Thực tế, các công ty công nghệ đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ vừa qua để thâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ tài chính nhưng bất thành nếu chỉ hoạt động đơn độc.
Nếu trước đây sự xuất hiện của công ty công nghệ tài chính (Fintech) khiến các ngân hàng truyền thống cảm thấy bị đe dọa, thì hiện tại, việc các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) tham gia vào cuộc đua cung cấp dịch vụ tài chính khiến các Fintech cũng phải lo lắng.
Mọi công ty công nghệ đều muốn thành “ngân hàng”
Trước tốc độ phát triển nhanh của Fintech, tất cả các gã khổng lồ công nghệ hàng đầu đều gấp rút tham gia cuộc đua cung cấp dịch vụ tài chính.
Tháng 11/2019, Google trở thành doanh nghiệp mới nhất tham gia làn sóng công ty công nghệ dấn thân vào lĩnh vực tài chính, với kế hoạch ra mắt sản phẩm kiểm tra tài khoản thông minh cho khách hàng.
Ðây là sản phẩm được thực hiện khi Google bắt tay với Citigroup và đơn vị tín dụng của Stanford University.
Trước đó, thị trường tài chính trải qua cảm giác phấn khích khi Apple kết hợp cùng Goldman Sachs nhằm thực hiện sản phẩm thẻ tín dụng. Hay Facebook công bố đồng tiền ảo Libra với tham vọng trở thành một phương tiện thanh toán toàn cầu.
Dễ nhận thấy, ngày nay, các công ty công nghệ như Apple, Facebook, Google… đều muốn trở thành một “nhà băng”. Sức hấp dẫn là rất rõ ràng: Việc cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân giúp các gã khổng lồ công nghệ này có thêm nguồn doanh thu mới, tạo cơ hội cung cấp thêm các sản phẩm, dịch vụ khác cho đời sống của khách hàng thời hiện đại, nắm bắt được thông tin tài chính cá nhân, thu thập dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh…
Việc tham gia các hoạt động ngân hàng như vậy là ví dụ mới nhất cho thấy, cuộc cách mạng công nghệ vẫn đang tiếp diễn, các công ty công nghệ cùng đối tác ngân hàng/tài chính của mình sẽ kết hợp để nâng cấp hoạt động và không ngừng cải tiến các sản phẩm/dịch vụ tài chính.
Thực tế, các công ty công nghệ đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ vừa qua để thâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ tài chính nhưng bất thành nếu chỉ hoạt động đơn độc.
Ðây là lý do việc bắt tay với các ngân hàng truyền thống dần trở thành xu hướng mới.
Trước đây, một trong những “nhà băng” lớn nhất từng tồn tại là Walmart. Tập đoàn này đã có nhiều nỗ lực tham gia lĩnh vực ngân hàng, nhưng quyết định từ bỏ vào năm 2007, ngay trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra.
Những năm sau đó, các công ty công nghệ muốn tham gia lĩnh vực này đều gặp khó khăn bởi các quy định liên quan tới tín dụng, huy động vốn…
Hiện tại, một số công ty công nghệ vẫn cố gắng tham gia lĩnh vực ngân hàng một cách đơn độc.
Ðơn cử, Square Inc, công ty công nghệ nhưng tập trung vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, thanh toán qua điện thoại với các sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Tới nay, dù chưa thể tiến hành hoạt động cho vay mà không có đối tác ngân hàng, nhưng Square Inc vừa xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng kiểu mới và đang chờ đợi sự chấp thuận.
Trong khi đó, Rakuten, công ty thương mại điện tử của Nhật Bản đã nộp đơn tới Công ty Bảo hiểm tiền gửi quốc gia nhằm tìm kiếm biện pháp bảo đảm cho hoạt động thuộc lĩnh vực ngân hàng của mình.
Các công ty công nghệ chưa thể chính thức đặt chân vào lĩnh vực ngân hàng do ràng buộc bởi các quy định, nhưng thực tế đang hoạt động như những nhà băng.
Trong thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ, kèm theo đó là quy định pháp lý được hoàn thiện, không khó tưởng tượng việc Big Tech trở thành Big Bank.
Fintech nên lo lắng?
Trong bối cảnh Big Tech với sức mạnh và nguồn lực mạnh mẽ tham gia cuộc đua cung cấp dịch vụ tài chính, liệu Fintech có cần phải lo lắng?
