Động lực tăng giá vàng ngắn hạn vẫn còn lớn, nhưng trong thời gian trước mắt giá vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.281USD/oz, giá vàng đã giảm xuống mức 1.276USD/oz, nhưng sau đó lại phục hồi dần trở lại lên mức 1.286USD/oz.
Sở dĩ giá vàng đã phục hồi trở lại là do các nhà đầu tư lo ngại bất ổn kinh tế toàn cầu khi bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổ chức này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 từ mức 3,9% xuống còn 3,5%. “Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, Brexit, bất ổn kinh tế Trung Quốc là “thủ phạm” chính kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, bà Christine Lagarde nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 20/01/2019
14:30, 17/01/2019
05:01, 13/01/2019
05:01, 11/01/2019
05:01, 31/12/2018
11:00, 30/12/2018
Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu kém khả quan khi doanh số bán nhà của Mỹ trong tháng 12/2018 giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua (chỉ 4,99 triệu giao dịch). Các số liệu khác, như việc làm, sản xuất công nghiệp… cũng sụt giảm. Giới chuyên gia dự báo, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài sẽ tiếp tục tác động tiêu cực hơn nữa đối với nền kinh tế Mỹ trong quý 1/2019. Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 xuống chỉ còn 2,5%.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng chậm lại buộc FED chỉ có thể tăng lãi suất 1 lần nữa trong năm nay, thay vì 2 lần như dự kiến. Trong khi đó, áp lực lạm phát có xu hướng tăng cao hơn. Điều này sẽ khiến lãi suất thực giảm xuống, qua đó sẽ hỗ trợ cho giá vàng.
Trong năm 2018, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đạt 756 tấn, giảm gần 12% so với năm 2017. Đây cũng là một trong những lý do giá vàng gần như chỉ đi ngang trong năm qua. Sở dĩ nhu cầu vàng của Ấn Độ giảm mạnh là do giá vàng tại quốc gia này luôn có xu hướng cao hơn giá vàng quốc tế do thuế nhập khẩu vàng ở mức 10%. Mức thuế này được áp dụng từ năm 2013 nhằm giảm thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, Ấn Độ đang xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống còn 5%. Nếu quy định này được ban hành, thì nhu cầu vàng của Ấn Độ sẽ tăng mạnh trở lại, giúp quốc gia này soán ngôi vương của Trung Quốc về tiêu thụ vàng.
Trong khi đó, lượng vốn chảy vào các quỹ đầu tư vàng đã có xu hướng tăng mạnh trong đầu năm 2019. Riêng phiên giao dịch cuối tuần qua đã có tới 14,4 tấn vàng đã được bổ sung vào các quỹ ETF, nâng tổng số vàng nắm giữ tại các quỹ này lên 2.253 tấn, mức cao nhất kể từ 4/2013. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào giá vàng trong năm nay.
Trong báo cáo mới được công bố, ngân hàng CIBC (Canada) đã tăng dự báo giá vàng bình quân năm 2019 lên mức 1.350USD/oz từ mức 1.300USD/oz được dự báo trước đó, và 1.400USD/oz trong năm 2020.
Ông Margaret Yang, chuyên gia phân tích cao cấp của CMC Markets, cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng áp lực chốt lời ở gần mức 1.300USD/oz vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, nếu có thêm yếu tố mới tác động đến giá vàng, thì giá kim loại quý này có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300USD/oz. “Trong thời gian trước mắt, giá vàng có thể sẽ tiếp tục thách thức với mức 1.290- 1.295USD/oz trong ngắn hạn, trong khi đó mức 1.268USD/oz vẫn là mức hỗ trợ quan trọng”, ông Margaret Yang nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy trong thời gian trước mắt, nhiều khả năng giá vàng sẽ xuống tới 1.275USD/oz trước khi tăng trở lại. Nhìn chung, động lực tăng giá vàng trong ngắn hạn vẫn còn lớn nếu giá vàng tiếp tục đóng cửa trên mức 1.260UD/oz. Dải bollinger trên biểu đồ ngày đang có xu hướng thắt lại, báo hiệu một xu hướng mới sắp được hình thành, và đây có thể sẽ là xu hướng tăng mạnh mẽ hơn. Do đó, nếu vượt qua 1.299USD/oz, thì giá vàng sẽ vượt xa ngưỡng 1.300USD/oz. Tuy nhiên, nếu bị đẩy xuống dưới 1.260USD/oz, thì giá vàng có thể sẽ xuống 1.230- 1.246USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, sau khi mở cửa ở mức 36,58- 36,73 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã liên tục sụt giảm, có thời điểm xuống mức 36,35- 36,50 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 230.000đ/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Đáng lưu ý, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã tăng trở lại lên tới mức 740.000đ/lượng vào phiên giao dịch ngày 23/1.