Sụt giảm kinh doanh của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail, HoSE: FRT) không chỉ nằm trong khó khăn chung của ngành do dịch COVID-19, mà còn cho thấy chuyển hướng chiến lược là cần thiết.
Tuy nhiên, việc FRT chuyển hướng sang kinh doanh chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng không dễ dàng khi áp lực cạnh tranh ngày một lớn.
Cách đây hơn 2 năm, hẳn ai từng luôn yêu cổ phiếu FRT, sẽ khó hình dung nổi có một ngày giá cổ phiếu này lại về đáy sâu 10.000đ/cp.
Trên thực tế, đó cũng là chuyện bình thường khi bluechip cỡ như MWG của Thế giới Di động cũng có thời điểm hạ xuống gần 2 phần thị giá do tác động của đại dịch COVID-19.
35,6 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất quý 1/2020 của FRT, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại ĐHCĐ mới đây, có một chi tiết lật lại kết quả kinh doanh của FRT, cho thấy khá nhiều điều: Năm 2019, doanh thu của FRT tăng hơn 5% lên gần 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm sâu 36% còn 278 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT FRT Nguyễn Bạch Điệp cho rằng kết quả này là do cuối năm ngoái Công ty trích lập dự phòng nợ xấu cho 2 chương trình khách hàng thân thiết là F.Friend và Subsidy, đồng thời xử lý hàng phụ kiện tồn cũ…
Như vậy, khó khăn của FRT là do COVID-19 (khiến kết quả quý I giảm và cả năm 2020, công ty đã đặt ra chỉ tiêu kinh doanh điều chỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước). Nhưng rủi ro về dự phòng nợ xấu trong hoạt động, chi phí hàng cũ tồn kho đối với FRT có thể là thường trực. Bởi đây là 2 vấn đề mà công ty phải thường xuyên duy trì nhằm thu hút hấp dẫn khách hàng, cũng như luôn phải đối mặt khi không có gì nhanh chóng lỗi thời hơn là các thiết bị di động. Nếu không có giải pháp hạn chế rủi ro từ 2 hai khía cạnh này, thì chi phí ăn mòn biên lợi nhuận của FRT chắc chắn khó tránh.
Theo báo cáo thường niên của FRT, đến cuối 2019, chuỗi nhà thuốc Long Châu có 70 cửa hàng. Kế hoạch năm 2020, FRT sẽ mở thêm 150 nhà thuốc và mở rộng độ phủ đến các tỉnh, thành khác ngoài TP.HCM.
Một lợi thế của FRT trong việc mở rộng thị trường cũng như hướng đến tăng doanh số lên 1.500 tỷ đồng từ mảng nhà thuốc, là hiện nay các nhà thuốc tư nhân muốn hoạt động đều cần có dược sĩ đứng tên, nhưng với các chuỗi nhà thuốc pháp nhân như Long Châu thì không có vấn đề khi giấy phép về mặt pháp lý vẫn là của công ty, dược sĩ chỉ có giá trị về mặt chuyên môn.
Ngoài ra, lợi thế công nghệ cũng là một cơ hội cho FPT Long Châu thúc đẩy bán dược và các sản phẩm khác, khai thác tối đa nhu cầu khách hàng.
Mặc dù ngành dược có nhiều tiềm năng, song bán lẻ dược phẩm lại không dễ ăn khi ngày càng có nhiều nhà thuốc tư nhân. Ngay chính Chủ tịch FRT Bạch Điệp cũng thừa nhận chuỗi nhà thuốc Long Châu chưa thể “gối đầu” kịp để đảm bảo sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Một giai đoạn bão hòa đối với ngành bán lẻ dược phẩm cũng có thể xảy ra như tình trạng bán lẻ điện tử đang hết thời tăng trường nóng với FPT Shop hiện tại. Đây là một thách thức lớn đối với FRT trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 29/11/2019
01:03, 09/03/2020
06:39, 21/01/2020
04:40, 11/01/2020
01:08, 17/12/2019
00:00, 10/06/2019
Hết thời “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Trên con đường loay hoay thoát các điểm bão hòa, FRT thậm chí còn tính hướng chuyển đổi kinh doanh các sản phẩm mới, như bán vé máy bay, bán bảo hiểm hay thử nghiệm mảng kinh doanh sản phẩm làm đẹp (FBeauty)…
Việc linh hoạt thử nghiệm cũng có thể là hình thức gõ mọi cánh cửa để tìm một cánh rộng mở với doanh nghiệp.
Với FRT và MWG, thống kê cả nước 96 triệu dân đang sử dụng khoảng 118,7 thuê bao điện thoại di động, tức mỗi người sử dụng gần 1,3 cái điện thoại, thì việc tăng trưởng bán lẻ di động đã không còn phụ thuộc lớn vào khách hàng mua mới, mà là khách hàng “đổi đời” thiết bị. FRT bán thuốc và hướng tới bán bảo hiểm, vé máy bay là dễ hiểu. MWG đi bán gạo, muối, rau, cá… tại Bách Hóa Xanh, cũng trở nên phù hợp.
Một lưu ý khác là Pharmacity đã công bố lỗ ròng 250 tỷ đồng năm 2019. Pharmacity có bán online, dịch vụ giao nhận tuy sơ khởi song đây cũng là hướng khởi động mới mẻ để thay đổi kinh doanh không phụ thuộc điểm bán. Với thực tế cạnh tranh dữ dội, có lẽ FRT không dễ đạt 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới; đóng góp khoảng 40% doanh thu công ty, đạt khoảng 10.000 tỷ đồng như mục tiêu.