Giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3

Linh Nga 05/03/2019 12:00

Đại diện Bộ Công Thương cho biết phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ thêm 8,36% từ cuối tháng 3 này.

Giá điện dự kiến sẽ tăng vào cuối tháng 3 này

Giá điện dự kiến sẽ tăng vào cuối tháng 3 này

Trao đổi với báo chí sáng nay (5/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án tăng giá điện dự kiến sẽ được áp dụng ngay trong tháng 3/2019. Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng khẳng định sẽ tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP.

Cơ quan quản lý cũng tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Tuy nhiên, dù tăng từ mức 7,4 cent/kWh hiện nay tăng lên gần 8 cent/kWh, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22%% và làm CPI tăng thêm 0,29%.

Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.

Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.

Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng nhằm lành mạnh hoá thị trường điện bởi hiện nay cơ cấu nguồn điện đang không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng khi huy động chủ yếu từ nguồn điện có giá thành đắt hơn trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm. 

Theo thống kê, từ 2010 đến nay, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần đây nhất là 1/12/2017. Tại lần tăng giá này, giá điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 281 về việc ban hành khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BCT.

Theo đó, với nhiệt điện than, Bộ Công Thương nâng trần giá phát điện nhà máy điện than nhập khẩu công suất tinh 1x600 MW và 2x600W lần lượt lên 1.896,05 đồng/kWh và 1.677,02 đồng/kWh (chưa VAT, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung). Mức giá này lần lượt cao hơn 359,29 đồng và 76,98 đồng/kWh so với trần giá của năm 2018.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá than nhập khẩu năm 2019 ở mức gần 1,74 triệu đồng/tấn (chưa VAT và chi phí vận chuyển), tăng từ mức hơn 1,6 triệu đồng/tấn của năm ngoái. Việc giá than nhập khẩu tăng cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước cho tăng giá phát điện của các nhà máy nhiệt điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO