố gắng liệt kê tối đa trường hợp mà hai bên ký kết Hợp đồng thống nhất là bất khả kháng; trình tự, thủ tục mà mỗi bên khi gặp sự kiện bất khả kháng phải thực hiện, phạm vi miễn trừ trách nhiệm của bên bị ảnh hưởng bởi bất khả kháng (bên vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng)…

Đặc biệt, theo ông Vinh đối với những HĐXD đã ký, bên nhận thầu hoàn toàn có thể đề nghị trao đổi thiện chí ngay với bên giao thầu về tình huống hiện tại để ký kết với nhau các thỏa thuận bổ sung sửa đổi hợp đồng để xử lý hậu quả pháp lý tương ứng do không thực hiện được nghĩa vụ của mình trong HĐXD đã ký.

"Miễn là thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác…, thoả thuận đó sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và sẽ được pháp luật công nhận" - ông Vinh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine] Toàn cảnh doanh nghiệp nhà thầu "thoi thóp" và giải pháp "tốt cho cả hai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO