Những năm qua, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có sự khởi sắc với tốc độ tăng trưởng khá cao.
Tuy nhiên so với các tỉnh khác du lịch Hà Tĩnh vẫn là vùng trũng, thiếu tính bền vững và chưa phát huy hết những tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, năm 2018, tổng lượt khách tham quan đến Hà Tĩnh đạt gần 4 vạn lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt hơn 1,5 vạn, tăng 14,2% so với năm 2017, khách lưu trú quốc tế ước đạt 25.000 lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2017, khách lưu trú nội địa đạt hơn 1,5 vạn lượt.
Mặc dù đã có những phát triển đáng mừng, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Hà Tĩnh vẫn đang rơi vào vùng trũng, chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có của địa phương.
GS.TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh cho rằng, hiện nay nhân lực của ngành du lịch Hà Tĩnh vừa thiếu và yếu. Để phát triển du lịch trước tiên cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả ở đối tượng làm công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động trực tiếp. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh vẫn còn hạn chế. Hình ảnh mờ nhạt, chưa ghi được dấu ấn nổi bật trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về thực trạng ngành du lịch Hà Tĩnh thời gian qua, ông Hồ Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh thừa nhận cách làm du lịch của Hà Tĩnh còn thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu điểm nhấn.
Theo ông Anh, thực tế, du lịch Hà Tĩnh chỉ mới quanh quẩn với ăn – tắm biển – ngủ và ăn, chưa có vui chơi, mua sắm, giải trí…, thiếu sự kết nối giữa di sản, thiên nhiên và các hoạt động du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm từ nông nghiệp như cam, bưởi, kẹo cu đơ làm quà tặng là chính chứ chưa có các sản phẩm quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ hấp dẫn du khách.
Mặc dù hội tụ đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để đưa ngành du lịch Hà Tĩnh chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương nhưng những năm qua du lịch Hà Tĩnh vẫn còn mang tính thời vụ. Các hoạt động du lịch chủ yếu chỉ gói gọn trong vòng 3 tháng mùa hè, phần thời gian còn lại trong năm đều “đắp chiếu”.
Giải mã “điểm nghẽn”
Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, tạo điều kiện cho du lịch Hà Tĩnh phát triển bền vững theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Kết nối đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh”.
Hội thảo đã thu hút gần 30 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch với những đánh giá, phân tích sâu sắc về hạn chế, tồn tại đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch Hà Tĩnh, đồng thời đưa ra các định hướng, giải pháp thực tế nhằm đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng.
Có thể bạn quan tâm
07:16, 26/04/2019
10:30, 24/04/2019
06:06, 21/04/2019
18:16, 20/04/2019
Mở đầu buổi tham luận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Hà Tĩnh sở hữu rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để thu hút du khách và phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung du lịch Hà Tĩnh còn thiếu và yếu về nhân lực và hạ tầng. Đặc biệt, thông tin sản phẩm, điểm đến du lịch của Hà Tĩnh chưa được quảng bá, tiếp cận đến các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Vì vậy, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh liên kết xúc tiến để thúc đẩy du lịch phát triển, tăng cường quảng bá điểm đến trên cơ sở liên kết cụm, nội vùng và khu vực.
GS.TS Nguyễn Mại tiếp tục “hiến kế: “Hà Tĩnh cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch; xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân công đơn vị chịu trách nhiệm thật cụ thể; coi du lịch là trọng điểm phát triển kinh tế. Cần hình thành dự án phát triển du lịch, mời các chuyên gia hàng đầu xây dựng chiến lược khả thi để đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có”.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, có thể tập hợp các doanh nghiệp du lịch để hình thành dự án, hoặc giao Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối toàn bộ các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước để hình thành mạng lưới, khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh, để du lịch trở thành nguồn thu quan trọng trong nền kinh tế.
Đánh giá cao những tiêm năng du lịch của Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Salem Khamphengvong cho rằng du lịch Hà Tĩnh rất hấp dẫn khách du lịch Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông đường bộ (Quốc lộ 8A) từ Lào sang Hà Tĩnh đang còn khó khăn. Chính phủ Việt Nam cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo thuận lợi để thu hút du khách từ Lào, Thái Lan.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan cũng cho rằng Hà Tĩnh cần tổ chức các địa điểm dừng xe, bán hàng lưu niệm để khách du lịch nghỉ ngơi và mua sắm. cần tổ chức các địa điểm dừng xe, bán hàng lưu niệm để khách du lịch nghỉ ngơi và mua sắm.
Gửi lời cảm ơn đến những ý kiến phát biểu thẳng thắn và chân thành, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, những ý kiến của các chuyên gia tại buổi hội thảo sẽ là chìa khóa mở ra hướng đi đúng đắn, tích cực và hiệu quả cho ngành du lịch Hà Tĩnh. Ông Khánh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, chuyên gia nhằm giúp Hà Tĩnh có những định hướng, giải pháp cụ thể, tầm nhìn mang tính chiến lược để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế du lịch Hà Tĩnh.
Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn T&T và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết bản ghi nhớ/bản thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ tại tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Vietravel ký thỏa thuận về đầu tư và mở văn phòng đại diện tại Hà Tĩnh.