Ban Tổng giám đốc Coteccons (CTD) vừa thông qua Nghị quyết không ký hợp đồng mới hoặc dừng hợp đồng hiện hữu với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp.
Danh sách được công ty nêu ra gồm 9 cái tên: Ricons, Newtecons, công ty vật liệu và giải pháp SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, công ty TNHH Cơ khí - Thương mại - Đầu tư An Gia Minh và 2 chi nhánh tại Bình Dương, Hưng Yên.
Diễn biến này được thực hiện sau khi nhóm cổ đông Kusto Group chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons và nhóm ban lãnh đạo cũ dưới thời cựu chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương. Đáng chú ý, danh sách không ký hợp đồng mới của Coteccons hầu hết là các đơn vị liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương.
Trong đó Ricons hiện do Coteccons nắm giữ 14,3% vốn, trước đây thuộc hệ sinh thái của Coteccons nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn giữa các cổ đông nên đã chuyển đổi thành mô hình tập đoàn. Nhiều thành viên ban tổng giám đốc cũ của Coteccons đang làm việc tại Ricons như: Ông Nguyễn Sỹ Công, Chủ tịch Ricons từng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Coteccons; ông Lê Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc Ricons từng làm Quyền Tổng giám đốc Coteccons; ông Trần Quang Quân, Tổng giám đốc Ricons cũng từng là Phó Tổng giám đốc Coteccons.
Newtecons và SOL được cho là có liên quan tới ông Nguyễn Bá Dương khi vị doanh nhân này gần đây xuất hiện trở lại trong lễ công bố kế hoạch kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp này. Ông Dương là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu 49% Newtecons và là chủ tịch sáng lập tại SOL.
Cả Ricons và Newtecons đều từng cùng Coteccons xây dựng, thi công các công trình lớn, trong đó có nhiều công trình trở thành biểu tượng trên cả nước như Tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM)...
Từ sau Cotecons thuộc về tay Kusto, Newtecons lần lượt thế chân Coteccons làm nhà thầu tại loạt dự án lớn có vị trí đắc địa bất chấp đại dịch Covid-19 như khu căn hộ cao cấp Masterise Homes (mặt tiền Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1, TP HCM), One Central Saigon (quận 1, TP HCM), Masteri Waterfront (Hà Nội)...
Mặt khác, là đơn vị mới trong lĩnh vực thầu, SOL E&C hiện do ông Nguyễn Bá Dương chính thức giữ vai trò Chủ tịch sáng lập và tăng trưởng nhanh. Đơn vị này được tách ra từ khối thi công chống thấm thuộc F.D.C (tiền thân Newtecons) với tên gọi ban đầu là S.M.A.R.T.
Năm 2020, SOL E&C ghi nhận giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, theo ông Dương, với những tiền đề đạt được trong năm qua, SOL E&C đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 hơn 2.000 tỷ.
Ngược lại, Coteccons liên tục sa sút dưới trướng Kusto, lợi nhuận quý 2/2021 giảm mạnh xuống mức thấp chỉ còn 45 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, CTD đạt 5.119 tỷ doanh thu, giảm 32% và LNST 99 tỷ đồng, giảm 65%. So với kế hoạch đề ra là 17.431 tỷ doanh thu và 340 tỷ LNTT, nửa đầu năm CTD chỉ mới thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo tìm hiểu của PV, chính thức nắm quyền kiểm soát tại CTD từ tháng 10/2020, và lần lượt thay máu dàn lãnh đạo cấp cao, CTD sau gần 1 năm Kusto "nắm cán" thực sự chưa cho thấy sự đột phá, ngược lại lợi nhuận liên tục giảm mạnh. Dù ban lãnh đạo liên tục nhấn mạnh về định hướng tái cấu trúc kinh doanh, nắm bắt xu thế mới giảm tỷ trọng ngành xây dựng cũng như phát triển CTD đa ngành.
Trong năm 2021, ban lãnh đạo CTD dự kiến sẽ giành được 22.000 tỷ đồng giá trị đơn đặt hàng mới. Nếu Coteccons đạt được kế hoạch, điều này sẽ phần nào khẳng định khả năng điều hành của HĐQT và ban điều hành mới. Tuy nhiên, với diễn biến của dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại và việc giá vật liệu xây dựng leo thang, ban lãnh đạo cho biết ngành xây dựng có thể đối mặt với những thách thức đến hết nửa đầu năm 2022.
Về dài hạn, Coteccons đặt mục tiêu hướng tới các hợp đồng EPC (nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng, chạy thử nghiệm bàn giao) cho các dự án năng lượng tái tạo. Việc vay nợ là điều cần thiết trong dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, công ty cho biết trước tiên sẽ tận dụng nguồn tiền ròng mạnh.
Hiện tại, Coteccons có lượng tiền mặt ròng là 3,6 nghìn tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp có khả năng cung cấp các hợp đồng với các điều khoản hỗ trợ khách hàng như không cần ứng trước và khách hàng sẽ trả thêm 1 phần lãi tương ứng với lãi suất ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Coteccons “hụt hơi”
17:25, 28/05/2021
Lo ngại về triển vọng tăng trưởng của Coteccons
11:33, 02/12/2020
Coteccons sẽ tìm lại quỹ đạo mới như thế nào?
11:09, 22/10/2020
Tương lai mịt mù ở Coteccons
04:30, 17/10/2020
Coteccons sẽ đi về đâu khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm?
11:06, 08/10/2020
Coteccons phát triển ra sao dưới thời ông Nguyễn Bá Dương?
11:00, 07/10/2020
Ông Lý Xuân Hải xuất hiện ở Coteccons với vai trò gì?
11:53, 06/10/2020