Giải bài toán nhân lực cho ngành logistics

LAN VŨ 08/05/2022 07:56

Nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt trầm trọng.

>>>Đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực logistics trọng điểm

Nhu cầu lớn

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 29.694 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ logistics, bao gồm: dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi, bốc xếp bưu chính chuyển phát... Ước tính quy mô nhân lực trung bình khoảng 20 người/doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Đức - Đại học Hàng Hải Việt kiến nghị với Hiệp hội logistics Hải Phòng về nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Minh Đức - Đại học Hàng Hải Việt Nam kiến nghị với Hiệp hội logistics Hải Phòng về nguồn nhân lực

Theo Báo cáo Logistics 2021 của Bộ Công thương, căn cứ vào kết quả khảo sát về nhu cầu tuyển dụng nhân lực logistics trong 3 năm qua, có thể ước tính mức tăng trưởng nhân lực bình quân tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam khoảng 7,5%; thấp hơn mức tăng trưởng chung của ngành 14% - 16% do đã loại trừ khả năng ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp. Thì nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ là 852.592 (người).

Báo cáo nêu rõ, nhu cầu nhân lực logistics cho toàn ngành xuất phát từ 2 nhóm, bao gồm cả nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60% trong thời gian tới (theo Quyết định 221/QĐ-TTg) thì mức tăng trưởng nhân lực logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ không cao, ước đạt khoảng 5%/năm thì trong giai đoạn 2021 - 2025 các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam cần thêm số nhân lực logistics 169.541 (người). Ước tính, trong giai đoạn 2021 – 2015, tổng nhu cầu nhân lực logistics cả các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) là hơn 1 triệu người.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Với lợi thế nằm trên trục giao thương hàng hải thuận tiện, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải đường biển quốc tế. Tận dụng lợi thế đó, các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.

Mặc dù vậy, đến nay năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế. Trong đó, nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của ngành hiện nay. Các số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người. Trong khi nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Là Trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc, dự báo, đến 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030 con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố, chỉ có Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics. Với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành liên quan như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương - Tình trạng thiếu nhân lực logistics tại Hải Phòng sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Cần chính sách cụ thể thu hút nguồn nhân lực giỏi

>>Hóa giải điểm nghẽn của nhân lực ngành logistics

Ông Nguyễn Minh Đức - Đại học Hàng Hải Việt Nam cho rằng, nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thành thạo ngoại ngữ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc các quy định pháp lý, tập quán quốc tế hiện đang thiếu hụt trầm trọng.

Có rất ít lực lượng lao động của các doanh nghiệp hiện có các chứng chỉ quốc tế như chứng chỉ FIATA Diploma. Trong khi đó khả năng cung cấp nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế do sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thực hành, kinh phí chi trả, đãi ngộ cho bộ phận giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực logistics.

Cần có chính sách cụ thể thu hút nguồn nhân lực giỏi

Cần có chính sách cụ thể thu hút nguồn nhân lực logistics giỏi

Theo Báo cáo Logistics 2021 của Bộ Công thương, khi được đề nghị đánh giá về chất lượng nhân lực logistics so với yêu cầu của doanh nghiệp, câu trả lời của các doanh nghiệp phản ánh một thực tế không khả quan về chất lượng của tất cả các loại hình nhân lực logistics tại Việt Nam hiện nay. Có thể dễ dàng nhận thấy đồ thị phản ánh chất lượng của các loại hình nhân lực logistics trên thực tế đều thấp hơn so với đồ thị phản ánh yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa là chất lượng nhân lực logistics hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp.

Kế hoạch 153/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ cụ thể như: hỗ trợ các doanh nghiệp về kinh phí trong việc tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, khai thác trong lĩnh vực logistics; thu hút các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các chương trình đào tạo nhân lực logistics ngắn hạn; hợp tác với các tổ chức quốc tế FIATA, IATA để đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Do đó, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị, TP Hải Phòng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các hội viên tổ chức (doanh nghiệp, cơ sở đào tạo) của Hiệp hội logistics Hải Phòng học và nhận chứng chỉ FIATA Diploma. Bên cạnh đó, TP Hải PHòng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo các sinh viên xuất sắc, giảng viên trẻ đi tu nghiệp nước ngoài, được đào tạo bài bản về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, cam kết sau khi tốt nghiệp trở lại tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.

Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã hợp tác với Fulright về chiến lược phát triển nguồn nhân lực logistics của thành phố. Trong thời gian tới, định hướng của Hải Phòng là phải tăng dân số cơ học, thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh thành về. Thành phố sẽ trao đổi với Sở Giáo dục Đào tạo về phát triển nhân lực logistics Hải Phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Lựa chọn giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

    Hải Phòng: Lựa chọn giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

    01:33, 04/05/2022

  • Khôi phục du lịch Đà Nẵng: (Bài 3) Giải bài toán nguồn nhân lực

    Khôi phục du lịch Đà Nẵng: (Bài 3) Giải bài toán nguồn nhân lực

    11:00, 13/04/2022

  • Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới

    Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới

    17:15, 08/04/2022

  • Quảng Ninh: Khôi phục nguồn nhân lực du lịch bằng cách nào?

    Quảng Ninh: Khôi phục nguồn nhân lực du lịch bằng cách nào?

    10:39, 02/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán nhân lực cho ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO