Giải pháp cân đối ngân sách nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6%

ANH DUY 10/11/2020 11:42

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời các đại biểu về vấn đề về bài toán cân đối ngân sách, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170.000 tỷ so với năm 2020. Thủ tướng cho biết rất thấm thía với câu hỏi này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết rất thấm thía với băn khoăn của các Đại biểu về cân đối ngân sách.

Về giải pháp, trước hết, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này.

Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.

Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế…

Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…  

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta phải giữ được kinh tế vĩ mô ổn định. 

Trước đó, dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ cho biết, từ những dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021, dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

Theo đó, dự toán thu cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Dự toán chi Ngân sách Nhà nước cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,4%) so với dự toán năm 2020.

“Trong bối cảnh thu Ngân sách Nhà nước chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh”, Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết.

Do đó, tổng hợp dự toán thu 2021 và bội chi năm 2021, thì tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn giảm so với dự toán năm 2020 và được dự kiến bố trí như sau: Ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển để đạt tỷ trọng 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước; bố trí chi trả nợ lãi và dự phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dành nguồn ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khi đó chi thường xuyên năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020. Vì vậy, Chính phủ cho rằng, yêu cầu trong năm 2021 phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng GDP chỉ 6% vào năm 2021 có đảm bảo thu - chi ngân sách?

    09:51, 09/11/2020

  • Hải Phòng: Cách nào đạt mục tiêu thu ngân sách 98.250 tỷ đồng trong năm 2020?

    22:56, 01/11/2020

  • Không nên dùng ngân sách mua lại các dự án BOT

    04:00, 15/10/2020

  • Hậu kỳ "khai tử" các dự án BT: Vẫn nhức nhối vấn đề... thất thoát ngân sách

    11:01, 26/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp cân đối ngân sách nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO