“Sau 20 năm, tôi vẫn là giám đốc điều hành là một thất bại” - ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, TGĐ- CTCP XNK Nam Thái Sơn, Doanh nhân VN tiêu biểu năm 2022 nói.
>>Khai giảng chương trình đào tạo "Giám đốc điều hành thời 4.0"
Tại lễ khai giảng chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành thời 4.0”, chia sẻ với các tân học viên niên khóa 2023, ông Trần Việt Anh tuyên bố: “Tôi là một giám đốc điều hành bất đắc dĩ. Ở công ty tôi, sau 20 năm, tôi vẫn là giám đốc điều hành là một thất bại, thất bại trong việc tuyển người làm giám đốc điều hành cho công ty tôi”.
Ông quan niệm, nhân sự giống như một cái giếng nước, phải có ra và có vào. Nếu không ra vào thì nước sẽ bị tù đọng.
Thành thử, đối với ông Việt Anh, đào tạo đội ngũ kế cận cũng là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ của riêng các giám đốc, mà là của tất cả các cấp lãnh đạo. Với mỗi một lãnh đạo, quản lý mới nhậm chức, ông luôn giao nhiệm vụ “phải đào tạo được người làm được đúng vị trí của anh/chị bây giờ”.
Tuy vậy, tuyển lãnh đạo nói chung, hay cụ thể là tuyển giám đốc điều hành là một điều chưa bao giờ dễ dàng. Cứ 6 tháng, công ty ông Việt Anh lại mở chiến dịch tuyển giám đốc một lần, cả tự tìm lẫn thuê các công ty săn đầu người chuyên nghiệp. Trong trụ sở công ty có hẳn một lầu “tổng giám đốc”. Sau 20 năm vẫn chưa tìm được người “vào ngồi”. Điều đó để nhấn mạnh, giám đốc điều hành là một “của quý, hiếm” ở trên thị trường.
Giám đốc điều hành giỏi là một điều khao khát của các chủ doanh nghiệp. Chính vì thế, giám đốc điều hành đầu tiên là phải có khát vọng lớn, phải là cánh tay phải của người lãnh đạo. Phải làm sao để cứ mỗi cuộc họp khó khăn nhất, giám đốc đều được các lãnh đạo gọi lên để thảo luận, bàn bạc ý kiến.
Ông Việt Anh nói vui, một giám đốc điều hành mà không có va chạm, không bị nhân viên ghét, nói xấu thì không phải là một giám đốc điều hành làm việc tốt. Nhưng bù lại, nếu làm tốt, giám đốc điều hành sẽ có được nhiều người thương, chính là các khách hàng.
Quản trị tài chính cho CEO thời gió ngược
Theo ông Việt Anh, sau 30 năm làm kinh tế thị trường, Việt Nam đã trải qua 3 lần khủng hoảng. Lần đầu tiên là năm 1997. Lần thứ 2 là năm 2008 và lần thứ 3 chính là hiện tại. Năm 2023 là lần khủng hoảng lớn nhất, khó khăn nhất.
Tất cả các công ty trong giai đoạn này đều đặt lên bàn một kế hoạch cắt giảm chi phí. Nhân sự có mức lương trên 100 triệu là đưa vào vòng xem xét cắt giảm. Bởi vì nếu công ty không có đơn hàng, không có dòng hàng thì có nhân sự giỏi cũng khó có đất dụng võ.
Chính vì thế thị trường đang xảy ra một hiện tượng là có một làn sóng các giám đốc điều hành tháo chạy. Thành thử, những giám đốc, nhưng quản lý nào còn trụ lại được với công ty là những người kiên cường nhất, có khát khao nhất và rất đáng trân trọng.
Giai đoạn khó khăn này sẽ thể hiện ra được bản lĩnh của một giám đốc điều hành. Vượt qua được năm 2023 là một chiến tích. Ông chúc các học viên chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành thời 4.0” niên khóa 2023 sẽ làm được như vậy.
Có thể bạn quan tâm