Trước thực trạng cước vận tải đường biển tăng nhanh và liên tục khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia đề xuất giải pháp để giảm thiểu tối đa tác động của giá cước.
>> Bất ổn Biển Đỏ, cước vận tải biển tăng như thời đại dịch
Theo chỉ số World Container Index (WCI) do hãng tư vấn hàng hải hàng đầu thế giới Drewry vừa công bố, giá cước trung bình cho 1 container 40 feet trên 8 tuyến hàng hải chính của thế giới đã tăng từ 2.670 USD lên 5.868 USD từ đầu năm đến nay, tương đương với mức tăng 120% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sự gia tăng này đang khiến chi phí xuất khẩu tăng mạnh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó, có ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo và hàng điện tử… Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng.
Nguyên nhân khiến giá cước vận tải biển tăng cao, theo các doanh nghiệp logistics là do căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình, gây ra tắc nghẽn ở Singapore và các cảng phụ cận trong khu vực Đông Nam Á. Thời gian chờ lấy hàng kéo dài gấp hai đến ba lần thông thường gây ra tình trạng thiếu tàu. Điều này khiến container nằm ở bãi lâu hơn, các hãng vận chuyển rút tàu tạo ra khan hiếm giả.
Cùng với đó, việc chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới, nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ đang đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu trước thời gian này. Do đó, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn cho các hãng tàu nên lượng tàu đổ về đây rất lớn khiến các tuyến vận tải khác bị đẩy giá cước lên cao.
Mặt khác, các hãng tàu hiện nay chuyển sang báo giá theo tuần thay vì từ 15 - 30 ngày như trước đây. Điều này có thể khiến doanh nghiệp phải gánh một khoản phí vận chuyển lớn, hoặc thậm chí chịu lỗ, có doanh nghiệp chấp nhận chuyển sang hình thức giao bằng được hàng không với mức phí cao ngất.
>> Cước vận tải container tăng phi mã: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Trước bối cảnh giá cước vận tải tăng cao cùng tình trạng tắc nghẽn cảng, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương đề nghị, doanh nghiệp cùng ngành hàng cần liên kết lại để có số lượng hàng hóa lớn, tìm hãng tàu lớn, uy tín để ký hợp đồng vận tải trực tiếp, lâu dài. Khi đó, sẽ có được giá cước vận tải rẻ hơn và ổn định.
“Để giảm thiểu tác động, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò, tập hợp doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Phạm Văn Xô nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến trên Biển Đỏ, từ đó, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác mua hàng; trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng và giao nhận hàng hóa. Đây là giải pháp tình thế nhằm thích ứng nhanh chóng với tình hình khủng hoảng đang xảy ra.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Việc này nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nội ngành để chia sẻ chi phí vận tải, đàm phán giá cước vận tải tốt hơn với các hãng tàu; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp cảng, hiệp hội, hãng tàu để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp gỡ vướng.
Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển.
Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển. Đồng thời, bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Để tránh bị ảnh hưởng bởi biến động giá cước và lịch trình vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn Biển Đỏ, cước vận tải biển tăng như thời đại dịch
02:30, 28/06/2024
Cước vận tải container tăng phi mã: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
10:18, 20/06/2024
Giá cước vận tải biển biến động và đề xuất với Việt Nam
11:54, 18/06/2024
Cước vận tải biển có thể giảm thêm
04:00, 25/04/2024
PVT hưởng lợi từ giá cước vận tải dầu tăng mạnh
18:39, 04/09/2023