Hong Kông luôn là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc, nhưng liệu đây có còn là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á hay không hiện là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Khi vị doanh nhân Alexander von zur Muehlen quyết định thay đổi văn phòng làm việc, từ căn góc trong tòa nhà chọc trời cao nhất ở Hồng Kông sang một văn phòng hạng trung với tầm nhìn khiêm tốn ra bến cảng Singapore, nhiều người thậm chí đã hoài nghi rằng đây liệu có phải kết quả của của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Ngân hàng Deutsche Bank?
Những người tiền nhiệm của ông - với tư cách là Giám đốc điều hành Châu Á - Thái Bình Dương của Deutsche Bank, vốn có một luật bất thành văn là sẽ lựa chọn Trung tâm thương mại quốc tế cao chót vót trên Bán đảo Cửu Long, với khung cảnh tuyệt đẹp của Đỉnh Victoria của Hồng Kông và bến cảng nhộn nhịp bên dưới, để đặt văn phòng làm việc của mình.
Mặc dù tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Deutsche Bank luôn duy trì cấu trúc "trung tâm kép" giữa Singapore và Hồng Kông trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, "Hong Kông luôn là trung tâm điều phối tất cả các hoạt động ở châu Á", theo một cựu CEO của ngân hàng này.
Tuy nhiên, giờ đây kỷ nguyên này đã kết thúc! Von zur Muehlen được coi là người tiên phong trong việc di dời đế chế châu Á của Deutsche Bank từ Hồng Kông sang Singapore. Và kể từ khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành khu vực vào tháng 4 vừa qua, Deutsche Bank không hề đề cập đến bất kỳ một kế hoạch bổ nhiệm một vị CEO nào khác tại Hồng Kông, mặc dù ngân hàng vẫn duy trì một số trưởng bộ phận châu Á khác làm việc tại Hồng Kông.
Chắc chắn Deutsche Bank sẽ không rời Hong Kông! Nhưng giống như nhiều tập đoàn và ngân hàng khác, một năm đầy bất ổn đã đặt dấu hỏi về vị trí trung tâm của hòn đảo này với tư cách là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Ngày nay, cựu thuộc địa của Anh đang bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, đe dọa vị trí trung tâm tài chính hàng đầu tại châu Á của đặc khu này. Việc Trung Quốc thực thi luật an ninh một cách mạnh mẽ sẽ tạo ra những tác động to lớn tới thành phố, nơi có 163 ngân hàng được cấp phép và 2.135 nhà quản lý tài sản. Hồng Kông hiện được xem là là trung tâm huy động vốn cổ phần lớn nhất thế giới, là trung tâm giao dịch đồng bạc xanh lớn thứ ba và là cửa ngõ chính kết nối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Deutsche Bank cho biết động thái của họ không phản ánh bất cứ điều gì khác ngoài hoạt động hậu cần đơn giản. Người phát ngôn của Deutsche Bank có trụ sở tại Singapore cho biết: “Chúng tôi vẫn cam kết với cấu trúc trung tâm kép của mình ở châu Á - Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng lại cho rằng việc này là một sự bất lợi đối với Hồng Kông. Một giám đốc điều hành thị trường vốn cổ phần từng là nạn nhân của đợt cắt giảm việc làm vào năm ngoái tại Deutsche Bank Hồng Kông cho biết, "Rõ ràng cán cân quyền lực đang nghiêng về Singapore và các đồng nghiệp cũ của tôi nói với tôi rằng các vị trí cấp cao hơn có thể dần dần chuyển sang bên đó (Singapore)"
Phòng ngừa rủi ro
Hồng Kông từ lâu đã là một cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc và vị thế này sẽ tiếp tục được củng cố bởi khả năng tiếp cận chưa từng có cũng như quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nhưng câu hỏi liệu đặc khu này có tiếp tục là trung tâm kinh doanh trung tâm của châu Á hay không thì lại đang bị nghi ngờ.
Cựu Chủ tịch khu vực Châu Á của Morgan Stanley và hiện là thành viên cấp cao tại Viện Jackson của Đại học Yale – ông Stephen Roach cho biết: “Nếu Luật an ninh quốc gia Hồng Kôngkhông ngăn chặn được hoàn toàn tình trạng bất ổn, thì câu hỏi về tương lai của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính sẽtrở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.
Trong làn sóng rời khỏi Hồng Kông, một số doanh nghiệp thì đang tìm kiếm và bắt đầu xây dựng văn phòng ở một quốc gia khác, một số khác mặc dù chưa thể hiện rõ rệt về ý định của mình nhưng cũng không còn nhấn mạnh đến Hồng Kông và tạm dừng kế hoạch tăng trưởng ở Hồng Kông.
Chẳng hạn, một quỹ đầu tư lớn của châu Âu cho biết họ đã từ bỏ kế hoạch bổ sung thêm bốn nhà giao dịch và nhà phân tích thị trường tại thị trường này. Hay một ví dụ khác, kể từ cuối năm 2019, các ngân hàng như Macquarie và Nomura đã trả lại mặt bằng văn phòng trong khu phức hợp Trung tâm Tài chính Quốc tế ở đảo Hồng Kông. Ngoài ra, một số Quỹ như Raffles Family Office, Pinpoint Asset Management, Myriad Asset và Nine Masts Capital cũng đều đã mở văn phòng tại Singapore.
Không phải chỉ có các ngân hàng, các quỹ đầu tư mới rút dần hoạt động khỏi xứ Cảng thơm. Các công ty có mô hình kinh doanh liên quan tới truyền thông và bảo mật dữ liệu cũng đã bắt đầu tìm lối thoát. New York Times đang chuyển dần hoạt động từ Hồng Kông sang Seoul, trong khi TikTok - ứng dụng video dạng ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, đã rời Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia. Các công ty công nghệ như Facebook đã tạm ngừng xử lý các yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu người dùng, trong khi gã khổng lồ internet Naver của Hàn Quốc đã chuyển trung tâm sao lưu dữ liệu của mình sang một địa điểm lớn hơn ở Singapore.
Các chuyên gia kinh tế Shaun Roache và Vishrut Rana tại Cơ quan xếp hạng S&P Global cho biết: “Lợi thế so sánh của Hồng Kông là sự pha trộn của các thành phần khiến thành phố này trở nên độc nhất trong nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Chính sự pha trộn này không thể tái tạo và đã thúc đẩy nền kinh tế của nó trong nhiều thập kỷ.Nhưng sự không chắc chắn về chính sách ngày một gia tăng, sự gắn kết xã hội bị rạn nứt, và sự cạnh tranh lớn hơn từ Trung Quốc đại lục đang khiến Hồng Kông trở nên kém hấp dẫn hơn”.
"Điểm chớp cháy"
Không phải đến bây giờ, khi Luật an ninh quốc gia Hồng Kông có hiệu lực thì người ta mới dự đoán về sự sụp đổ sắp xảy ra đang xảy ra tại xứ Cảng thơm này. Hai năm trước, tạp chí Fortune xuất bản cuốn "Cái chết của Hong Kông", trong đó dự đoán rằng sự trở lại Trung Quốc sẽ là dấu chấm hết cho thành phố vốn được xem là trung tâm tài chính Châu Á này.
Quay ngược lại thời gian, năm 1997 là năm Hồng Kông được đưa từ một trung tâm trung chuyển bận rộn lên vị thế hiện tại là trung tâm tài chính toàn cầu quan trọng nhất, sau New York và London. Bắc Kinh cam kết tuân thủ cách tiếp cận "một quốc gia, hai hệ thống" tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. Đổi lại, thành phố với các các ngân hàng đa quốc gia, sẽ đáp ứng nhu cầu vốn của các ông trùm doanh nghiệp đại lục bằng cách kết nối họ với các nhà đầu tư toàn cầu và thị trường trái phiếu và cổ phiếu đang phát triển.
