Giải bài toán liên kết vùng

Bài: Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ - Ảnh: QUỐC TUẤN 04/07/2022 05:00

Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện các đại hội VIII, X và XI.

>>Trà Vinh tăng cường liên kết vùng và tiểu vùng

Mới đây nhất là Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.

Tác giả VŨ VINH PHÚ

Tác giả VŨ VINH PHÚ

Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình… đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực

Mặc dù vậy, thể chế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi; vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung ương, còn mờ nhạt; và cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất.

Những hạn chế trên đây đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng, như các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất.

Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu, như Hà Nội, TP. HCM chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng.

các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu, như Hà Nội, TP. HCM chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu, như Hà Nội, TP. HCM chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng, như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Liên kết đầu tư phát triển; liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng… chưa được triển khai một cách đầy đủ.

Trước thực trạng những hạn chế tồn tại về liên kết vùng ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, đòi hỏi cần phải có những chuyển biến cơ bản về công tác này trong những năm tới, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu về kinh tế xã hội mà đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vừa qua đã đề ra.

Từ nay đến năm 2025 phấn đấu trở thành một nước đang phát triển, có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình, GDP bình quân đầu người là 4.700-5.000 USD/năm.

Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, bình quân 7.500 USD/năm. Đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, GDP bình quân 12.535 USD/năm.

Muốn đạt được hiệu quả của liên kết vùng trong thời gian tới, theo tôi cần chú ý một số giải pháp cơ bản sau.

Một là, xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ về thể chế phát triển vùng và liên kết vùng. Theo đó, cần khẩn trương xây dựng và ban hành Luật về liên kết vùng. Luật về liên kết vùng cần cụ thể các nội dung liên quan đến hình thức liên kết; nội dung liên kết; cơ cấu tổ chức điều phối.

Quy chế hoạt động của tổ chức điều phối vùng; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; cơ chế phân chia và xác định lợi ích hay rủi ro giữa các bên tham gia; trình tự và thủ tục thực hiện liên kết…

Ngoài ra, Luật liên kết vùng có thể xem xét đề cập tới các nội dung về cơ chế thưởng/khuyến khích cho những sáng kiến liên kết hay liên kết mang lại hiệu quả chung cho toàn vùng hoặc cho quốc gia; và cơ chế phạt liên kết.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng.

Có thể thành lập bộ máy vùng ở 6 vùng kinh tế-xã hội nhằm quản lý thống nhất và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch vùng, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương trong điều phối chính sách, để các chủ trương chính sách chung của Trung ương thực sự gắn với các điều kiện cụ thể của địa phương.

Vùng không phải là một đơn vị hành chính hay một khu vực hành chính, đồng thời vùng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính. Do vậy, để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động các địa phương trong vùng có thể thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng.

Hội đồng vùng không phải là một cấp hành chính mà chỉ là một tổ chức được Chính phủ và các địa phương trong vùng ủy quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến liên kết phát triển KTXH, chẳng hạn, xây dựng kế hoạch và lập kế hoạch hành động thực hiện kế hoạch phát triển KTXH vùng.

Lựa chọn và đề xuất các chương trình, dự án đầu tư có tính liên kết vùng. Phê duyệt quy hoạch và kế hoạch phát triển KTXH địa phương. Theo dõi, giám sát liên kết chính quyền địa phương trong vùng, quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phát hiện các vấn đề phát sinh và giải quyết các vấn đề đó hoặc đề xuất/báo cáo kịp thời những vướng mắc gửi Văn phòng Ban chỉ đạo.

Đề xuất các chính sách có liên quan tới phát triển KTXH vùng. Huy động nguồn lực phục vụ phát triển nội vùng và xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Giải pháp nào?

Ba là, xây dựng quy hoạch vùng theo hướng phải là quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành đơn lẻ (quy hoạch hệ thống giao thông, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất…) phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể, có như vậy mới tránh khỏi lãng phí và sự chồng chéo trong các quy hoạch.

Chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Đặc biệt, trong quy hoạch vùng cần phải đổi mới quan niệm, đó là sự “phá vỡ” ranh giới hành chính, điều này đã được các cơ quan chức năng chú ý khi quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội với không gian mở rộng ra các tỉnh lân cận trong khoảng bán kính từ 50-100 km. Tương tự như vậy, quy hoạch vùng TP. HCM và các khu vực lân cận cũng có bán kính lan tỏa tương tự.

Bốn là, phát triển vùng là một quá trình lâu dài và phức tạp, cho nên cần nhận thức đầy đủ về vị trí vai trò của công việc này; cần bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thuộc các cơ quan xây dựng chính sách có đủ trình độ, năng lực xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, các chính sách phát triển vùng

Kinh nghiệm cho thấy, muốn đạt được những mục tiêu đề ra của sự liên kết vùng ở Việt Nam cần nhấn mạnh những vấn đề hết sức cụ thể và thiết thực sau đây.

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế, đó là tính liên kết giữa những người Việt với nhau, các doanh nghiệp với nhau, các địa phương, các vùng với nhau so với một số nước khác có trình độ liên kết cao hơn, tự giác hơn, khoa học hơn, thì chúng ta còn phải học tập rất nhiều.

Chúng nào sự gắn kết giữa các cá nhân, tổ chức của chúng ta được nâng lên 1 bước cao hơn thì hiệu quả đem lại của sự liên kết sẽ bền vững hơn, nhanh hơn góp phần vào việc phát triển kinh tế từng vùng trong cả nước.

Cần chuẩn bị một cách đầy đủ cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, các thể chế để phát triển ở các vùng và của cả nước. Cần có “nhạc trưởng” vùng để thực hiện các chủ trương nghị quyết, quy định đã đề ra một cách nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả.

Trước hết trong 5-10 năm tới có lẽ chúng ta nên chọn 3 vùng trọng điểm để thực hiện trước, sớm sơ kết đánh giá, để sau đó tiêp tục nhân rộng sang các vùng còn lại của cả nước. Đó là vùng đồ bằng sông Cửu Long, vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cuối cùng, cần chú trọng đến việc đánh giá những tác động rõ rệt của sự liên kết vùng sau một thời gian nhất định, như thu nhập bình quân đầu người tăng lên một cách hợp lý, đời sống nhân dân được cải thiện, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong vùng được nâng lên, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng tạo được dấu ấn ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đây là một chủ trương đúng đắn của đảng và nhà nước nhằm góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiêp theo. Chúng ta tin tưởng rằng từ sự chỉ đạo sát sao của chính phủ, hỗ trợ của các bộ ngành và sự cố gắng nỗ lực của các địa phương, chắc chắn Nghị quyết số 57/CP sẽ được  thực hiện hiệu quả, đem lại niềm tin mạnh mẽ cho sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện về kinh tế xã hội ở nước ta.

Có thể bạn quan tâm

  • Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

    03:30, 14/05/2022

  • Mô hình liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

    11:00, 03/05/2022

  • Trà Vinh tăng cường liên kết vùng và tiểu vùng

    18:32, 29/04/2022

  • Quảng Ninh: Phát triển logictisc để tăng cường liên kết vùng

    00:00, 19/04/2022

  • Nên phát triển hiệp hội logistics liên kết vùng

    04:00, 13/04/2022

  • Phục hồi du lịch TP.HCM gắn phát triển tour du lịch liên kết vùng

    04:00, 27/02/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cần xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng

    19:01, 11/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán liên kết vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO