Giải pháp ổn định tỷ giá

DIỄM NGỌC 20/04/2024 05:20

Theo chuyên gia, việc bán ra ngoại hối sẽ ảnh hưởng đến dự trữ trong bối cảnh xuất nhập khẩu ngày càng cao, vì vậy có thể điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên khoảng 1-2% nữa hoặc nới rộng biên độ tỷ giá.

>>Tăng cung vàng và tỷ giá

Tại họp báo quý I của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 19/4, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ đã công bố các biện pháp can thiệp mạnh mẽ của NHNN nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong quý đầu năm 2024.

Ở thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức khoảng trên dưới 90 tỷ USD, tương đương với 3 tháng nhập khẩu

Ở thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức khoảng trên dưới 90 tỷ USD, tương đương với 3 tháng nhập khẩu

Theo đó, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với mức 25.450 đồng, nhằm chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 và ổn định tâm lý thị trường. Biện pháp này đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực, khiến giao dịch ngoại tệ giảm xuống dưới mức bán ra của NHNN, thể hiện sự quản lý chủ động và kịp thời của cơ quan điều hành trong việc đảm bảo nguồn cung ngoại tệ thông suốt và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN - ông Đào Minh Tú - cũng đã lý giải về sự biến động của tỷ giá từ đầu năm 2024 đến nay, một phần nguyên nhân tới từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất trong năm nay, nhưng đến hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Lạm phát của Mỹ còn ở mức cao, thị trường lao động nước này vẫn tích cực, gây áp lực lên tỷ giá và khiến các đồng tiền khác mất giá trước đồng USD.

“Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong tương lai, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và sẵn sàng can thiệp nếu như có những tác động bất lợi lên tỷ giá. Việc quản lý tỷ giá sẽ không cố định mà cần phải linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và nhằm tránh những tác động mạnh từ thế giới, đồng thời tạo sự cân đối và hài hòa cho nền kinh tế”, ông Tú khẳng định.

>>Áp lực tỷ giá không đáng ngại

Có thể thấy trong thời gian gần đây tỷ giá đã có sự biến động mạnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital - phân tích, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,61%. Đặc biệt bắt đầu từ ngày 1/4 cho đến ngày 15/4 có mức độ tăng mạnh mẽ, thậm chí tăng 0,5% chỉ trong một ngày.

Đồng thời, tỷ giá do ngân hàng thương mại bán ra từ đầu năm cũng tăng gần 4%, nghĩa là chúng ta đang chấp nhận một phần của tỷ giá, vì đều nhìn thấy rõ rằng ở thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức khoảng trên dưới 90 tỷ USD, tương đương với 3 tháng nhập khẩu.

“Theo quan điểm của tôi, với điều kiện phải đảm bảo 3 tháng nhập khẩu mà nền kinh tế Việt Nam có tốc độ xuất nhập khẩu ngày càng cao, nếu phải bán ra ngoại hối sẽ rất ảnh hưởng đến dự trữ. Chưa kể liên quan đến tăng cung vàng miếng, nếu phải nhập khẩu vàng thì sẽ tốn một lượng dự trữ ngoại hối nhất định. Tôi cho rằng chúng ta có thể điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên khoảng 1 - 2% nữa, thì toàn bộ thị trường vẫn được đáp ứng hoặc nới rộng biên độ tỷ giá.

Còn trong trường hợp phải bán ngoại tệ thì sẽ rơi vào trường hợp mua bán ngoại tệ kỳ hạn và kỳ hạn phải khá dài, nhằm để các ngân hàng thương mại có thể giảm trạng thái ngoại hối âm xuống. Tuy nhiên trong đó có  một điểm nữa cần quan sát chặt chẽ là vấn đề chênh lệch lãi suất”, ông Tuấn lưu ý.

Với quan điểm tương tự, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, các biến động về tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của NHNN và chưa cần thiết phải dùng đến các biện pháp can thiệp bằng dự trữ ngoại hối.

Theo đó, chỉ số DXY đã tăng mạnh kể từ đầu năm và là nguyên nhân chính khiến VND suy yếu. Mặt khác, những biến động tỷ giá gần đây còn có liên quan đến các yếu tố lịch sử và mùa vụ của thị trường Việt Nam, như nhu cầu ngoại tệ thường tăng trong quý đầu năm do các doanh nghiệp cần quyết toán tài chính. Tuy nhiên, những biến động này là phù hợp với xu hướng chung và không cần đến sự can thiệp của NHNN vào thời điểm này.

Có thể bạn quan tâm

  • Rủi ro tăng tỷ giá với nhóm cổ phiếu nào?

    12:00, 15/04/2024

  • Tăng cung vàng và tỷ giá

    05:00, 13/04/2024

  • Fed chưa cắt giảm lãi suất, Trung Quốc ưu tiên ổn định tỷ giá

    05:20, 09/04/2024

  • Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa

    05:20, 08/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp ổn định tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO