Kinh tế

EVFTA củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu

NGUYỄN VIỆT 03/08/2024 11:00

EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực ước tính khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12-15% và là nước xuất siêu vào EU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 4 năm thực thi (1/8/2020 - 1/8/2024), là một hiệp định mang tính bước ngoặt đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

evfta 1
Trong tháng 7 đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Chất xúc tác" quan trọng

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU cũng tăng 8,7% so với cùng kỳ. EU cũng nằm trong top 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất và top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.

Là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có thỏa thuận toàn diện như vậy với EU, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước láng giềng vẫn đang trong giai đoạn đàm phán.

Theo đó, mục tiêu của EVFTA là xóa bỏ gần như tất cả các loại thuế quan, giảm rào cản pháp lý và cắt giảm thủ tục hành chính đã chuyển thành tăng cường thương mại và đầu tư song phương.

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã vẽ nên một bức tranh tổng quát về tác động của hiệp định, đó là EVFTA đã mở ra “cánh cửa” cho các doanh nghiệp châu Âu. Theo đó, số liệu khảo sát cho thấy gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng họ đã nhận được lợi ích ở những mức độ khác nhau.

Đáng chú ý, 27% công ty (tăng đáng kể so với con số 18% vào năm 2023) hiện đang nhận được những lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn. Trong khi đó, khoảng 1/4 (giảm so với mức 31% vào năm 2023) vẫn chưa thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào.

Báo cáo cho biết, các thành viên EuroCham vẫn luôn đề cập việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính. Những lợi thế khác có thể đề cập tới như chuỗi cung ứng hợp lý, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này tăng vọt từ 35 tỷ euro (tương đương gần 38 tỷ USD) vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro (tương đương gần 52 tỷ USD) vào năm 2023.

Lũy kế từ năm 2020 (thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 172 tỷ euro (tương đương khoảng 186 tỷ USD). Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản.

Báo cáo nhận định, EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Theo đó, khối Liên minh Châu Âu đã rót 28 tỷ euro (khoảng 30 tỷ USD) vào 2.450 dự án, nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 - 9/2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu vào thời điểm đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, người dân đã được mua các sản phẩm nông sản từ châu Âu như rau củ quả, sữa và ngũ cốc với mức giá phù hợp. Cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong số các nước ASEAN. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.

Doanh nghiệp đặt niềm tin

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD.

evfta 2
EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu.

Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, như thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Pháp…

Riêng tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam, EVFTA đã giúp Việt Nam vươn lên chiếm ưu thế trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có FTA với EU.

EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro dù Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực. Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 3 của Việt Nam.

“Nếu như năm 2023, xuất khẩu rau, quả sang EU tăng 30% so với năm 2022, thì năm nay dự báo xuất khẩu rau, quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên bày tỏ.

Ông Jens Rübbert, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh châu Âu - ASEAN (EU - ABC) cho biết, EU - ABC luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với khối ASEAN và các quốc gia thành viên.

Đặc biệt, ông Jens Rübbert đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy các mục tiêu kinh tế chung của ASEAN. Các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam vẫn luôn đặt niềm tin vào thị trường này.

Theo Chỉ số Niềm tin kinh doanh do EuroCham Việt Nam công bố vào đầu năm 2024, gần 3/4 (71%) doanh nghiệp EU đánh giá tích cực về triển vọng hoạt động dài hạn tại Việt Nam.

Chỉ số cho thấy tâm lý tích cực và lạc quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như khẳng định những nỗ lực hợp tác giữa hai bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVFTA củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO