Với sự bùng nổ của công nghệ, các sản phẩm, dịch vụ “may đo” cho từng người, hay còn gọi là “cá nhân hóa”, cũng bùng nổ theo.
>>Vì sao Lego mua công ty công nghệ giáo dục?
Tuy nhiên, trong lĩnh vực mang tính “con người” cao như giáo dục thì có vẻ vẫn chưa có nhiều.
DĐDN đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Lê Hường, đồng sáng lập kiêm giám đốc Delfin - một startup “cá nhân hóa” việc học ngoại ngữ về con đường vẫn còn tương đối vắng này ở Việt Nam.
- Vì sao bà lại chọn con đường “cá nhân hóa”?
Trong 17 năm trực tiếp giảng dạy, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều học sinh thuộc đủ mọi lứa tuổi, trong rất nhiều khóa học khác nhau, và nhận thấy có một nghịch lý là học sinh thì khác nhau, muôn hình vạn trạng, trong khi chương trình và cách thức giảng dạy của chúng ta thì lại quá đồng nhất. Một hoạt động rất thành công ở lớp này, khi mang sang một lớp khác lại khiến học sinh thờ ơ. Một bài tập vừa sức với nhóm học sinh này lại thành quá khó với một nhóm học sinh khác. Những bài tập đúng sức và đúng chủ đề mà từng em quan tâm, thì tự dưng, một cách rất tự nhiên, các em sẽ tập trung vào nhiệm vụ học tập với sự hứng thú xuất phát từ thực tâm mình.
Cá nhân hoá trước tiên là cho phép học sinh được là chính mình với những mối quan tâm, những sở trường sở đoản của mình mà không bị phán xét, sau đó là cố gắng cho học sinh có cơ hội bộc lộ ra cái giỏi của mình. Khi đó việc học sẽ trở nên có ý nghĩa với cá nhân học sinh và cũng là ý nghĩa với những người làm giáo dục, như chúng tôi.
Ngoài ra, về mặt chuyên môn, các chương trình học phổ thông thường đáp ứng rất tốt các học sinh “khúc giữa”, nhưng lại không được phù hợp lắm với “2 đầu” là học sinh rất giỏi và dưới trung bình. Hai “đầu” này cần có những chương trình “may đo” riêng. Đây chính là “địa bàn” của “cá nhân hóa” và cũng là một “đại dương xanh” của thị trường để chúng tôi khai thác.
- Vậy bà và các cộng sự đang triển khai “cá nhân hóa” như thế nào?
Cá nhân hóa thực ra không phải là cái gì quá cao siêu cả, mà là sự lắng nghe và ghi nhận sự khác biệt của từng học sinh, để chọn ra cách “chạm” tới mỗi em một cách phù hợp nhất.
Cá nhân hoá còn có nghĩa là không áp đặt một con đường đi giống nhau cho tất cả học sinh. Để làm được điều đó thì ngay trong thiết kế, khung chương trình của Delfin đã rất linh động, cho phép học sinh đi theo những lộ trình khác nhau, và luôn có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên, liên tục làm mới các chương trình để phù hợp với học sinh. Trong 5 năm, chúng tôi đã thiết kế tới gần 40 khoá học khác nhau để phục vụ cho việc cá nhân hóa.
- Như vậy thì công sức phải bỏ ra là rất lớn?
Đúng vậy. Điều này yêu cầu toàn bộ đội ngũ đều phải rất tâm huyết và kiên trì. Bản thân giáo viên cần phải luôn điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy theo phản ứng của học sinh chứ không phải nhất nhất đi theo nội dung đã được chuẩn bị sẵn. Thay vì chỉ nhận những học sinh phù hợp với chương trình thiết kế sẵn, chúng tôi lại làm ngược lại, không ngừng thiết kế mới mới chương trình để phù hợp với học sinh.
- “Cá nhân hóa” là ý tưởng không mới nhưng vẫn chưa nhiều người làm vì, như chị vừa nói, tốn quá nhiều công sức. Vậy đội ngũ của bà đang vượt qua rào cản này như thế nào?
Hiện tại thì Delfin đang vượt qua bằng sức người. Trong việc theo đuổi cá nhân hoá thì khó khăn nhất là vấn đề nhân sự: Làm thế nào để tìm được và thu hút được những giáo viên tâm huyết và cũng tin tưởng vào đường hướng cá nhân hoá, có đủ năng lực để quan tâm tới từng học sinh và triển khai hoạt động giảng dạy theo đúng đường hướng.
- Hiện đang có nhiều ứng dụng (app) đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo bài học “cá nhân hóa” cho từng người dùng, bà đánh giá thế nào về việc này?
Đây cũng là một nỗ lực đáng trân trọng. Nếu có đủ sự đầu tư về chuyên môn để liên tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện, và được sử dụng kết hợp với mô hình học trực tiếp một cách hợp lí thì các ứng dụng như vậy cũng có sức mạnh đáng kể, nhất là ở các nội dung khu biệt.
Tuy nhiên tính cá nhân hoá trong môi trường học trực tiếp thì phức hợp hơn các thuật toán và mang nhiều yếu tố cảm xúc. Cá nhân hoá trong học tập trực tiếp giúp người học cảm thấy được lắng nghe và chia sẻ. Còn học với app thì có thể khá cô đơn và khó cho người học duy trì được động lực lâu dài so với học với giáo viên.
- Chọn con đường này, bà có điều gì mong muốn chia sẻ với các cha mẹ học sinh?
Tôi có hai điều muốn chia sẻ và nhắn nhủ tới các cha mẹ học sinh: Một là hãy lắng nghe con mình để điều chỉnh mức độ kì vọng cho phù hợp. Hai là xin hãy kiên nhẫn!
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm