Khi các thương hiệu ngày càng chú ý đến những kênh âm thanh để tiếp cận khách hàng, muốn tạo dựng đặc trưng âm thanh cho riêng mình, thì Giám đốc âm nhạc trở thành một vị trí đóng vai trò quan trọng.
>>The Coffee House phá vỡ "lời nguyền"
Vừa mới chân ướt chân ráo bước vào Coffee House, tân Giám đốc vận hành, ông Bùi Tuấn Linh lập tức trình bày với ban lãnh đạo một kế hoạch nghe có vẻ “chơi chơi”: Ông muốn xây dựng một đội chuyên… chọn nhạc để phát ở quán cà phê.
Thoạt nghe thì có vẻ “chẳng liên quan gì đến cà phê”, nhưng thực ra lại rất quan trọng với chiến lược định vị của Coffee House. Ông Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc chuỗi khi ấy có một quan điểm rất vững chắc:
“Người Việt vào quán cà phê để kiếm chỗ trao đổi, tụ tập, và hưởng không khí ở đấy”. Bởi vậy, chuỗi Coffee House rất chú trọng xây dựng nên một không gian thoải mái, một không khí dễ chịu trong quán cà phê.
Không gian thoải mái, không khí dễ chịu thì bên cạnh phần nhìn (là màu sắc, thiết kế, trang trí của quán), ngửi (mùi cà phê, mùi bánh trong quán), phần nghe cũng đóng một vai trò cũng rất quan trọng.
Ông Linh muốn âm nhạc trong quán phải có phong cách, phù hợp không gian, phù hợp thị hiếu và khách hàng phải cảm thấy thoải mái khi nghe. Mỗi khung giờ, khách hàng thường có tâm trạng thế nào thì âm nhạc phải tương ứng như thế. Đầu giờ sáng nhạc phải sảng khoái, nhiều năng lượng. Buổi trưa nhạc truyền động lực nhưng lại phải nhẹ nhàng, không làm phiền. Buổi tối thư giãn. Miền Nam nhạc khác, miền Bắc nhạc khác. Trời nắng nhạc khác, trời mưa nhạc khác. Tóm lại là “Đúng nhạc, đúng thời điểm”.
Đây là một bài toán khá khó, nên mặc dù Coffee House thuê hẳn một DJ chuyên nghiệp nhưng có vẻ vẫn chưa thực hiện được tiêu chí “Đúng thời điểm”.
Coffee House đề ra ý tưởng này không phải để chơi trội, mà thực tế những công việc chọn nhạc đó đang ngày càng đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, tạo thành một vị trí cấp chiến lược: Giám đốc âm nhạc (Chief Music Officer - CMO).
>>Thử thách mới đang chờ cựu CEO Coffee House
Năm 2020, công ty Headspace bổ nhiệm John Legend, một nhạc sĩ - ca sĩ người Mỹ, làm giám đốc âm nhạc. Còn thương hiệu fitness Orangetheory chỉ định DJ nổi tiếng Steve Aoki làm giám đốc âm nhạc vào Tháng Ba.
Như vậy có thể thấy cả hai công ty này đều bổ nhiệm một người nổi tiếng giữ chức giám đốc âm nhạc. Theo chuyên gia thương hiệu âm thanh Garrett Crosby, những nhạc sĩ như Legend hay DJ như Aoki thực sự rất phù hợp với vị trí CMO.
Ông chỉ ra rằng với những công ty như Orangetheory hay Headspace, việc có một nhạc sĩ hoặc DJ nổi tiếng như vậy về làm việc quả thật rất có ý nghĩa. Bởi vì họ có thể giúp khẳng định lại văn hóa công ty và giám tuyển âm nhạc dài lâu.
Bà Tammie DeGrasse-Cabreta, giám đốc tiếp thị cấp cao toàn cầu của Orangetheory cho biết, xuất thân là một DJ, Aoki sẽ rất quan tâm đến những khía cạnh như các nhịp beat trên mỗi phút. Yếu tố này có thể tạo nên sự liên quan đến nhịp tim trong các lớp tập thể lực. Ngoài ra sự nổi tiếng của Aoki cũng có thể giúp Orangetheory thu hút thêm người đăng ký.
Hiện tại Aoki đã đưa ra danh sách nhạc cho bốn lớp học “All Out with Aoki”. Trong thời gian tới Orangetheory dự kiến xuất bản 10 loạt bài tập thể lực do Aoki làm DJ.
Ngoài ra Aoki cũng chịu trách nhiệm một số công việc khác, chẳng hạn tạo các bản nhạc cho những chiến dịch quảng cáo và hỗ trợ thành lập ban cố vấn âm nhạc, hỗ trợ các huấn luyện viên của Orangetheory tạo ra danh sách chơi nhạc của riêng họ.
Lauren McGuire, chủ tịch đơn vị xây dựng thương hiệu âm thanh Made Music Studio, đưa ra dự đoán về một số loại hình công ty cần chú ý đến vị trí giám đốc âm nhạc.
Loại hình đầu tiên là những công ty “dựa vào âm nhạc”, chẳng hạn những thương hiệu thể hình, thể dục hoặc sức khỏe. Các nhà bán lẻ như Abercrombie & Fitch hoặc những cửa tiệm như Starbucks (hay Coffee House của Việt Nam) cũng rất cần vị trí này để đưa ra những giai điệu nhạc phù hợp nhất cho không gian bán hàng của họ.
Và sự thực thì các thương hiệu này cũng đã có người chuyên giám tuyển âm nhạc. Ví dụ Abercrombie xác nhận rằng họ có một “điều phối viên âm nhạc” để thực hiện các quy trình như xin cấp phép sử dụng bản nhạc. Starbucks cũng có 2 nhân viên với nhiệm vụ giám tuyển các danh sách chơi nhạc để phát trong các cửa hàng ở Mỹ.
Một loại hình công ty khác cũng cần giám đốc âm nhạc là những công ty “nỗ lực để xây dựng thương hiệu với mối quan hệ sâu sắc với âm nhạc”, chẳng hạn PepsiCo và Apple.
PepsiCo cũng có một đơn vị làm nhạc nội bộ tên là Shakermaker với năm nhân viên. Họ có nhiệm vụ tư vấn cho công ty mọi vấn đề liên quan đến âm nhạc, từ giấy phép bài hát đến kết nối với các nghệ sĩ.
Ông Steve Goldberg, phó chủ tịch chiến lược của công ty tư vấn Sparks & Honey, cho biết dường như các thương hiệu bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến việc tích hợp âm nhạc trong kế hoạch kinh doanh kể từ khi đại dịch bắt đầu. Bởi vì lúc đó họ biết rằng mình có thể tiếp cận được khách hàng thông qua một kênh mà xưa nay có thể bị xem nhẹ. Đó là âm nhạc - âm thanh.
Do đó, ngay cả với những thương hiệu không tập trung quá nhiều vào trải nghiệm âm nhạc của khách hàng, thì việc đầu tư nhiều hơn vào mảng âm nhạc vẫn đem lại những giá trị nhất định. Ví dụ như chắc chắn nhiều người Việt Nam vẫn còn nhớ giai điệu “rao kem” khắp phố phường của kem Wall một thời.
Thành thử, nếu nhiều công ty có thể có nhà thiết kế nằm vị trí cấp chiến lược, thì tại sao âm nhạc lại không thể đạt được tầm quan trọng như vậy?
Có thể bạn quan tâm