Giá vàng tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong ngắn hạn

Ngọc Anh 11/04/2018 10:56

Căng thẳng thương mại Mỹ- Trung và bất ổn địa chính trị ở Syria đã hỗ trợ giá vàng tăng liên tục trong 4 phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, giá vàng khó tăng mạnh, trừ khi Mỹ và phương Tây tấn công Syria.

Từ đầu tuần này đến nay, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ 36,68- 36,77 triệu đồng/lượng lên mức 36,75- 36,89 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Từ đầu tuần này đến nay, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ 36,68- 36,77 triệu đồng/lượng lên mức 36,75- 36,89 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Theo đó, sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.333USD/oz, giá vàng quốc tế đã dao động trong biên độ 1.326- 1.342USD/oz.

Tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao được tổ chức ở đảo Nam Hải, Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã hạ giọng điệu khi bình luận về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho đà tăng của giá vàng có xu hướng chững lại.

Hôm qua, có thời điểm giá vàng giảm xuống mức 1.331USD/oz sau phát biểu nói trên của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau đó giá vàng lại phục hồi lên trên mức 1.340USD/oz do các nhà đầu tư quan ngại Mỹ sẽ có hành động quyết liệt đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

“Căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố chính tác động trực tiếp đến giá vàng trong tuần này nên dù xung đột thương mại Mỹ- Trung có hạ nhiệt, thì giá vàng cũng khó giảm sâu”, ông Jonathan Butler, chuyên gia phân tích hàng hóa của Mitsubitshi tại London nhận định.

Ngoài ra, giá vàng hôm qua còn được hỗ trợ bởi thông tin chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 3/2018 tăng 0,3%, so với mức 0,2% của kỳ trước. Số liệu này cho thấy, áp lực lạm phát của Mỹ đã có xu hướng gia tăng, tạo điều kiện cho Fed tiếp tục thực hiện kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ như kế hoạch đề ra.

Theo khảo sát của CME FedWatch, hiện nay có khoảng 99% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên mức 1,5- 1,75% trong cuộc họp vào ngày 2/5 sắp tới.

Ông Peter Hug, chuyên gia phân tích của Kitco, cho rằng giá vàng có thể vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trong ngắn hạn. “Giá vàng chưa thể phá vỡ biên độ 1.332- 1.355 USD/oz, trừ khi Mỹ và phương Tây tấn công Syria”, ông Peter Hug nhận định.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, củng cố, chứ chưa có xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn. Hiện tại, giá vàng vẫn đang nằm trong kênh tăng giá trên biểu đồ ngày. Tuy nhiên, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.320USD/oz, thì kênh tăng giá này sẽ bị phá vỡ, khiến giá vàng có thể xuống 1.313USD/oz, kế tiếp là 1.296USD/oz. Trong khi đó, vùng kháng cự mạnh vẫn đang ở 1.356- 1.3363USD/oz.

Trong phiên giao dịch hôm nay, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và biên bản cuộc họp của Fed, các thông tin này được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến giá vàng, bởi nó liên quan đến việc thực hiện chính sách lãi suất của Fed thời gian tới.

Tại thị trường vàng Việt Nam, từ đầu tuần này đến nay, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ 36,68- 36,77 triệu đồng/lượng lên mức 36,75- 36,89 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Đáng lưu ý, do nhu cầu vàng trong nước khá trầm lắng, nên các doanh nghiệp điều chỉnh tương đối chậm giá vàng miếng SJC theo đà tăng của giá vàng quốc tế. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã được rút ngắn lại đáng kể, hiện chỉ còn khoảng 40.000đ/lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vàng tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong ngắn hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO