Liên minh châu Âu (EU) sắp ban hành dự luật về thẩm định chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có kế hoạch thích ứng.
Dự luật này được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực đảm bảo rằng các công ty trong khối này phải chịu trách nhiệm về con người và môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh...
>> Chuỗi cung ứng mới: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Thực tiễn buôn bán với thị trường EU cho thấy, từ 2 thập kỷ trước, các nhà lập pháp châu Âu đã đặt ra nhiều quy định mang tính tiên phong về bảo vệ môi trường sinh thái, đề cao quyền con người trong hoạt động kinh tế.
Ví dụ, quy định IUU từ năm 2008 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định. Hay như từ thế kỷ 18, nhiều quốc gia châu Âu, như Hà Lan, Anh, Hungary… đã ban hành những đạo luật quy định về độ tuổi, thời gian lao động đối với đối tượng là lao động trẻ em.
Dự luật thẩm định chuỗi cung ứng đang được Uỷ ban châu Âu (EC) thảo luận, có thể áp dụng từ năm 2026. Dự luật này nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm, như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức,…
Các quy định này phù hợp với xu thế phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. Nhưng dự luật này, nếu được Nghị viên châu Âu thông qua, sẽ là bước nâng cấp các tiêu chuẩn lên cấp độ ngặt nghèo hơn. Thậm chí, một số tập đoàn lớn bày tỏ quan ngại rằng khó có thể áp dụng theo các tiêu chuẩn này. ông Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức nói: “Đây là một đòn giáng tiếp theo đối với sự cạnh tranh của châu Âu”.
Dự luật thẩm định chuỗi cung ứng gây tranh cãi trong nội bộ châu Âu, có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng nới lỏng trước đi được Nghị viên châu Âu phê duyệt chính thức. Tuy vậy, chừng đó cũng đủ tạo ra rào cản lớn đối với các doanh nghiệp từ những quốc gia đang phát triển đang hoạt động, hợp tác với EU.
>> Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp thành công trong chuỗi cung ứng
Thách thức đầu tiên phải vượt qua là tư duy kinh doanh, suy nghĩ đặt lợi nhuận lên trên hết chắc chắn hết cửa vào EU. Điều đó buộc doanh nghiệp thiết kế lại hệ thống của mình, từ việc lựa chọn mặt hàng kinh doanh, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, phương thức sản xuất, áp dụng chế độ ưu đãi tốt nhất cho người lao động. Điều này sẽ dẫn đến phát sinh chi phí sản xuất rất lớn. Đơn cử, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo tiêu chuẩn chung, các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 30% trong tổng vốn đầu tư dự án để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Việc tuân thủ quy định này tại Việt Nam chưa thực sự nghiêm túc.
Khó khăn chồng chất với doanh nghiệp nhỏ, nên nhiều chuyên gia hiến kế, trong cơ cấu quy mô, cần có sự liên minh giữa các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành hàng. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ không thể trực tiếp xuất khẩu sang EU thì có thể rút lui, đảm nhiệm một hoặc một vài công đoạn trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp lớn.
Ở Đức, những doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong “mắt xích” bằng việc tập huấn, đào tạo về xử lý rủi ro bằng nguồn kinh phí hoặc ngân sách nhất định.
Nhìn ở góc độ tích cực, dự luật mới của EU là nền tảng căn bản để phát triển bền vững, như tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với mục tiêu chung toàn cầu là giảm phát thải, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, dự luật này còn góp phần minh bạch hóa thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh tế lành mạnh tại các quốc gia đang phát triển.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: “Tuân thủ tốt những trách nhiệm được quy định đối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất kinh doanh, mà khi người lao động và môi trường được đối xử tốt thì doanh nghiệp và nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững”.
Đây là nhiệm vụ mang tầm quốc gia, mỗi một cá nhân đơn lẻ không thể nào đảm đương hết. Bởi vì chuỗi cung ứng hàng hóa liên quan hầu hết mọi hoạt động kinh tế vi mô, nhiều ngành nghề và nhiều cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Nói cách khác, để phát triển bền vững là chiến lược, tầm nhìn quốc gia, cần có lộ trình hàng thập kỷ. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò “cầm cương” chủ đạo, về chính sách định hướng, tài chính, các gói ưu đãi, khuyến khích cũng như chế tài với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ…
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì về dự luật chuỗi cung ứng của EU?
03:30, 18/03/2024
Phát triển chuỗi cung ứng giày dép bền vững
02:30, 06/02/2024
Chuỗi cung ứng toàn cầu sang trang mới
02:30, 13/01/2024
Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc tìm cách hoá giải
03:30, 09/01/2024
Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu vùng kinh tế trọng điểm phía nam
20:04, 15/12/2023