Ngay sau khi tình hình chính trị tại Hồng Kông có vẻ ổn định thì đại dịch COVID-19 xảy ra, buộc nhiều nền kinh tế phải đóng cửa. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, kinh tế Hồng Kông chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất trong lịch sử. Giữa lúc này, Bắc Kinh đã đưa ra luật an ninh quốc gia trong một nỗ lực để kiềm chế sự bất ổn chính trị tại thành phố này.
Đáp lại những động thái này của Bắc Kinh, Washington đã rút quy chế đặc biệt được cấp từ năm 1984 của Hồng Kông, đồng thời tuyên bố từ nay thành phố này sẽ được coi bình thường như mọi khu vực khác đại lục mà không nhận được bất kỳ một ưu đãi nào.
Thậm chí các quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đã thảo luận về điều mà nhiều ông chủ ngân hàng cho rằng sẽ là một "quyết định hạt nhân: siết chặt khả năng tiếp cận đồng bạc xanh của các ngân hàng Hồng Kông. Nếu điều này được thông qua, đây được xem như quyết định “sinh – tử” liên quan tới tương lai tài chính của thành phố. Mặc dù vậy, ý tưởng này có thể được xem xét lại dựa trên mối quan hệ song phươn giữa Bắc Kinh và Washington.
Khoảnh khắc của Singapore?
Nhưng dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận dấu hiệu cảnh báo rằng hầu hết các công ty - từ các ngân hàng đa quốc gia đến các công ty dịch vụ nhỏ hơn, đều đang lập các kế hoạch dự phòng cho việc rời khỏi Hồng Kông. Thành phố được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này là một thuộc địa cũ khác của Anh: Singapore.
James Richman - giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản tư nhân JJ Richman cho biết rằng hai văn phòng mà Công ty của ông đang đồng đầu tư đã chuyển khỏi Hồng Kông đến Singapore và Kuala Lumpur của Malaysia. Richman cho biết việc chuyển các văn phòng đi vì lợi ích và sự an toàn của chính họ. Mặc dù vậy ông vẫn để ngỏ khả năng quay trở lại Hong Kông để tiếp tục kinh doanh khi mọi việc trở nên ổn định hơn. Ông nói: "Singapore vẫn được coi là ổn định hơn, ổn định hơn về chính trị xã hội so với Hồng Kông. Chúng tôi không thấy khả năng cạnh tranh của nó bị thách thức ở thời điểm này".
Mặc dù muốn vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này, các nhà quan sát tin rằng lợi thế chính đối với Singapore là nước này tiếp tục có nhiều quyền tự do hơn trong việc lập biểu đồ tương lai của mình như một quốc gia độc lập so với Hồng Kông. Trong khi đó, Singapore cũng sánh ngang với Hồng Kông về chất lượng cuộc sống, cũng như tỷ lệ tội phạm thấp đáng kể.
Nơi trú ẩn an toàn – Seoul?
Vào tháng 7/2020, The New York Times đã gây choáng váng cho ngành công nghiệp tin tức khi công bố kế hoạch chuyển đến Seoul. Điều quan trọng là, cách ứng phó hiệu quả với COVID-19 của Hàn Quốc đã là một mô hình cho các quốc gia khác, cho phép nước này mở cửa cho khách doanh nhân - mặc dù có yêu cầu kiểm dịch.
Tom Coyner, một nhà tư vấn có nhiều thập kỷ kinh nghiệm tư vấn cho các công ty quốc tế tại Hàn Quốc cho biết lợi thế chính của Seoul là vị trí của thành phố này, với các chuyến bay ngắn thuận tiện đến Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc và tương đối gần Singapore. "Seoul có một lợi thế khác là nguồn nhân lực bản địa chất lượng cao, đã được đào tạo và làm việc ở phương Tây, hầu hết trong số họ nói được hai thứ tiếng."