“Fintech rất nên lo lắng”, Avivah Litan, chiến lược gia tại hãng nghiên cứu Gartner nhấn mạnh và cho biết, các gã khổng lồ công nghệ đã không ít lần “bóp chết” các đối thủ trên chặng đường phát triển của mình.
Thêm vào đó, những doanh nghiệp này có nhiều lợi thế đáng gờm, bao gồm sản phẩm điện thoại thông minh, cửa hàng ứng dụng (app stores), ví điện tử và hàng triệu người dùng.
Chẳng hạn, Apple Pay và Apple Card được đánh giá là thành công của Apple và sẽ là vũ khí đe dọa các nhà cung cấp dịch vụ tương tự trên thị trường.
Cùng quan điểm, Tim Chen, CEO NerdWallet cảnh báo, không ít Fintech đang thu hút khách hàng bằng lợi thế giá rẻ.
Tuy nhiên, bất kỳ tổ chức nào tham gia cuộc đua về giá đều sẽ thua cuộc trước các công ty công nghệ lớn.
Hiện tại, nhiều Fintech sử dụng chiến lược như không thu phí một số dịch vụ chuyển tiền, đưa ra lãi suất cao hơn với người gửi tiết kiệm…, nhưng trong thời gian tới, đây không còn là ưu thế.
“Fintech gần như không thể cạnh tranh với Big Tech, khi đối tượng này sở hữu lượng vốn dồi dào và mối quan hệ trực tiếp với hàng tỷ khách hàng mà không cần qua bất kỳ trung gian nào”, Tim Chen nhận định.
Trong bối cảnh này, thay vì tập trung vào giá, các Fintech nên chuẩn bị để nâng cao vị thế của mình. Matt Harris, nhà đầu tư Fintech tại Bain Capital Ventures tin rằng, xu hướng cạnh tranh trong thời gian tới là nâng cao năng lực.
Ðiều này khiến các công ty khởi nghiệp nói chung và Fintech nói riêng gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh.
Những Fintech đơn thuần cung cấp một ứng dụng tốt hơn ứng dụng ngân hàng truyền thống sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Trong khi đó, từ góc nhìn của Fintech, các CEO công ty công nghệ tài chính tỏ ra không nao núng. David Hijirida, CEO Simple, Fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử vừa được Ngân hàng BBVA (Tây Ban Nha) thâu tóm nhận định, việc Big Tech tham gia lĩnh vực mà Fintech đang hoạt động là sự phát triển tự nhiên của ngành công nghiệp này.
Cùng quan điểm, Chris Britt, CEO Chime, Fintech hiện đang cung cấp nhiều hoạt động ngân hàng thông qua một số đối tác ngân hàng truyền thống, bao gồm The Bancorp Bank chia sẻ, sự tham gia của Big Tech khẳng định rằng, các biện pháp thay thế/bổ sung hoạt động ngân hàng truyền thống là đòi hỏi cần thiết do nhu cầu có sự thay đổi và ngày càng nâng cao.
Ðáng chú ý, một số nhà sáng lập Fintech tỏ ra hào hứng với việc Big Tech tích cực tham gia lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính.
“Tôi nghĩ đây là câu chuyện tuyệt vời và tán thưởng xu hướng này. Ví dụ, với lĩnh vực bán lẻ cà phê, Starbuck sẽ không giận dữ khi ngày càng nhiều cửa hàng bán cà phê được mở ra”, Brandon Krieg, CEO Stash, Fintech đầu tư công ty khởi nghiệp điện tử tại New York cho biết.
Chưa kể, không phải lúc nào phần thắng cũng thuộc về “kẻ mạnh”.
Google đã vật lộn trong nhiều năm mới có thể ghi dấu ấn tại lĩnh vực dịch vụ tài chính thông qua Google Pay và đây cũng là điểm sáng duy nhất. Facebook vẫn đang rò đường với hoạt động thanh toán, trong khi Amazon đang tạm ngừng dự án hợp tác có liên quan tới JPMorgan Chase.
“Chúng ta sẽ không chứng kiến mọi người vội vã sử dụng dịch vụ kiểm tra tài khoản của Google. Chuyện này không đời nào xảy ra, bởi người dùng có nhiều cân nhắc, nhất là khi những xung đột giữa công ty công nghệ lớn và nhà quản lý còn tiếp diễn, câu chuyện niềm tin về sự bảo mật thông tin cá nhân vẫn còn đó…
Những vấn đề này sẽ tạo lực cản với Big Tech khi tham gia cuộc đua tại lĩnh vực tài chính”, Ron Shevlin, giám đốc tư vấn tại Cornerstone Advisors nhận định.