Việc giá điện tăng mạnh sau nhiều năm kìm nén khiến doanh nghiệp và người dân lo lắng ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và tâm lý tiêu dung.
Nếu cuối tháng 3/2019, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh nhiều khả năng sẽ gây tác động “kép” lên doanh nghiệp.
Ông Lê Duy Hảo, Giám đốc công ty Nason, doanh nghiệp chuyên sản xuất sứ tại Phú Thọ tỏ ra khá lo lắng khi biết giá điện có thể tăng mạnh vào cuối tháng này. Bởi, hiện tại doanh nghiệp của ông sử dụng lò điện để nung sứ và như vậy giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ tăng trong khi nhiều đơn hàng đã ký đến cuối năm. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp khi nghe công bố của Bộ Công thương về việc tăng giá điện. Doanh nghiệp tiêu thụ điện càng nhiều sẽ chịu tác động càng lớn.
Có thể bạn quan tâm
11:08, 08/03/2019
12:00, 05/03/2019
18:34, 03/12/2018
11:05, 25/10/2018
10:27, 10/10/2018
16:26, 01/10/2018
Không thể trì hoãn
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương: Đáng lý giá điện đã phải tăng trong năm 2018 nhưng vì nhiều lý do đã dời lại sang năm nay. Trong 10 năm qua, giá điện đã tăng 7 lần, lần tăng mạnh nhất là 15,28% năm 2011, thấp nhất là mức tăng 5% của năm 2012 - 2013.
Việc điều hành giá điện năm 2019 được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của EVN ngày 30/11, ông Đinh Quang Tri - Quyền tổng giám đốc EVN dự báo sản lượng phát thuỷ điện sẽ giảm gần 4 tỷ kWh, vì thế buộc ngành điện phải tăng huy động nguồn từ nhiệt điện than, chạy dầu DO, FO. Tuy nhiên, khó khăn là chi phí mỗi kWh điện chạy dầu gần 5.000 đồng, cao hơn nhiều so với các nguồn điện huy động khác như than, khí... Và so với giá bán điện tới các hộ 1.720 đồng một kWh, phần lỗ tương đối lớn.
Thực tế, đề xuất của EVN đã được Chính phủ chấp thuận và từ ngày 5/1/2019, sản phẩm than trong nước và than trộn của TKV đã tăng từ 11-18,83%, các sản phẩm của Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng giá từ 11-15%.
Cần một lộ trình dài hơi
Việc giá điện tăng mạnh sau nhiều năm kìm nén khiến doanh nghiệp và người dân lo lắng ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và tâm lý tiêu dung.
Mức tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3 này sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế, doanh nghiệp và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay như Quốc hội giao như thế nào?
Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến các mặt hàng có liên quan đầu vào là điện. Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26 - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15 - 0,19% và làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22 - 0,25%.
Tuy nhiên, thời điểm tăng giá điện vào cuối quý I, khi mà các doanh nghiệp đều đã xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2019, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2019.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết 2 nhà máy của công ty tiêu tốn đến 1,5 tỉ tiền điện mỗi tháng. Chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, điều này nhà nước hiểu rất rõ nên cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam : Bất kỳ một đơn vị kinh doanh nào cũng phải có đầu tư và phát triển, ngoài ra còn phải đảm bảo chi phí vận hành và phúc lợi cho đơn vị đó. Chuyện lãi trong kinh doanh đã được EVN tính toán giữa thực tế chi phí cho sản xuất điện với tiền thu về do bán điện thương phẩm. Tuy nhiên, thay bằng việc có kế hoạch tăng giá điện, ngành điện vẫn có thể giảm giá thành sản xuất điện bằng nhiều cách. Vấn đề là liệu có hiện thực hóa được những tiềm năng giảm giá thành sản xuất điện như giảm bớt tổn thất trên lưới điện hoặc tăng năng suất của người tham gia sản xuất điện, truyền tải điện… Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP DamSan: Phương án tăng giá điện dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019 là chưa hợp lý và mức tăng quá cao rất dễ ảnh hưởng đến thị trường hàng hoá mất ổn định... Với những doanh nghiệp sản xuất nói chung, lĩnh vực dệt sợi như chúng tôi nói riêng sẽ gặp không ít khó khăn trong kinh doanh về nguồn nguyên liệu, giá thành, thị trường. Công ty DamSan hiện chi phí 10 tỷ đồng/tháng tiền điện, nếu tăng giá điện lên hơn 8% tức chúng tôi phải trả thêm hơn 800 triệu tiền điện chưa kể luỹ kế, thuế VAT. Chi phí tăng như vậy, nhưng giá thành sản phẩm lại không thể tăng vì đang bị ép giá... |