Tuy nhiên, ông nói thêm, thị trường lao động không linh hoạt và mức lương cao có thể là yếu tố cản trở. Trong khi đó, một số doanh nhân khác vốn có nhạy cảm và những lo lắng về bất ổn chính trị, có thể sẽ cân nhắc trong việc lựa chọn đặt văn phòng làm việc trong một thành phố nằm trong tầm bắn của quân đội Triều Tiên!
Ở một khía cạnh khác, các quy định kinh tế còn hạn chế là lý do chính khiến đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc không ghi nhận sự đột phá nào. Năm 2019, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã khảo sát các văn phòng tài chính quốc tế để đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đến Seoul của họ. Theo JoongAng Ilbo - một tờ báo trung hữu, ủng hộ doanh nghiệp, trích lời các quan chức chính phủ giấu tên. Các quan chức này cho biết những phản hồi mà họ nhận được là tiêu cực đến mức Bộ này đã từ bỏ mọi nỗ lực để thu hút các công ty đa quốc gia.
Ngay cả Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hàn Quốc Eun Sung-soo cũng cho rằng các chính sách của Hàn Quốc chưa thực sự thu hút được các tập đoàn đa quốc gia lớn. Tại một sự kiện công khai ngày 16/7, ông cho rằng thuế suất doanh nghiệp và thu nhập cao, thị trường lao động thiếu linh hoạt và các quy định tài chính không minh bạch là những trở ngại khiến Hàn Quốc khó trở thành một trung tâm tài chính lớn trong khu vực.
Ngoài ra, một rào cản lớn là Hàn Quốc giới hạn giờ làm việc hàng tuần là 52 giờ, được thực hiện vào năm 2018.
Tokyo: Tín hiệu hỗn hợp
Tokyo được xếp hạng trong số các cường quốc kinh tế lớn của châu Á, kết hợp giữa sự thuận tiện đi lại, mức sống và sức mạnh kinh tế để trở thành trung tâm tài chính mới của châu Á. Trên thực tế, thủ đô của Nhật Bản từng được xếp hạng cùng với New York và London như một trung tâm toàn cầu, kết nối các giao dịch trong giờ Châu Á. Đó là câu chuyện của hơn ba thập kỷ trước.
Bối cảnh tài chính đã hoàn toàn thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và Tokyo hiện đóng vai trò kém nổi bật hơn trong việc cung cấp vốn cho Nhật Bản và một số thị trường Đông Nam Á.
Ba năm trước, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã công bố tầm nhìn về việc biến Tokyo trở thành trung tâm tài chính của châu Á. Nhưng, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Trong 8 năm tính đến tháng 3 năm 2019, số lượng nhân viên tại các tổ chức tài chính nước ngoài ở Nhật Bản đã giảm 10% xuống 51.224 người, theo số liệu gần đây nhất của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản luôn trải thảm đỏ chào đón các chuyên gia tài chính Hồng Kông. Ông nói: “Chúng tôi luôn chào đón những tài năng nước ngoài có khả năng chuyên môn và kỹ thuật, bao gồm cả từ Hồng Kông, và sẽ tiếp tục tích cực làm như vậy trong tương lai”.
Đối với những người nước ngoài, điểm thu hút lớn của Tokyo là chất lượng cuộc sống. Christopher LaFleur, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản là nơi có khá nhiều nơi bạn muốn đưa gia đình đến ở châu Á.
Tuy nhiên, phản ứng với COVID-19 của Nhật Bản đã tạo ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là lệnh đóng cửa đất nước, không cho người nước ngoài nhập cảnh áp dụng nghiêm ngặt từ tháng 4. Điều này đã làm tê liệt các doanh nghiệp nước ngoài và tạo ấn tượng rằng người nước ngoài không được chào đón tại đất nước mặt trời mọc. Ngay cả những người nước ngoài hiện đang cư trú tại Nhật Bản cũng sẽ bị cấm quay trở lại nếu họ xuất cảnh khỏi Nhật Bản - ngoại trừ vì lý do nhân đạo, trong khi công dân Nhật Bản được tự do đi lại.
Ông LaFleur cho biết: “Dường như các công ty có ý định dịch chuyển hoạt động tới Nhật Bản đang xem xét lại quyết định của mình khi thấy rằng chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng các chính sách đối với cộng đồng nước ngoài khác với các chính sách đối với công dân Nhật Bản”.
Giấc mơ Trung Quốc
Với mối đe dọa từ áp lực của Trung Quốc đẩy các doanh nghiệp ra khỏi Hong Kong, có vẻ trái ngược khi cho rằng một số trong số đó có thể chảy theo hướng khác, đặc biệt là đến thủ đô tài chính Thượng Hải của Trung Quốc hoặc trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Tuy nhiên, với khoảng cách chính trị giữa Hồng Kông và đại lục ngày càng càng thu hẹp, một số doanh nghiệp Hồng Kông thấy ít lý do hơn để không chuyển đến đại lục. Các nhà kinh tế của S&P Shaun Roache cho biết: "Hiện khoảng cách này giữa Hồng Kông và các đối thủ đại lục đang thu hẹp lại. Mặc dù điều này mang lại cơ hội cho Hồng Kông, nhưng chúng tôi nghĩ rằng tác động ròng sẽ tiêu cực khi nhiều doanh nghiệp liên quan đến đại lục di cư đến các thành phố như Thâm Quyến", nhà kinh tế Shaun Roache của S&P cho biết.
Tập đoàn chứng khoán Daiwa của Nhật Bản, có trụ sở tại Hồng Kông từ năm 1970, đã có kế hoạch chuyển một số hoạt động sang đại lục từ Hồng Kông sau khi thành lập liên doanh ở Trung Quốc. Thậm chí hãng này có thể đẩy nhanh tiến độ nếu mọi thứ trở nên tồi tệ ở Hồng Kông. "Ngay cả khi chúng tôi mở rộng ở Trung Quốc đại lục thông qua việc thành lập một liên doanh, chúng tôi tin rằng hoạt động ở Hồng Kông của chúng tôi sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng", người phát ngôn của Daiwa cho biết.
Chuyển trụ sở, hoặc thậm chí chuyển các chức năng quan trọng, không phải là một bước đi mà bất kỳ công ty nào có thể xem nhẹ. Hồng Kông có thể vẫn sẽ là trung tâm tài chính của Châu Á, vì lý do đơn giản là không thành phố nào khác có thể sánh ngang với quy mô thị trường, vị trí trung tâm và sự dễ dàng trong việc cung cấp dịch vụ. Ngay cả một Hong Kong bị giảm sút nhiều về danh tiếng vẫn có thể giành chiến thắng, trước những hạn chế của đối thủ.
Thật vậy, cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc có thể vẫn mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán của Hồng Kông: Một số công ty bluechip của Trung Quốc, bao gồm Ant Group, công ty fintech lớn nhất, được định giá hơn 200 tỷ USD và một số công ty Trung Quốc các công ty kinh doanh ở New York, có thể niêm yết trên sàn giao dịch của thành phố trong bối cảnh Washington đe dọa loại bỏ họ khỏi sàn giao dịch của Mỹ.
Hồng Kông luôn là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc và có vẻ như thành phố này vẫn có thể hoàn thành vai trò đó trong tương lai dài hạn. Nhưng liệu đây có còn là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á hay là một thành phố cảng hạng hai có ánh hào quang đã bị các ngôi sao đang lên khác chiếm đoạt hay không hiện là một câu hỏi bỏ ngỏ. Điều rõ ràng là Hồng Kông không thể tự khắc vận mệnh của mình! Vận mệnh của xứ Cảng thơm vẫn nằm trong ý tưởng bất chợt của Bắc Kinh và Washington!