Giá vật liệu xây dựng biến động nhanh: Giải pháp chưa theo kịp thực tiễn

PHƯƠNG UYÊN 18/08/2022 14:27

Trong văn bản gửi Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng thừa nhận thực tế biến động quá nhanh nên các giải pháp chưa theo kịp thực tiễn.

Đối với vật liệu sản xuất trong nước, giá bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Giá nhiên liệu tăng làm chi phí sản xuất, chi phí logistic tăng theo; Chính phủ ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông và triển khai các gói kích cầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch covid-19.

Việc giá vật liệu tăng mạnh đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án (Ảnh: LV)

Việc giá vật liệu tăng mạnh đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án (Ảnh: LV)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết: Giá vật liệu tăng mạnh từ cuối Quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án. Theo số liệu do các địa phương công bố, chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020 (thời điểm chưa có biến động), trong đó chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15%-20%.  

Giá vật liệu xây dựng biến động nhanh

Yếu tố này đã tác động lớn đến công tác quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, trong đó có một số tác động phổ biến như sau:

Đối với hợp đồng trọn gói đang triển khai: Theo quy định của pháp luật đây là loại hợp đồng có giá trị hợp đồng không thay đổi suốt quá trình thực hiện. Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết trước quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị nhỏ hơn 20 tỷ đồng được ký kết từ năm 2021 trở lại đây (theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các hợp đồng quy mô nhỏ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói).

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng

    Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng

    07:00, 16/08/2022

  • Giải pháp vật liệu xây dựng cho công trình xanh

    08:00, 30/07/2022

Ngoài ra, có một số hợp đồng thi công chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như: chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của dịch covid-19 hoặc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế.... dẫn đến một số nhà thầu đã “rơi” vào giai đoạn giá tăng cao, là một trong những nguyên nhân nhà thầu gặp khó khăn, thi công cầm chừng. 

Đối với hợp đồng đơn giá cố định: Theo quy định của pháp luật đây là hợp đồng có đơn giá thanh toán cố định trong suốt quá trình thực hiện, do vậy khi tăng giá vật liệu, nhiên liệu thì cũng gặp khó khăn tương tự như đối với trường hợp hợp đồng trọn gói. 

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh: Hầu hết đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, các công trình thi công sau năm 2020 đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh giá để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn (điều chỉnh theo chỉ số giá công trình, chỉ số giá theo nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu; điều chỉnh theo từng danh mục giá vật liệu xây dựng; giá điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, ...).

Về phía Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức 7 đoàn hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc công bố giá tại 07 địa phương về việc chấp hành quy định về công bố giá, phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã giao Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, để tránh việc “đầu cơ, găm hàng, thổi giá” thép; yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, hỗ trợ vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung về vật liệu xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện việc tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng trong các công trình giao thông trọng điểm quốc gia gửi các địa phương để làm căn cứ khảo sát, công bố giá trên địa bàn.

Đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá VLXD hàng quý.

"Đến nay, khi các địa phương chủ động việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, sát với thị trường, cơ bản đáp ứng việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chi phí hợp đồng. Giá vật liệu xây dựng đã bắt đầu hạ nhiệt, có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thực tế biến động quá nhanh, các giải pháp nêu trên vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Do vậy, nhiều hợp đồng đã và đang thực hiện trong 02 năm qua vẫn còn gặp khó khăn" - Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

Các địa phương chủ động rà soát

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng kiến nghị một số giải pháp sau: Đối với hợp đồng đã ký trọn gói, đơn giá cố định: Theo quy định của pháp luật hiện hành các hợp đồng này chỉ được điều chỉnh trong trường hợp “bất khả kháng”  hoặc “hoàn cảnh thay đổi”. Trong đó, các tiêu chí về bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi tại văn bản quy phạm pháp luật lại không định lượng, không quy định cụ thể “biến động giá vật liệu xây dựng” là trường hợp bất khả kháng hay trường hợp hoàn cảnh thay đổi.

Việc giá vật liệu tăng mạnh đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án.

Theo Bộ Xây dựng, dù giá vật liệu đã hạ nhiệt song mặt bằng giá vẫn ở mức cao so với năm 2020 (Ảnh: LV)

Nếu đề nghị sửa đổi, cụ thể hóa các quy định này tại các Luật có liên quan (Bộ Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng), thời gian sẽ kéo dài đến năm 2023-2024. Giải pháp này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay khi giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng giảm. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các Bộ, Ngành và các địa phương để tổng hợp số liệu thực hiện của các hợp đồng, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đề nghị Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch. Trường hợp giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá đã công bố theo quý chưa phản ánh đúng biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, tăng tần suất sớm hơn, theo tháng, đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

Giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có), báo cáo Chính phủ.

Giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án: báo cáo đánh giá các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (chủ quan, khách quan); xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả các hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng

    Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng

    07:00, 16/08/2022

  • Giải pháp vật liệu xây dựng cho công trình xanh

    Giải pháp vật liệu xây dựng cho công trình xanh

    08:00, 30/07/2022

  • Cảnh báo huy động vốn qua đặt cọc mua vật liệu xây dựng

    Cảnh báo huy động vốn qua đặt cọc mua vật liệu xây dựng

    21:02, 19/07/2022

  • Điện Biên “cắt sốt”p/giá vật liệu xây dựng

    Điện Biên “cắt sốt” giá vật liệu xây dựng

    18:13, 15/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vật liệu xây dựng biến động nhanh: Giải pháp chưa theo kịp thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO