Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 1): Vai trò của năng lực sản xuất quốc gia

PGS. TS. CHU KHÁNH LÂN - Học viện Ngân hàng 15/11/2023 03:52

Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để một quốc gia tăng trưởng kinh tế bền vững.

>>Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc

Phân tích sự thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Israel cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kết hợp hiệu quả giữa vai trò của Nhà nước và thị trường, lựa chọn và triển khai các chính sách công nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tận dụng được tri thức và các nguồn lực từ bên ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc tác động tới các hộ gia đình, doanh nghiệp, ngành nghề, quốc gia, khu vực và toàn cầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự phân tách về chính trị, công nghệ, kinh tế trong thời gian gần đây và tiến xa hơn có thể là văn hóa, xã hội sẽ tiếp tục làm xói mòn các nền tảng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế thế giới trong vòng ba thập niên vừa qua.

fff

Việc nghiên cứu các nhân tố tác động tới biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất các chính sách ứng phó, giúp nền kinh tế phục hồi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Trước tình hình này, việc nghiên cứu các nhân tố tác động tới biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất các chính sách ứng phó, giúp nền kinh tế phục hồi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô đã chỉ ra các cú sốc như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả biến động, thiếu hụt năng lượng, gia tăng biến động chính trị, bất ổn thị trường tài chính và mở cửa thương mại… là các nguyên nhân chủ chốt dẫn tới biến động kinh tế vĩ mô (di Giovanni và Levchenko, 2009; Easterly và cộng sự, 2000; Klomp và de Haan, 2009). Bên cạnh đó, chất lượng thể chế, đa dạng hóa xuất khẩu và dòng kiều hối là các nhân tố có thể giảm thiểu hoặc khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc tới nền kinh tế (Balavac và Pugh, 2016; Klomp và de Haan, 2009).

Một số nghiên cứu đã chỉ ra các quốc gia kém phát triển với danh mục hàng hóa đơn giản và cơ cấu xuất khẩu thiếu đa dạng đã phải đối mặt nhiều hơn với bất ổn kinh tế vĩ mô (Imbs và Waczirag, 2013; Koren và Teneyro, 2007; Krishna và Levchenko, 2013). Koren và Teneyro (2007) và Krishna và Levchenko (2013) nhận thấy các nước nghèo thường tập trung vào sản xuất các hàng hóa có giá cả biến động cao và phải thường xuyên đối mặt với biến động kinh tế vĩ mô do sự thiếu ổn định từ các nguồn thu xuất khẩu.

Một trường phái kinh tế gần đây thu hút được sự quan tâm của các nhà điều hành chính sách và nghiên cứu kinh tế là năng lực sản xuất  hay mức độ phức tạp kinh tế. Mức độ phức tạp kinh tế là một khái niệm phản ánh năng lực của một quốc gia sản xuất ra nhiều loại hàng hóa có mức độ phức tạp cao. Khái niệm mức độ phức tạp kinh tế đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như tăng trưởng kinh tế (Dam và Frenken, 2020; Felipe và cộng sự, 2012; Ferrarini và Scaramozzino, 2016), bất bình đẳng (Chu và Hoang, 2020; Hartmann và cộng sự, 2017) và môi trường (Payne và cộng sự, 2023; Chu, 2021).

Hausmann và Hidalgo (2009) giả định mức độ phức tạp kinh tế được phản ánh thông qua mức độ đa dạng của năng lực sản xuất và sự kết nối các năng lực sản xuất trong một mạng lưới sản xuất quốc gia. Diễn đạt theo một cách khác, một nền kinh tế được cho là phức tạp (có mức độ phức tạp kinh tế cao) không chỉ sở hữu nhiều tri thức sản xuất hiện đại thông qua mạng lưới rộng lớn người lao động, doanh nghiệp, ngành nghề mà còn có thể vận dụng hiệu quả các tri thức này vào để sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp cao.

