Phân cấp mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

Diendandoanhnghiep.vn Trước tình hình tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.

Theo ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cuối năm 2018 Quốc hội đã thông qua dự toán vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển năm 2019 là 60.000 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao chi tiết theo từng dự án cho các bộ ngành, địa phương là 28.637 tỷ đồng.Tính đến nay, các bộ ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các đơn vị sử dụng và nhập Tabmis là 24.483 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, bằng 85% kế hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và bằng 41% kế hoạch vốn Quốc hội phê duyệt.

Nguyên nhân giải ngân chậm, theo ông Long là do hiện nay còn gặp vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn

Tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm

Ông Trương Hùng Long cho biết, tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất chậm. Cụ thế, vốn cấp phát đầu tư phát triển giải ngân được 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao (7,16% kế hoạch vốn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao); chi thường xuyên giải ngân được 833 tỷ đồng, đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt. Vốn cho vay lại của chính quyền địa phương giải ngân được khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công giải ngân 7.664 tỷ đồng, đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.

Nguyên nhân giải ngân chậm, theo ông Long là do hiện nay còn gặp vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, như: bố trí thiếu so với nhu cầu. Hiện có 26 khoản vay, với tổng trị giá là 3.463 triệu USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm. Đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34 nghìn tỷ đồng.

Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ vẫn còn tồn tại. Cá biệt có 1 số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn, như Dự án xây dựng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh- tỉnh Thanh Hóa…

Bên cạnh đó là những vướng mắc về thủ tục đầu tư. Ông Long cho biết, qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, trong một số trường hợp việc chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ và chủ dự án buộc phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Từ đầu năm đến nay, đã có 37 hiệp định vay đã phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ. Số dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trong nửa đầu năm 2019 là 26 chương trình, dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD, trong đó 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vào giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đang đình trệ.

Theo ông Long, nhiều trường hợp, các dự án dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ngoài ra còn có những vướng mắc về thủ tục cho vay lại; thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn… cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, trước đây, Việt Nam có tốc độ giải ngân rất tốt nhưng từ năm 2014 đến nay, tốc độ này đang chậm lại.

Năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011 - 2014 là 21,7%; và cũng chỉ bằng một nửa các quốc gia khác.

Đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển sửa đổi các quy định hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau; đơn giản hóa mạnh mẽ và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn. Đồng thời tăng cường năng lực các cơ quan liên quan để quản lý ODA, thông qua việc phối hợp, tăng cường giám sát, đào tạo và bồi dưỡng về các quy định về pháp luật mới…

Ông Eric Sidgwick cũng đề nghị, Chính phủ đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư; đưa dự án vào kế hoạch cũng như giao kế hoạch vốn hàng năm. Việc giao kế hoạch vốn hàng năm phải được thực hiện vào tháng 1, bao gồm cả trong TABMIS và phù hợp nhu cầu của dự án. Đồng thời, tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn …

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, trong thời gian tới, để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, hiện nay tính sẵn sàng của các dự án còn nhiều khó khăn nên đề nghị các bộ, địa phương, ban quản lý dự án chú trọng việc chuẩn bị, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong giải ngân rút vốn; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong thẩm định các chương trình, dự án vay về cho vay lại trong đó có chương trình, dự án của ngân sách địa phương; đẩy nhanh tiến độ dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân rút vốn như hiện nay…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi; Rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phân cấp mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714399066 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714399066 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10