Cha mẹ hết lòng vì việc học của con cái như vậy, nhưng chất lượng giáo dục - đào tạo còn chưa tương xứng, vẫn nặng về lý thuyết hàn lâm mà coi nhẹ việc thực hành.
>>Kỳ thi vào lớp 10: Góc nhìn thẳng
Đi qua tháng năm khói lửa bom đạn của chiến tranh, Việt Nam bước vào con đường hội nhập, phát triển. Sau mấy chục năm nỗ lực, đất nước đạt đã được những thành tựu lớn lao trong phát triển kinh tế, phần nào ước mong của Bác Hồ “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” thành hiện thực.
Song song với phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, quan tâm chi tiêu đầu tư vào chất lượng, hạ tầng giáo dục. Năm 2022 ngân sách nhà nước dành đến 275.709 tỷ đồng, chiếm 15.45% tổng chi ngân sách dành cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Từ đêm phụ huynh xếp hàng ở cổng trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông, TP Hà Nội chờ giờ mở cổng nộp hồ sơ.
Luật giáo dục năm 2019, Điều 14 quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau:
- Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
- Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
- Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
- Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
- Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
Hệ thống giáo dục tại Việt Nam hiện nay rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều tầng lớp trong xã hội với trường công lập, trường tư, trường quốc tế… chương trình học đa dạng phong phú.
Bên cạnh thành tựu sáng láng đó, giáo dục Việt Nam còn tồn tại những mảng màu tối u ám cùng nhiều bất cập. Có lẽ không ở đâu trên thế giới mà có cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, cả nhà thay ca nhau để giữ chỗ xin nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 như ở trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Cảnh náo loạn đạp đổ cả cổng trường, la hét, xô đẩy, chen lấn, giẫm đạp để giành lấy suất nộp hồ sơ cho con cháu nhập học thật buồn lại là chuyện cứ đến hẹn lại lên. Địa điểm giáo dục trẻ nhỏ thành đấu trường thể hiện cơ bắp, cơ miệng của người lớn chen lấn bất kể người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… thật xấu xí, phản giáo dục.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập.
Đến cấp học trung học cơ sở thì kỳ thi vào lớp 10 thành cuộc đua cam go như “cá chép vượt vũ môn” khi các cô cậu học sinh mới 14-15 tuổi phải gánh theo kỳ vọng của cha mẹ, gia đình vượt qua kỳ thi để rồi niềm vui thì đi qua, nhưng nỗi buồn thì ở lại với không ít cháu còn trong độ tuổi hoa niên.
Cha mẹ hết lòng vì việc học của con cái như vậy, nhưng chất lượng giáo dục - đào tạo còn chưa tương xứng, vẫn nặng về lý thuyết hàn lâm mà coi nhẹ việc thực hành. Cách thức đào tạo vẫn nặng về truyền đạt kiến thức mà coi nhẹ khả năng sáng tạo, phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Các trường chuyên thường chỉ là lò luyện “gà nòi” để đi thi chiếm giải quốc tế, nhưng phát minh, sáng chế, sáng tạo từ các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm có ứng dụng ra đời sống thì vẫn chưa thấy mấy. Có chăng là ở học sinh, sinh viên Việt Nam đã ra nước ngoài nghiên cứu, sáng tạo ra.
Cách dạy và học truyền thống này cản trở sự phát triển cá nhân và khả năng sáng tạo của người học. Chỉ có số ít các trường quốc tế mới tạo môi trường thuận lợi, chú trọng phát huy tối đa năng khiếu của học sinh về bất cứ lĩnh vực nào mà các em có thế mạnh.
Không ít sinh viên ra trường không xin được việc phải chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. Ảnh: Nam Nguyễn
>>Kỳ thi vào lớp 10: Xin đừng khoe điểm
Thực trạng có không ít học sinh tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm, trong khi tốn kém cho chi phí bốn năm học đại học là rất lớn, dẫn đến việc nhiều học sinh giỏi ở các vùng kinh tế còn kém phát triển như Hà Tĩnh, Quảng Bình… từ chối học lên đại học mà chọn con đường đi xuất khẩu lao động đúng kiểu “mì ăn liền”, ưu tiên giải quyết vấn đề kinh tế.
Đây là sự chảy máu chất xám, sức lao động cực kỳ lãng phí. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan họ không phải bỏ ra chi phí gì để nuôi lớn đào tạo các em, mà khi có đủ sức khoẻ trình độ thì các em lại sang phục vụ cho họ đổi lấy mức trả công so với công nhân sở tại là quá rẻ.
Giáo dục và đào tạo không đơn thuần là việc kinh doanh lấy lợi nhuận. Vào đại học bây giờ dễ dàng, khác xa với thế hệ cách đây 30 năm, nhưng chất lượng tấm bằng khi ra trường có vẻ chỉ tương xứng với số học phí, còn lối tư duy, trình độ, khả năng phần nhiều chưa đạt như kỳ vọng.
Bệnh thành tích vẫn còn là bệnh nan y trong giáo dục. Ở các bậc học tiểu học, trung học, số học sinh giỏi chiếm đa số nhưng bao nhiêu phần trăm là giỏi thật, nhiều giấy khen ảo để mát mặt bố mẹ là chính.
Trung thực trong giáo dục là điều tiên quyết, nhưng dường như lại bị coi nhẹ, như có trường đại học ở Hưng Yên để sinh viên mua chó robot trên Tabao về trình diễn rồi nhận đó là sản phẩm của sinh viên trường mình. Bệnh háo danh, sĩ diện vẫn còn nặng nề như vậy thì thật khó có nền giáo dục chất lượng, tiến bộ.
Tại các công ty lớn của nước ngoài, nhân viên được tuyển dụng hầu hết được đào tạo lại theo phương pháp, quy chuẩn của họ, không quan tâm đến việc nhân viên tuyển dụng có đúng chuyên ngành hay không. Đơn giản là doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh, phải áp dụng những gì mới nhất, hiệu quả nhất cho công việc sản xuất kinh doanh. Cái họ cần chưa hẳn là chuyên môn, mà họ hiểu người tốt nghiệp đại học đã nghiêm túc học hành, tuân thủ quy định làm theo yêu cầu của nhà trường trong thời gian dài thì chắc chắn cũng sẽ tồn tại trong công ty và thực hiện các yêu cầu từ các sếp có kinh nghiệm.
Chúng ta luôn hô hào, đổi mới, cải tiến phương pháp, nhưng có lẽ cái đầu tiên cần cải tiến đó là cần tôn trọng sự thật, cần dậy thật, học thật, đánh giá thật, kết quả thật. Đào tạo sự trung thực trước khi đào tạo kiến thức chuyên môn. Có trung thực ắt có tự trọng sẽ không có chuyện nhận vơ, hay sống ảo.
Chỉ có như vậy giáo dục Việt Nam mới xoá đi được các mảng màu tối xám, tạo dựng niềm tin cho toàn thể nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 13/06/2023
14:11, 06/06/2023
09:55, 02/06/2023
01:21, 13/05/2023