Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm sau khi đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế suy yếu. Tuy nhiên với áp lực lãi suất tăng thêm, mục tiêu ổn định lạm phát - tỷ giá vẫn đầy thách thức.
>>> Tỷ giá bất ổn liệu rồi sẽ ổn?
Nhìn lại cuối tuần trước, thị trường ngoại hối toàn cầu cũng như Việt Nam đã chứng kiến sự biến động đáng kể sau quyết định tăng thêm 0,75% lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 27/7.
Theo đó, đồng USD sau nhiều tháng tăng mạnh, đã ghi nhận mức suy yếu -0,51%, EUR yếu -0,06%. USD suy yếu là do dữ liệu GDP quý II âm và nhận định của FED sau cuộc họp FOMC tháng 7 rằng họ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong khi đó, đáng chú ý là với đồng EUR, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra quyết định tăng lãi suất với mức là 50 điểm cơ bản như một động thái xác nhận lạm phát tăng cao hiện nay đáng lo ngại hơn nhu cầu về tăng trưởng kinh tế hôm 21/7, giúp đưa đồng EUR sau khi bị hạ xuống ngang bằng, thậm chí có lúc thấp hơn so với USD, nhờ đó đã tăng giá trở lại. Tuy nhiên mức suy yếu của EUR tuần trước cho thấy sự hạn chế tăng giá so với USD, mà nguyên nhân là đến từ giá khí đốt tự nhiên tăng vọt khi Nga quyết định cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Trong rổ các đồng ngoại tệ chủ chốt, dữ liệu của Shinhan Bank Vietnam ghi nhận, tuần qua đồng JPY mạnh lên và hạ mức xuống 133 do chênh lệch lợi suất với Mỹ được thu hẹp và USD yếu. Riêng với nhóm các đồng tiền mới nổi, lại có sự mạnh lên do USD yếu và tâm lý rủi ro được cải thiện. Cũng theo Shinhan Bank Việt Nam, đồng BRL tăng tới +6,28% được tăng cường nhờ dòng vốn vào thị trường chứng khoán do giá hàng hóa tăng mạnh và đồng USD yếu trên toàn cầu. RUB ngược lại giảm -6,56%, nguyên nhân suy yếu do ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và nhu cầu về USD ngày càng tăng để trả nợ.
Có thể thấy đồng nội tệ của Việt Nam xuất hiện trong xu hướng tăng lên này của nhóm mới nổi, khi USD yếu đi, với mức tăng VND +0,27%. So với các đồng tiền khác trong khu vực đã có mức giảm mạnh trước đó, và nay bật tăng trở lại, thì mức tăng của VND lúc này là khá nhẹ. Song xu hướng tăng lên này đã và đang tiếp tục được kéo dài qua đến đầu tuần này.
>>> Áp lực lãi suất và thanh khoản
Tại ngày 1/8/2022, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, được NHNN công bố là 23.163 đồng, giảm tiếp 15 đồng so với giá công bố cuối ngày 29/7 và 38 đồng phiên liền trước. Dù vậy, kỳ vọng tỷ giá sẽ hoàn toàn hạ nhiệt lúc này sẽ vẫn là rất sớm khi còn rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế.
Cụ thể nhất là việc FED liên tục tăng lãi suất trong những tháng gần đây khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Ở phía doanh nghiệp và người dân Mỹ là chi phí đi vay tăng lên, sẽ khiến cả doanh nghiệp và người dân cân nhắc đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay. Đồng thời có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, giảm nhu cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó làm giảm sức cầu, giảm nhập khẩu. Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam, theo đó, cơ hội phục hồi sản xuất, giải phóng tình trạng tồn kho của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo phần nào bị cản lại.
Một báo cáo từ Maybank (Malaysia) về kinh tế Việt Nam ngày 30/7 cho thấy, tính đến tháng 7/2022, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, tăng trưởng sản xuất vẫn mạnh mẽ, song tăng trưởng trong các sản phẩm máy tính, điện tử và quang học giảm và tăng trưởng sản lượng điện tử tiêu dùng tăng rõ rệt lên. "Điều này có vẻ không phù hợp với việc xuất khẩu điện thoại & linh kiện và máy tính, điện tử & linh kiện đang giảm dần. Điều này có thể là do cơ sở thấp -27% vào tháng 7 năm 2021 hoặc cho thấy tồn kho thành phẩm tại các nhà máy Việt Nam đang tăng lên”, chuyên gia Maybank phân tích.
Cũng theo chuyên gia, giá nhiên liệu giảm đã giúp lạm phát ở mức vừa phải +3,1% (tháng 6: +3,4%), phù hợp với dự báo của Maybank. Tính theo tháng, lạm phát chính tăng +0,4% (tháng 6: +0,7%). Lạm phát cơ bản tăng tốc lên +2,6% (tháng 6: +2%) trong khi tốc độ hàng tháng tăng nhanh trong tháng thứ hai liên tiếp lên +0,6% (tháng 6: +0,4%), nhấn mạnh rằng áp lực nhu cầu đang tăng lên.
“Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ có xu hướng tăng trong thời gian còn lại của năm, khi nhu cầu tiêu dùng ổn định từ sự phục hồi tiếp tục của du lịch và cải thiện thị trường lao động khuyến khích các doanh nghiệp chuyển chi phí tăng cho người tiêu dùng. Lạm phát chính có thể sẽ vượt quá mục tiêu + 4% của NHNN từ tháng 9 và có thể vi phạm + 5% trong những tháng cuối năm 2022, một phần do lạm phát yếu trong cùng kỳ năm ngoái”, ông Chua Hak Bin - Kinh tế gia trưởng Maybank và ông Brian Lee Shun Rong - Kinh tế gia, cho biết.
Với nhu cầu bên ngoài sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới và trong năm tới khi người tiêu dùng ở Mỹ và EU cắt giảm chi tiêu do lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế; Nhu cầu trong nước sẽ chậm phục hồi ở Trung Quốc do lập trường zero COVID lâu dài của chính phủ và việc phá sản bất động sản; Maybank dù vậy cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo hướng nửa cuối năm sẽ mạnh hơn nửa đầu năm, được cải thiện bởi mức cơ bản thấp vào năm ngoái.
Việt Nam được đánh giá đã ứng phó rất tốt để kiềm chế, ổn định lạm phát trong những tháng đầu năm 2022, với sự linh hoạt chính sách tiền tệ tài khóa phù hợp. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang theo xu hướng tăng lãi suất và bất ổn nguồn cung lẫn giá năng lượng, hàng hóa, thì lạm phát vẫn đang là “bóng ma” khiến các nhà quản lý có thể sẽ rất thận trọng, cân nhắc trong các chính sách điều hành. Mục tiêu ổn định lạm phát và tỷ giá theo đó đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cam kết như ưu tiên hàng đầu khi nói về định hướng điều hành của NHNN từ nay đến cuối năm.
"Với chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục là “hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế” miễn là lạm phát vẫn được kiểm soát của NHNN, các chúng tôi hạ kỳ vọng tăng lãi suất xuống +25 điểm cơ bản (bps) trong năm nay (từ +50 bps trước đó), tức lãi suất có thể tăng thêm 75 bps", các chuyên gia Maybank nhận định; Đồng thời lưu ý thêm, bên cạnh đó, giới hạn tăng trưởng tín dụng +14% sẽ được NHNN giữ nguyên. Có nghĩa là chỉ 21,3 tỷ USD sẽ được giải ngân trong thời gian còn lại của năm 2022, thấp hơn mức 1.000 triệu đồng (42,7 tỷ USD) được giải ngân trong nửa đầu năm.
Giới hạn vốn tín dụng cũng sẽ là một trong những yếu tố có thể cản trở nhịp tăng tốc tăng trưởng mạnh mẽ ngoài mong đợi của Việt Nam, nhưng bù lại, sẽ là sự cân đối cần thiết có thể giúp Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Có thể bạn quan tâm
"Nắn" chứ không nên "siết" dòng vốn tín dụng bất động sản
03:06, 27/07/2022
Doanh nghiệp nhỏ và vừa “lúng túng” chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng
17:11, 26/07/2022
5/8: Hội thảo "Giải pháp cho các rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu khu vực ĐBSCL năm 2022"
14:59, 26/07/2022
Vì sao nên sớm dỡ bỏ “room” tín dụng?
11:30, 26/07/2022
Khơi thông nguồn vốn cho bất động sản: Kiến nghị nới trần tín dụng
09:15, 26/07/2022