Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng nay (28/6) GDP 6 tháng năm 2019 tăng 6,76%.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Có thể bạn quan tâm
20:15, 25/06/2019
11:00, 27/06/2019
10:02, 15/05/2019
Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 chỉ 0,02 điểm phần trăm nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017. Trên góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,54%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,38%.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21% (Cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2018 là: 14,13%; 33,83%; 41,8%; 10,24%).
Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%.
Theo Tổng cục Thống kê, Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại.
Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Các điểm nóng địa - chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Mỹ tăng cường trừng phạt Iran, giá dầu và đồng Đô la Mỹ diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam.
Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.