Kế đó, Hausmann và cộng sự (2014) sử dụng hai khái niệm mức độ đa dạng (diversity) và phổ biến (ubiquity) của hàng hóa do một quốc gia sản xuất (và xuất khẩu) để đo lường mức độ phức tạp kinh tế. Mức độ đa dạng đo lường số lượng hàng hóa một quốc gia có thể sản xuất một cách hiệu quả còn mức độ phổ biến đo lường số lượng quốc gia có thể sản xuất hàng hóa đó một cách hiệu quả.

Những lập luận trên của Hausmann và cộng sự (2014) có nguồn gốc từ ý tưởng của Adam Smith về sự thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc vào chuyên môn hóa lao động. Khi người lao động và doanh nghiệp sản xuất và trao đổi các loại hàng hóa khác nhau dựa vào năng lực sản xuất của riêng họ, hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, nếu như các quốc gia có thể trao đổi hàng hóa trên một thị trường toàn cầu nhờ vào quá trình toàn cầu hóa, thì vấn đề cốt lõi là: đâu là nguyên nhân của sự khác biệt về thu nhập (xa hơn sự thịnh vượng) của các quốc gia trong nhiều thập kỉ vừa qua? Câu trả lời có thể là do có một vài hoạt động hay nhân tố sản xuất không thể (hoặc không dễ dàng) trao đổi như cơ sở hạ tầng, thể chế, quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng lao động… trong khi chúng là điều kiện căn bản để các quốc gia sở hữu chúng có thể sản xuất được một số loại hàng hóa.

>>Thế giới biến đổi tác động thế nào tới kinh tế vĩ mô Việt Nam?

Một điểm nữa cần lưu ý là trong khi các quốc gia giàu có sản xuất được nhiều sản phẩm hơn (tính trên mỗi đơn vị lao động) so với quốc gia nghèo, các quốc gia giàu có cũng sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp hơn nhiều (khó sản xuất hơn).

Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế không thể được giải thích đơn thuần là kết quả của việc tích lũy liên tục các yếu tố đầu vào cho sản xuất như vốn và lao động (và tất nhiên là quy mô sản lượng được tính toán một cách đơn thuần mà không phân tích các cấu phần và mối quan hệ giữa các cấu phần tạo nên nó). Quá trình phát triển kinh tế là sự tiến lên trong các “nấc thang” của các sản phẩm theo mức độ phức tạp của chúng, đòi hỏi cần có các yếu tố đầu vào sản xuất có trình độ cao hơn.

Sản xuất các hàng hóa khác nhau đòi hỏi các loại tri thức khác nhau với trình độ khác nhau. Tri thức tồn tại dưới ba dạng là tri thức nằm trong các công cụ lao động, tri thức ẩn chứa trong các công thức sản xuất và tri thức nằm trong các bí quyết và kỹ năng của người lao động. Nếu như hai loại tri thức ban đầu có thể trao đổi tương đối dễ dàng giữa người lao động, doanh nghiệp và quốc gia thì loại tri thức thứ ba rất khó trao đổi, và buộc phải diễn ra trong một quá trình chuyển giao, học hỏi lẫn thử nghiệm lâu dài và tốn kém.

Hàng hóa càng hiện đại thì càng ẩn chứa nhiều tri thức loại thứ ba, đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa những người lao động nắm giữ loại tri thức này. Từ đó, có thể nhận thấy năng lực sản xuất của một quốc gia được thể hiện thông qua mức độ đa dạng của những năng lực sản xuất không thể trao đổi giữa các quốc gia. Sự khác biệt về năng lực sản xuất có thể giải thích phần lớn sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của mức độ phức tạp kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô là thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tri thức. Kết nối hai lĩnh vực nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô và năng lực sản xuất sẽ giúp chúng ta trả lời ba câu hỏi quan trọng sau.

Thứ nhất, nâng cao năng lực sản xuất có giúp quốc gia giảm thiểu được biến động kinh tế vĩ mô hay không?

Thứ hai, liệu ảnh hưởng của năng lực sản xuất tới biến động kinh tế vĩ mô có sự khác biệt giữa các nhóm quốc gia hay không?

So với các quốc gia thu nhập cao và trung bình cao, các quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp thường xuyên phải đối mặt với nhiều cú sốc trong khi chất lượng thể chế, năng lực quản trị quốc gia và nguồn lực ứng phó lại thấp hơn đáng kể. Hệ quả là các quốc gia này gặp phải tình trạng biến động kinh tế vĩ mô cao hơn và thường xuyên hơn so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Thứ ba, nâng cao năng lực sản xuất liệu có khuếch đại hay giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô hay không?

Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia là một quá trình phát triển các năng lực sản xuất mới dựa trên các năng lực sản xuất hiện tại. Do đó, năng lực sản xuất của một quốc gia được phản ánh qua một mạng lưới hàng hóa, lĩnh vực, ngành nghề có mức độ gắn kết với nhau. Mức độ phức tạp kinh tế càng cao thì mạng lưới liên kết năng lực sản xuất và hàng hóa càng chặt chẽ với nhau hơn. Do vậy, một cú sốc tác động tới một năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề bất kỳ có thể dễ dàng lan truyền sang các năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề khác.

Để trả lời ba câu hỏi trên, dữ liệu 122 quốc gia trong giai đoạn 1996 - 2019 được thu thập và phân chia thành hai nhóm 78 quốc gia thu nhập cao và trung bình cao và 44 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Ảnh hưởng của năng lực sản xuất quốc gia và cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô được đo lường thông qua một mô hình động.

Biến động kinh tế vĩ mô được đo lường bằng biến động tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người nhưng tính  tới tốc độ tăng trưởng bình quân theo phương pháp của da Silva và cộng sự (2017). Khi so sánh hai quốc gia có cùng độ lệch chuẩn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài thì quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn hơn sẽ có lợi thế hơn để bứt phá trong kinh tế đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu chỉ trong vài thập kỷ.

Năng lực sản xuất quốc gia, hay chỉ số phức tạp kinh tế do Hausmann và cộng sự (2014) xây dựng dựa trên dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu sẽ đại diện cho năng lực sản xuất quốc gia. Hausmann và cộng sự (2014) đã vận dụng lý thuyết về lợi thế so sánh biểu lộ và phương pháp phân tích thành phần chính để rút ra đặc điểm chung của dữ liệu thương mại cho phép hình thành dữ liệu về mức độ phức tạp kinh tế cho từng quốc gia.

>>Giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô trong năm 2023

Cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa (Beck và cộng sự, 2006; Ćorić và Pugh, 2013; Yang và Liu, 2016) và cú sốc giá cả (Ahmed và Suardi, 2009; Balavac và Pugh, 2016; Gnangnon, 2023; Williams, 2014) được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của các cú sốc tới biến động kinh tế vĩ mô. Áp dụng phương pháp ước lượng tổng quát hóa moment vào ước lượng tác động của năng lực sản xuất quốc gia và các cú sốc tới mức độ biến động kinh tế vĩ mô3 đưa ra câu trả lời cho ba câu hỏi trên như sau:

Thứ nhất, nâng cao mức độ phức tạp kinh tế hay năng lực sản xuất giúp một quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô, trong trường hợp các yếu tố khác không đổi.Nói cách khác, năng lực sản xuất gia tăng giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nhưng ít bị biến động hơn. Ảnh hưởng tích cực này khá tương đồng với kết quả của một số nghiên cứu trước đây về vai trò của mức độ phức tạp kinh tế (Nguyen và Schinckus, 2022), đa dạng hóa xuất khẩu (Bejan, 2006; Bacchetta và cộng sự, 2007; Haddad và cộng sự, 2013) và đa dạng hóa cấu trúc kinh tế (Joya, 2015) trong giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô. Ở góc độ vi mô, một doanh nghiệp với nhiều năng lực sản xuất có thể ứng phó tốt hơn với các cú sốc thông qua nhiều cơ chế.

Cơ chế thứ nhất dựa vào sự phân phối các năng lực sản xuất trong nền kinh tế. Khi người lao động được chuyên môn hóa, quá trình tái phân phối các năng lực sản xuất từ các doanh nghiệp thiếu hiệu quả sang các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn khi có biến động kinh tế xảy ra sẽ dễ dàng hơn (Haltiwanger, 2011). Quá trình này nếu diễn ra nhanh và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng được với các cú sốc kinh tế, giúp các hoạt động và chỉ tiêu kinh doanh ít biến động hơn.

Ở cơ chế thứ hai, doanh nghiệp với lao động có trình độ tri thức cao, công nghệ hiện đại sẽ sản xuất các sản phẩm phức tạp, có độ co giãn cầu thấp, từ đó chịu ít ảnh hưởng từ các cú sốc từ phía cầu (Kraay và Ventura, 2007). Cơ chế thứ ba liên quan tới tính hiệu quả của thể chế quản trị các quan hệ sản xuất. Khi chuyên môn hóa được đề cao, người lao động thực hiện các công việc khác nhau sẽ được kết nối với nhau.

Ở phạm vi nền kinh tế, các thể chế kết nối các doanh nghiệp trong một thị trường có tính hiệu quả cao (Krishna và Levchenko, 2013). Các thể chế ở đây bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau từ chính trị, luật pháp cho tới kinh tế (Deephouse, 1999; Dacin và cộng sự, 2007; Koren và Tenreyro, 2007). Ví dụ, các hợp đồng với tính hiệu lực cao sẽ giúp quá trình phân bổ và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp và nền kinh tế hiệu quả hơn. Khi nền kinh tế biến động, sự hiệu quả của các thể chế này sẽ giúp khắc phục những xáo trộn trong nền kinh tế và đưa các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trở về trạng thái ổn định nhanh hơn với ít thiệt hại hơn.

Những lập luận kể trên cũng có thể áp dụng ở góc độ vĩ mô. Khi một cú sốc xảy ra ở một lĩnh vực bất kỳ, một nền kinh tế có nhiều năng lực sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua nhờ việc tập trung các nguồn lực để khắc phục và cải tiến những nguyên nhân (một hoặc một vài năng lực sản xuất kém) dẫn tới sự yếu kém ở chính lĩnh vực đó. Với nhiều lĩnh vực sản xuất, năng lực sản xuất đa dạng và thể chế hiệu quả, các nguồn lực trong nền kinh tế có thể nhanh chóng tái phân bổ từ các lĩnh vực đang gặp phải rủi ro sang các lĩnh vực vẫn duy trì được ổn định, giúp cho tổng thể nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng.

Hơn nữa, trong các nền kinh tế có mức độ phức tạp kinh tế cao, ít xảy ra trường hợp một hoặc một vài lĩnh vực chiếm tỷ trọng quá lớn về vốn và lao động trong tổng thể nền kinh tế. Do mỗi lĩnh vực chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối thấp trong tổng thể nên một cú sốc xảy ra với một hoặc một vài lĩnh vực sẽ ít có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Thứ hai, nâng cao năng lực sản xuất quốc gia giúp quốc gia thu nhập cao và trung bình cao hạn chế biến động kinh tế vĩ mô nhưng vai trò tích cực này không phát huy tác dụng tại quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Nghiên cứu của Breitenbach và cộng sự (2022) chỉ ra các nước có mức độ phức tạp kinh tế thấp cần nhiều thời gian hơn để nhận được ích lợi từ nâng cao năng lực sản xuất đối với ổn định kinh tế vĩ mô hơn các nước có mức độ phức tạp kinh tế cao.

Thứ ba, năng lực sản xuất quốc gia có khả năng khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô và mức độ khuếch đại là khác nhau giữa hai nhóm quốc gia. Năng lực sản xuất quốc gia càng cao thì ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc càng được lan truyền mạnh hơn tới nền kinh tế. Các nền kinh tế có mức độ phức tạp cao đồng nghĩa với mức độ liên kết cao giữa các hàng hóa và lĩnh vực. Hàng hóa càng phức tạp thì càng cần nhiều năng lực sản xuất liên quan tới nhiều lĩnh vực nên một nền kinh tế có mức độ phức tạp cao có sự kết nối chặt chẽ giữa các năng lực sản xuất.

Sự liên kết giữa các hàng hóa càng cao thì ảnh hưởng từ một cú sốc tới một hàng hóa hay một lĩnh vực, ngành nghề sẽ nhanh chóng được lan truyền ra các hàng hóa và các ngành khác. Như vậy, ảnh hưởng của việc gia tăng mức độ phức tạp kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô hoạt động như “một con dao hai lưỡi” khi có tác động trực tiếp làm giảm mức độ biến động tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời lại khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc tới nền kinh tế.

Tuy nhiên, ảnh hưởng khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế là khác nhau giữa nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao với nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Sự khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế lên ảnh hưởng cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa tại nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao là không có ý nghĩa thống kê trong giới hạn mức độ phức tạp kinh tế hiện tại.

Trong khi đó, ảnh hưởng khuếch đại tại nhóm quốc gia thu nhập trung bình và thấp là có ý nghĩa thống kê. Gia tăng mức độ phức tạp kinh tế lên mức độ cao hơn sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực của cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa lên biến động kinh tế vĩ mô gia tăng đáng kể đối với nhóm quốc gia này. Trái lại, sự khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế đối với cú sốc giá cả tại nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao lại mạnh hơn nhiều so với trường hợp tại nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Việc nhận biết và phân tích chính xác các cú sốc và ảnh hưởng khuếch đại của năng lực sản xuất quốc gia là rất cần thiết để có những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát biến động kinh tế vĩ mô.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo

  • Ahmed, A. D., & Suardi, S. (2009). Macroeconomic Volatility, Trade and Financial Liberalization in Africa. World Development, 37(10), 1623– 1636.
  • Balavac, M., & Pugh, G. (2016). The link between trade openness, export diversification, institutions and output volatility in transition countries. Economic Systems, 40(2), 273–287.
  • Beck, T., Lundberg, M., & Majnoni, G. (2006). Financial intermediary development and growth volatility: Do intermediaries dampen or magnify shocks? Journal of International Money and Finance, 25(7), 1146–1167.
  • Breitenbach, M. C., Chisadza, C., & Clance, M. (2022). The Economic Complexity Index (ECI) and output volatility: High vs. low income countries. Journal of International Trade and Economic Development, 31(4), 566–580.
  • Chu, L. K. (2021). Economic structure and environmental Kuznets curve hypothesis: new evidence from economic complexity. Applied Economics Letters, 28(7), 612–616.
  • Chu, L. K., & Hoang, D. P. (2020). How does economic complexity influence income inequality? New evidence from international data. Economic Analysis and Policy, 68, 44–57. https://doi.org/10.1016/j.eap.2020.08.004
  • Ćorić, B., & Pugh, G. (2013). Foreign direct investment and output growth volatility: A worldwide analysis. International Review of Economics and Finance, 25, 260–271.
  • da Silva, S. H. R., Tabak, B. M., Cajueiro, D. O., & Fazio, D. M. (2017). Economic growth, volatility and their interaction: What’s the role of finance? Economic Systems, 41(3), 433–444.
  • Dacin, M. T., Oliver, C., & Roy, J.-P. (2007). The legitimacy of strategic alliances: an institutional perspective. Strategic Management Journal, 28(2), 169–187.
  • Deephouse, D. L. (1999). To be different, or to be the same? It’s a question (and theory) of strategic balance. Strategic Management Journal, 20(2), 147– 166.
  • di Giovanni, J., & Levchenko, A. A. (2009). Trade openness and volatility.
  • Review of Economics and Statistics, 91(3), 558–585.
  • Easterly, W., Islam, R., & Stiglitz, J. E. (2000). Explaining Growth Volatility.
  • World Bank WP, (August 1999), 1–24.
  • Felipe, J., Kumar, U., Abdon, A., & Bacate, M. (2012). Product complexity and economic development. Structural Change and Economic Dynamics, 23(1), 36–68.
  • Ferrarini, B., & Scaramozzino, P. (2016). Production complexity, adaptability and economic growth. Structural Change and Economic Dynamics, 37, 52–61.
  • Gnangnon, S. K. (2023). Effect of the duration of membership in the GATT/WTO on economic growth volatility. Structural Change and
  • Economic Dynamics, 65(April), 448–467.
  • Haltiwanger. J. (2011). Globalization and Economic Volatility. In Bacchetta and Jansen, editors, Making Globalization Socially Sustainable. World Trade Organization/International Labor Organization, 2011.
  • Hartmann, D., Jara-Figueroa, C., Hidalgo, C. A., Guevara, M. R., & Aristarán, (2017). Linking Economic Complexity, Institutions, and Income Inequality. World Development, 93, 75–93.
  • Hausmann R., Hidalgo C.A., Bustos S., Coscia M., Simoes A., & Yildirim M.A. (2014). The Atlas of Economic Complexity: Mapping Paths to Prosperity. MIT Press.
  • Hidalgo, C. A., & Hausmann, R. (2009). The building blocks of economic complexity. Proceedings of the National Academy of Sciences, 106(26), 10570–10575.
  • Imbs, J., & Wacziarg, R. (2003). Stages of Diversification. American Economic Review, 93(1), 63–86.
  • Joya, O. (2015). Growth and volatility in resource-rich countries: Does diversification help? Structural Change and Economic Dynamics, 35, 38– 55.
  • Koren, M., & Tenreyro, S. (2007). Volatility and Development. The Quarterly Journal of Economics, 122(1), 243–287.
  • Kraay, A., & Ventura, J. (2007). Comparative Advantage and the Cross-Section of Business Cycles. Journal of the European Economic Association, 5(6), 1300–1333.
  • Krishna, P., & Levchenko, A. A. (2013). Comparative advantage, complexity, and volatility. Journal of Economic Behavior & Organization, 94, 314– 329.
  • Nguyen, C. P., & Schinckus, C. (2023). How do countries deal with global uncertainty? Domestic ability to absorb shock through the lens of the economic complexity and export diversification. Quality and Quantity, 57(3), 2591–2618.
  • Payne, J. E., Truong, H. H. D., Chu, L. K., Doğan, B., & Ghosh, S. (2023). The effect of economic complexity and energy security on measures of energy efficiency: Evidence from panel quantile analysis. Energy Policy, 177, 113547.
  • Williams, A. (2014). The effect of transparency on output volatility. Economics of Governance, 15(2), 101–129.
  • Yang, G., & Liu, H. (2016). Financial Development, Interest Rate Liberalization, and Macroeconomic Volatility. Emerging  Markets Finance and Trade, 52(4), 991–1001.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

    18:57, 03/10/2023

  • Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc

    09:20, 12/09/2023

  • Nền kinh tế vĩ mô nhiều biến động khiến startup Twiga Foods phải sa thải 33% nhân viên

    01:03, 23/08/2023

  • Thế giới biến đổi tác động thế nào tới kinh tế vĩ mô Việt Nam?

    17:41, 28/05/2023

  • Giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô trong năm 2023

    19:55, 20/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 1): Vai trò của năng lực sản xuất quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO