Niềm tin trở lại trước hết bởi triển vọng kinh tế rất lạc quan. Với nỗ lực từ Trung ương tới các địa phương, Việt Nam đã hoàn thành “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra: vừa chống dịch thành công vừa ổn định phát triển kinh tế. Năm 2020, GDP đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF xếp Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á tăng trưởng tích ấn tượng nhất. Chúng ta cũng chính thức vượt qua Singapore trở thành quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.

Triển vọng kinh tế thời gian tới cũng rất sáng. Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2021 - 2025, phục hồi và tăng tốc” đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,17 - 6,72%, trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 6,3 - 6,8%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh có nhiều bất định bởi dịch bệnh.

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao triển vọng kinh tế Việt Nam. World Bank dự báo GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,8%. Ngân hàng HSBC thậm chí dự báo chỉ tiêu này ở mức rất cao: 7,6%.

Tại thời điểm này, bất động sản có sức hút lớn nhất còn do các kênh đầu tư khác không như kỳ vọng. Lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì ở mức thấp chưa từng có (hơn 5%). Thị trường vàng vẫn tiềm ẩn nhiều biến động. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng trên dưới 7 triệu đồng/lượng là rất lớn, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. Tiến sĩ Hiếu cũng cảnh báo về các hình thức đầu tư tiền ảo: “Nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận với các sàn giao tiền ảo bởi chơi trong những sàn ngoại hối là vi phạm pháp luật. Hiện tại cũng có rất nhiều hiện tượng lừa đảo trên các sàn giao dịch tiền ảo” – vị chuyên gia cảnh báo!

Chứng khoán có 2 diễn biến đáng lưu tâm. Thứ nhất: Hiện tượng tăng điểm lên rất cao trong bối cảnh nền kinh tế trong năm 2020 tăng trưởng 2,9 % là nghịch lý. Bởi khi thị trường chứng khoán không tăng trưởng dựa trên nền tảng cơ sở kinh tế chúng sẽ tạo ra nguy cơ, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng. Thứ hai: mới đây Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bày tỏ kế hoạch muốn nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu/lệnh lên 1.000 cổ phiếu/lệnh. Như vậy nếu đề xuất này được thông qua, thị trường sẽ chỉ ưu tiên những “tay to”, vốn ban đầu để vào thị trường chứng khoán sẽ tăng lên ít nhất 10 lần, không còn vài chục hay vài trăm triệu như trước đây nữa.

Do tác động của covid-19, lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Do vậy dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ bị cắt giảm, chỉ còn các lĩnh vực sản xuất thiết yếu phục vụ cuộc sống. Việc điều hướng dòng vốn đầu tư sang lĩnh vực khác là tất yếu.

Ngoài ra, trong bối cảnh Covid vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam vẫn thu hút FDI ở mức ấn tượng. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hút vốn FDI năm 2020 đã đạt 28,5 tỷ USD, gần 300 doanh nghiệp từ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư.

Kiều hối cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy thị trường BĐS. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%. Trong đó, kiều hối về Việt Nam ước đạt khoảng 15,7 tỉ USD, thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới (trung bình các năm trước, khoảng 16 tỷ USD).

Giới chuyên gia nhận định: Trong bối cảnh các kênh đầu tư như gửi ngân hàng, vàng, chứng khoán có khả năng gặp nhiều rủi ro, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên. Bởi dù thị trường có nhiều biến động, những ngành hàng khác có thể sụt giảm nhưng giá bất động sản vẫn không có dấu hiệu giảm. Mặt khác, giá bất động sản thì càng gia tăng, đảm bảo tính an toàn và mang lại giá trị lợi nhuận tối ưu.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng: các nhà đầu tư cá nhân đang có sự dịch chuyển, họ lựa chọn bất động sản bởi đây là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại hay tích trữ vàng.

Việc giá đất tăng đã được dự báo từ trước Tết. Báo cáo Quý IV của Hiệp hội BĐS nhận định: giá bất động sản năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020. Lãi suất ngân hàng giảm sẽ kích thích nhà đầu tư dùng đòn bẩy tín dụng mua bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp càng khiến người dân hạn chế gửi tiền mà đẩy mạnh đầu tư sang các lĩnh vực khác, trong đó lựa chọn hàng đầu luôn là bất động sản.

Sau Tết giá đất các địa phương đều tăng. Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng công bố thông tin thị trường bất động sản năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 thì giá bất động sản vẫn tăng; trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.

Tuy nhiên trên thực tế có nhiều địa phương tăng đến 20 – 30%. Lý giải nguyên nhân này các chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố tăng giá:

Thứ nhất: Do các địa phương đồng loạt ban hành bảng giá đất mới, tăng hơn so với trước đây từ 10% - 15%. Việc công bố giá đất mới là việc làm bắt buộc và hết sức bình thường nhằm bình ổn giá đất và lấy căn cứ để đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng giới đầu tư và “cò” đất đã vin vào đó để thổi giá.

Thứ hai: trước và sau tết, nhiều tỉnh thành phố công bố quy hoạch đô thị, đề xuất mạng lưới sân bay… Tình trạng sốt cục bộ tăng cao tại Phú Quốc (do trước đó huyện đảo lên thành phố), Tp Hồ Chí Minh (sức nóng từ Thủ Đức), Đồng Nai (sân bay Long Thành) và đặc biệt là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (hiện đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 6-2021) và ngay sau đó là đề xuất thành lập thành phố Sơn Tây.

Với sự tăng trưởng “nóng” như hiện nay, tuy còn quá sớm để lo về một chu kỳ tăng trưởng ảo hay đứt gẫy của thị trường, song nhà đầu tư cũng nên cân nhắc “trông giỏ bỏ trứng” để tránh hụt hơi khi thị trường chững lại.