Mức tăng GDP này đạt cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê đã thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 1 năm 2025.
Kết quả tăng trưởng này vượt mục tiêu đặt ra cho quý 1 năm nay tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn.
Chế biến, chế tạo tiếp tục là trụ đỡ
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực này tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong quý I với sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức tăng khá cao. Trong đó, ngành vận tải kho bãi tăng 9,90% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,31%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,47%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,83%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm…
Trong các nhóm ngành của sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm.
Về hoạt động của doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường quý I đạt 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, trong quý I năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng
Bước sang quý 2, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định: với nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi đối tác lớn là Mỹ áp dụng thuế đối ứng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, đại diện Cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp.
Thứ nhất, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo cung ứng hàng hóa và kiểm soát giá cả, thị trường; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát…
Thứ hai, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Xác định các dự án có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan tỏa; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài.
Thứ ba, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Đồng thời, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ năm, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics…