EVFTA tạo lực hút đầu tư cho ngành dệt may

Thu Hoài 07/08/2019 00:00

Ngành dệt may đang bước vào sân chơi lớn, quy mô toàn cầu, nếu không thành lập chuỗi cung ứng mang tính bền vững sẽ khó tận dụng được lợi thế thị trường.

Dệt may là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương khuyến cáo, dệt may đang bước vào sân chơi lớn, quy mô toàn cầu, nếu không thành lập chuỗi cung ứng mang tính bền vững và cải cách theo yêu cầu của hiệp định sẽ khó tận dụng được lợi thế thị trường.

dư địa của thị trường EU còn rất lớn

Dư địa của thị trường EU đối với ngành dệt may còn rất lớn

Nhận diện điểm nghẽn

Theo ông Lương Hoàng Thái, EU vốn là đối tác “khó tính” trong xây dựng FTA của Việt  Nam. Sự “khó tính” thể hiện ở việc EU luôn đòi hỏi đối tác không chỉ thiết lập quan hệ thương mại thuần túy mà phải cải cách về kinh tế. Do đó, để FTA với EU đạt hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng - Việt Nam phải chứng minh cải cách mạnh mẽ, thể hiện được sự vươn lên trong thực hiện các cam kết.

Đối với ngành dệt may, ông Lương Hoàng Thái khẳng định, cơ hội mà ngành này nhận được từ EVFTA là rất lớn, khi thuế quan đối với mặt hàng này là về 0, trong đó 77% sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam. Song, việc bắt buộc cải cách của hiệp định chính là thách thức lớn đối với ngành truyền thống như dệt may với rất nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, trong đó thách thức lớn chính là giải bài toàn nguồn cung thiếu hụt, đầu tư công nghệ dệt nhuộm, xử lý môi trường, năng suất lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành dệt may trước áp lực môi trường và

    Ngành dệt may trước áp lực môi trường và "mở cửa" vào thị trường Châu Âu

    11:15, 04/08/2019

  • Doanh nghiệp dệt may Việt có làm chủ cuộc chơi trong EVFTA?

    Doanh nghiệp dệt may Việt có làm chủ cuộc chơi trong EVFTA?

    07:00, 04/08/2019

  • Doanh nghiệp dệt may chật vật tìm đơn hàng mới

    Doanh nghiệp dệt may chật vật tìm đơn hàng mới

    01:50, 03/08/2019

Thực tế, cả một giai đoạn trước đây, lợi thế của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu dựa vào lao động, chi phí thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40-45%; vải chủ yếu là nhập khẩu, sản lượng mới đạt 2,3 tỷ m2/năm; vải để sản xuất quần áo chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Khó khăn hơn trong bối cảnh hiện nay đó là dệt may đang đứng trước cạnh tranh về làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Trung Quốc, Banglades, Ấn Độ. Theo đó, nếu không thu hút, và giữ chân được nhà đầu tư, tạo chuỗi liên kết thì sẽ khó tham gia được sâu vào chuỗi cung ứng.

Nhận định về cơ hội, thách thức mà EVFTA với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ, EVFTA là hiệp định được ngành dệt may mong chờ từ lâu. Thuận lợi hiện nay là EU vẫn là thị trường chiến lược lâu dài, nhiều dòng hàng có giá trị gia tăng cao. EU còn là nước có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam, văn hóa đàm phán, cách đặt đơn hàng có sự chia sẻ ổn định, chắc chắn; quan hệ thương mại EU-Việt Nam tuân thủ theo chiến lược có tính toàn cầu. Dù vậy, cơ hội đang đan xen thách thức khi ký kết EVFTA. “EU có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về nguyên tắc xuất xứ, môi trường, lao động với sản phẩm dệt may, vì thế, đây sẽ là những trọng yếu trong chiến lược phát triển của dệt may Việt Nam thời gian tới”- ông Giang nói.

Có chiến lược thu hút đầu tư

EU là thị trường hấp dẫn cho ngành dệt may thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2018, dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đạt 5,6 tỷ USD, đây là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của EU, dư địa của thị trường EU còn rất lớn. Ông Vũ Đức Giang, năm 2019, ngành dệt may dự kiến đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 42%, EU khả năng chiếm 21,5% cao hơn so với mục tiêu đề ra là 20%, Nhật Bản chiếm 19,9%, Hàn Quốc 14%... Trung Đông đang nổi lên là thị trường mới, tiềm năng của dệt may Việt Nam.

Hiện, dệt may Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ nhưng có nhiều nước đang bám sát sao, nếu không có một chiến lược phát triển tốt, thì chúng ta khó tiếp cận thị trường EU. Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, hiện đang có nhiều doanh nghiệp đến từ Pháp, Mỹ, Israel đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, đây chính là tín hiệu tích cực tạo động lực thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành. “Điều chúng ta cần hiện nay chính là có những chính sách tạo lực hút với các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguồn cung đang thiếu hụt của dệt may từ Chính phủ, địa phương; cần sự chung tay của các cơ quan quản lý trong quản lý xuất xứ hàng hóa chứ không chỉ đặt nặng trách nhiệm này lên vai doanh nghiệp” - ông Giang nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện 90% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nguồn không phải thành viên của hiệp định chính là vướng mắc của Việt Nam. Đặc biệt, dệt may không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU nhưng lại ngành hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác, đó là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam. Vì thế, cần có một chiến lược đầu tư cho công nghiệp dệt nhuộm, giải quyết nguồn cung cho dệt may, thúc đẩy lĩnh vực thiết kế phát triển từng bước nâng giá trị dệt may của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Lương Hoàng Thái, để thúc đẩy Hiệp định EVFTA sớm đi vào thực thi đạt hiệu quả, Chính phủ đang yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng các chương trình hành động, với cơ chế phối hợp, giám sát cụ thể. Quá trình triển khai kế hoạch hành động hy vọng có sự tham gia của DN, địa phương để chúng ta bắt tay thực thi hiệp định hiệu quả, cũng như xử lý kịp thời khó khăn cho ngành dệt may tận dụng EVFTA.

Ông Vũ Đức Giang cũng kiến nghị, để Hiệp định EVFTA có hiệu quả cho từng doanh nghiệp, dòng hàng của ngành dệt may, Bộ Công Thương cần sớm đưa ra dòng thuế trong từng mặt hàng; tổ chức các hội thảo tuyên truyền về hiệp định; truyền thông cụ thể, rõ nét hơn các cam kết, ưu đãi để doanh nghiệp xây dựng được chiến lược ngành hàng phù hợp với tiêu chuẩn của EU, tạo sự kết nối cung ứng trong khu vực, toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVFTA tạo lực hút đầu tư cho ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO