Thông tư Bộ Tài chính quy định về lệ phí đăng ký doanh nghiệp, được đánh giá là tiện lợi hơn, rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng “rẻ” nhưng có dễ thực hiện hay không lại là một chuyện khác.
Rẻ nhưng phải dễ thao tác, thực hiện…
Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC, ngày 05/8/2019 của Bộ Tài chính ban hành về việc quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp thì: “Mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần (hiện hành là 100.000 đồng/lần). Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sẽ được “miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp”. Các mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành, trừ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm còn 100.000 đồng/lần (giảm 200.000 đồng so với hiện hành).
Như vậy, theo quy định tại thông tư nêu trên, có thể nói, đây là bước cải cách thủ tục hành chính có nhiều điểm tích cực, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng “rẻ” nhưng có dễ thực hiện hay không sẽ là một vấn đề khác.
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nhật Quang, cho rằng: Về mặt tích cực của thông tư theo quy định về biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, cụ thể, “lệ phí đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là 50.000 đồng/lần; Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, bao gồm: Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chỉ còn là 20.000 đồng/bản… ở thời điểm hiện nay là phù hợp với thực tiễn.
"Tuy nhiên, hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp vẫn còn có rất nhiều bất cập. Cụ thể, thủ tục xét duyệt cho các đối tượng được hưởng ưu đãi còn quá phức tạp, quá rườm rà khiến các doanh nghiệp không hào hứng tham gia. Rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn về các thủ tục hành chính chưa gọn lẹ, gây phiền toái và mất thời gian của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài và quản lý tài chính khá phức tạp là một trong những cản trở đối với việc triển khai nhanh các dự án cũng như mở rộng quy mô của nó cho phù hợp với sự chuyển biến năng động và liên tục của thị trường và của doanh nghiệp" – ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, nếu theo báo cáo khảo sát của Cục Thống kê TP. HCM, hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh doanh phi chính thức đang là thành phần kinh doanh lớn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các đối tượng này thiếu động cơ thành lập doanh nghiệp vì ngại phiền phức về các vấn đề pháp lý, thủ tục thuế, thiếu am hiểu quản lý vận hành doanh nghiệp. Trong số đó có tới 73% cơ sở sản xuất không có ý định chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp.
Ngoài ra, các khó khăn doanh nghiệp gặp phải như thiếu vốn (chiếm đến 60%), thủ tục hành chính, cạnh tranh kém, thiếu nhân lực, mặt bằng sản xuất, giá thành cao… dẫn đến sự bế tắc trên con đường khởi nghiệp.
"Vì vậy, việc giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp là ưu điểm của thông tư lần này, tuy nhiên, phải dựa trên cơ sở dễ thực hiện, khâu hướng dẫn phải gọn lẹ, dễ dàng để kích thích doanh nghiệp tham gia thực hiện. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng rẻ nhưng không có mà mua, rẻ, miễn phí mà không dễ thực hiện… sẽ là điểm hạn chế và phản tác dụng của thông tư" – ông Vinh nhấn mạnh.
…để tháo gỡ những bất cập…
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thuấn – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Quang, chia sẻ: Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC, ngày 05/8/2019 của Bộ Tài chính ban hành về việc quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay là tương đối kịp thời.
Tuy nhiên, trên cơ sở phải dễ thực hiện để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Song song đó, cũng cần phải xử lý những bất cập đang là rào cản khiến các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà trong việc chủ động thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh.
Cụ thể, hiện tại các điều kiện đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư phải đáp ứng khi thành lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành còn chưa rõ ràng. Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức: Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, Chứng chỉ hành nghề, Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Văn bản xác nhận…
Nếu căn cứ theo quy định trên thì một số điều kiện như “văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác, các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản”, vẫn còn quá chung chung và mập mờ.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, tự do thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Như vậy, có thể thấy, các quy định về điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Trước hết, nó làm tăng đáng kể chi phí “gia nhập” vào thị trường kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có giấy phép, và cả các chi phí kinh doanh nói chung đối với doanh nghiệp.
Mặt khác nó gây rủi ro trong kinh doanh và giảm mức độ tuân thủ pháp luật. Nhà đầu tư và doanh nghiệp không hiểu và biết được phải làm và làm thể nào để “đúng”, “đủ” và “phù hợp” với quy định của pháp luật. Do đó, doanh nghiệp không thể tiên liệu được là việc xin phép có thể đạt được kết quả như dự tính hay không.
"Có thể thấy chính hệ thống các quy định về không rõ ràng về điều kiện kinh doanh đã và đang trở thành rào cản lớn, ngăn chặn tiến trình gia nhập thị trường của nhà đầu tư" – ông Thuấn nói.
…và đi vào cuộc sống, thực tiễn
Nhận định về góc độ pháp lý và một số bất cập, hạn chế về thủ tục đăng ký kinh doanh, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á, cho rằng:
Thứ nhất, hạn chế trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cụ thể là Luật Doanh nghiệp năm 2005 và hiện tại là Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều có quy định ngoại trừ áp dụng đối với lĩnh vực chuyên ngành.
Theo Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”.
Theo đó Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn chỉ áp dụng đối với chủ thể kinh doanh như công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân… hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà không phục vụ đăng ký các loại hình kinh doanh khác trong các lĩnh vực đặc thù như: ngân hàng liên doanh, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty bảo hiểm...
Vì vậy, việc cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư giảm chi phí, thời gian gia nhập thị trường cũng như những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 78/2015/NĐ-CP) không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng.
Đối với doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp vẫn chịu sự chi phối có tính quyết định bởi pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực này không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các tỉnh, thành phố, mà đăng ký tại cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của Luật chuyên ngành. Hệ quả của nó là các quy định thông thoáng về thủ tục đăng ký kinh doanh tại luật doanh nghiệp bị vô hiệu hóa bởi pháp luật chuyên ngành.
Có thể bạn quan tâm
14:52, 27/12/2017
09:26, 26/03/2017
13:38, 22/03/2017
Thứ hai, các quy định về đặt tên doanh nghiệp còn cản trở quyền tự do thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư, cụ thể: Việc quy định về tên doanh nghiệp đã được luật hóa tại Điều 38, 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Và tại Chương III Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, cụ thể, cấm đặt tên doanh nghiệp trong các trường hợp: “Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký quy định tại Điều 42 của Luật Doanh nghiệp năm 2014; Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Tuy nhiên, việc xác định cụ thể các nhân vật là danh nhân, nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, thì không có căn cứ rõ ràng. Những quy định chung chung như trên đã gây ra nhiều lúng túng cho nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, dẫn đến sự từ chối “tùy tiện” của cơ quan quản lý trong cấp đăng ký doanh nghiệp, chưa đảm bảo quyền tự do thành lập doanh nghiệp, trong đó có quyền đặt tên cho doanh nghiệp của nhà đầu tư.
Thứ ba, bất cập trong quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Đối với từng loại hình doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập sẽ được yêu cầu chi tiết thành phần hồ sơ, từ Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”.
Tuy nhiên vẫn còn có quy định đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép “cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành”. Đơn cử, ở lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp …
Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác.
"Do đó, Thông tư số 47/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi về tới các địa phương cần phải được cụ thể hóa theo tính chất dễ hiểu, dễ làm để tạo hiệu ứng cho doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp hưởng ứng tham gia để thông tư đi vào cuộc sống, thực tiễn" – Luật sư Vân nói.