Các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư đã và đang gom vàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ và một số quốc gia khác, đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.800USD/oz.
Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi mở cửa ở mức 1.793USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm vượt ngưỡng 1.800USD/oz. Giá vàng hôm nay vẫn ở trên mức giá này.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có thời điểm tăng lên mức 50,3 triệu VND/lượng, nhưng sau đó lại giảm xuống mức 50,1 triệu VND/lượng. Đáng chú ý khi giá vàng vượt ngưỡng 50 triệu VND/lượng, thì nhiều người dân, nhà đầu tư đã bán ra vì sợ giá vàng sẽ giảm trở lại.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh do vai trò trú ẩn của vàng đã tăng mạnh khi số ca nhiễm COVID-19 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, vượt 3 triệu ca nhiễm, khiến kinh tế Mỹ sẽ suy thoái mạnh hơn sau khi có một số dữ liệu kinh tế được công bố trong tháng 6 cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi. Điều này khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ sớm tung ra gói kích thích kinh tế mới, khoảng 1.200 tỷ USD. Dù các gói kích thích kinh tế, nới lỏng định lượng chưa đẩy áp lực lạm phát ngắn hạn tăng mạnh, do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do dịch bệnh, nhưng lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng mạnh về dài hạn. Yếu tố này sẽ làm tăng đáng kể vai trò trú ẩn của vàng trong dài hạn.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư ETF cũng đã và đang gom mạnh vàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất sụt giảm mạnh, cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), riêng trong tháng 6, các quỹ ETF đã mua tới 104 tấn vàng, nâng tổng số vàng mà các quỹ nắm giữ trong 6 tháng đầu năm lên mức cao kỷ lục, khoảng 734 tấn. Hiện tổng số vàng mà các quỹ đang nắm giữ khoảng 3.621 tấn.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư, đầu cơ cũng đã gom vàng. Tổng số hợp đồng giao dịch vàng tương lai trong tháng 6 cũng đã tăng 14.137 hợp đồng lên mức 266.670 hợp đồng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng lần này không bền vững khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang có xu hướng phục hồi, hiện ở mức 0,65%. Hơn nữa, đà tăng này chủ yếu do yếu tố tâm lý lo ngại làn sóng COVID-19 thứ 2 sẽ tiếp tục làm suy giảm mạnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng. Bên cạnh đó, vàng được định giá bằng USD, nhưng đồng tiền này cũng đóng vai trò trú ẩn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát sẽ tiếp tục tác động đến chứng khoán toàn cầu, khiến các nhà đầu tư phải bán vàng để bù lỗ cho chứng khoán.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối cũng cho rằng, giá vàng vẫn đang có xu hướng tăng giá mạnh trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro do áp lực chốt lời của các nhà đầu tư, nhất là khi giá vàng ở trên mức 1.800USD/oz. Do đó, dù giá vàng vượt qua 1.800USD/oz, nhưng cũng khó trụ vững ở trên mức giá này. “Các nhà đầu tư cần hạn chế, thậm chí không nên mua vào khi giá vàng vượt mức 1.800USD/oz, mà chọn mức giá phù hợp để chốt lời và bán khống nhằm đón cơ hội điều chỉnh của giá vàng”, ông Colin nhấn mạnh.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số xu hướng như MACD, ADX… vẫn cho thấy đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên, các chỉ số Stochastic, RSI… cho thấy tín hiệu vượt mua. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng áp lực chốt lời ở trên mức 1.800USD/oz.
Có thể bạn quan tâm