Do bị phản đối mạnh mẽ khi đưa ra ý tưởng phát hành đồng Libra, Facebook đã thay đổi kế hoạch này bằng cách phát triển một ví điện tử, ở đó có đồng tiền chính thức của một số quốc gia, và cả Libra.
Nói cách khác, một mặt Facebook sẽ hỗ trợ xây dựng phiên bản điện tử của đồng tiền do các Chính phủ ban hành, mặt khác họ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng Libra để nó có thể “cùng tồn tại” với các đồng tiền đó.
Cuộc “đảo chính” khó khăn
Lần đầu thông báo về kế hoạch phát hành đồng tiền điện tử Libra hồi tháng 6/2019, Facebook đã gây ra một cơn chấn động trong giới tài chính. Viễn cảnh đồng tiền số với lượng người sử dụng khổng lồ trên toàn cầu, cho phép thanh toán, chuyển tiền gần như không mất phí, neo giá trị bằng các tài sản ổn định… Và tất nhiên, viễn cảnh đó đã gây ra những lo ngại cùng những phản ứng dữ dội từ các quốc gia. Bởi đồng tiền này đe dọa trực tiếp đến hoạt động điều phối, quản lý, giám sát tiền tệ, cũng như đe dọa trực tiếp đến nền tài chính của mỗi quốc gia.
Nhiều người khi đó đã ví von đồng Libra như một cuộc đảo chính tiền tệ công khai. Vì công khai, vì ảnh hưởng đến chính quyền khắp thế giới, tất nhiên người ta cũng dự báo được đó sẽ là một cuộc đảo chính đầy bất trắc.
Truyền thông các nước đồng loạt đặt dấu hỏi về năng lực thực hiện của facebook, về nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng, nguy cơ rửa tiền cho các tổ chức khủng bố… Thậm chí, nhiều chính quyền tuyên bố thẳng: đồng tiền Libra không phù hợp với các quy định pháp lý của nước sở tại và người dân sẽ không được phép sử dụng.
Sức ép lớn đến nỗi, nhiều cái tên trong Hiệp hội Libra, như Visa, Mastercard, Paypa đã phải rời đi sau đó mấy tháng. Tin đồn nội bộ Facebook mất niềm tin về khả năng quản lý, phát hành Libra, và cả tin đồn Facebook dẹp bỏ kế hoạch phát hành đồng Libra lan ra có lẽ cũng không hoàn toàn vô căn cứ.
Mềm mại ứng phó
Những phản ứng của các chính quyền khắp nơi rõ ràng là điều Facebook có thể định liệu từ trước. Đủ loại chiến lược đối phó chắc hẳn đã được đặt trên bàn trao đổi từ lâu. Facebook, và cả Hiệp hội Libra đồ sộ đứng sau nó, hoàn toàn không ngây thơ, càng không “mềm yếu” đến mức dẹp bỏ ngay một kế hoạch lớn khi bị đe dọa. Họ chắc chắn đã có những toan tính dự phòng.
Sự rút lui của một số thành viên hiệp hội Libra mấy tháng trước đây, rất có thể chỉ là về mặt “hình thức”. Động thái này thực sự là một “con bài” chiến thuật khơi gợi tâm lý ủng hộ các giá trị tự do cũng như tạo thêm tin tưởng vào đồng tiền số Libra trong người tiêu dùng khắp thế giới.
Chiến thuật của “nghiệp đoàn” đứng sau Libra cũng thay đổi. Facebook được đẩy vai trò lên rõ rệt hơn, có lẽ để giảm bớt lo ngại trong các chính quyền về một cuộc “đảo chính tiền tệ” qui mô có sự tham gia trực tiếp của hàng loạt tập đoàn lớn. Và chiến thuật của họ rất mềm dẻo, luôn khẳng định tôn trọng các quy định của các nước. Rõ ràng họ đã không lui bước, đã có những cuộc thương lượng quyết liệt, nên mới có thể đi đến lời tuyên bố gần đây: “Đồng Libra vẫn sẽ được tiếp tục triển khai, cùng với đó là hỗ trợ phiên bản tiền số của các đồng tiền khác như USD hay EUR”.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 05/03/2020
12:30, 23/10/2019
11:00, 20/10/2019
07:00, 14/10/2019
07:00, 13/10/2019
Không rõ “phía sau hậu trường” đã có những màn tiến lui ảo diệu thế nào giữa Facebook với cơ quan quản lý tiền tệ các nước, nhưng chắc chắn những tuyên bố này không phải một lời nói ngẫu hứng của đại diện Facebook. Do đó có thể hiểu, Facebook đã đạt được một số thỏa thuận. Bằng cách hỗ trợ lưu hành đồng tiền số do chính quyền ban hành, Facebook đổi lại được quyền phát hành đồng Libra. Một màn trình diễn chiến thuật “ông góp chân giò bà thò chai rượu” dường như đã được thể hiện khéo léo ở đây.
Dù thời hạn phát hành Libra bị lùi lại, nhưng đến tận lúc có kết quả cuối cùng, sẽ còn quá nhiều điều thú vị để chúng ta tiếp tục dõi theo.