Từ sự việc T.A (du học sinh Nhật) bị sát hại ngay trước ống kính quay của các bạn trẻ để đăng lên Facebook câu like, chúng ta nhận ra một thế hệ trẻ đang bị “đứt gãy” về cảm xúc.
Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn độc quyền với bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, để cùng nghe bà chia sẻ về những quan điểm của giới trẻ ngày nay và cùng hiểu thêm về xu thế “cô đơn ngay chính tâm hồn mình”.
- Thưa bà, bà nhận xét thế nào về thế hệ trẻ có xu hướng trầm cảm rất nhiều, xu thế cô đơn ngay chính trong gia đình, trường học, công việc thậm chí là tâm hồn mình dẫn đến nhiều tiêu cực trong cuộc sống.
Là một Chuyên gia tâm lý, gặp gỡ trao đổi và thực hiện trị liệu tâm lý hàng ngày tôi thấy trẻ vị thành niên là đối tượng khách hàng khá lớn ở Trung tâm. Có một sự thật là phần lớn nguyên nhân khiến cho các em có vấn đề về tâm lý là từ chính gia đình mình: bố mẹ với tình yêu đầy kỳ vọng, áp lực của hy vọng, mong cầu ...
Cha mẹ đang có những quan điểm sống và cách dạy dỗ, dẫn dắt không phù hợp với các bạn trẻ. Đặc biệt tuổi vị thành niên là giai đoạn rất nhạy cảm. Ở độ tuổi này các bạn ấy muốn được khám phá, được thể hiện, được khẳng định mình nhưng cha mẹ lại dùng những trải nghiệm và suy nghĩ của mình để áp đặt lên con trẻ, hay sự kỳ vọng quá cao để thúc đẩy con một cách tiêu cực. Từ đó tạo ra các mâu thuẫn trong gia đình, sự kết nối bị đứt gãy. Trẻ không còn tin tưởng vào cha mẹ, không có nơi để chia sẻ, những áp lực cứ đè nặng hơn mỗi ngày và con trở nên cô đơn trong chính gia đình mình.
Các em cũng chịu rất nhiều áp lực ở trường hay từ xã hội, học hành, mối quan hệ bạn bè, đến những vấn nạn như bạo lực học đường… Khi gặp phải những áp lực đó mà các em lại đang mất kết nối, không có sự tin tưởng và không muốn chia sẻ với gia đình thì tâm lý rất dễ tiêu cực, sang chấn.
Gia đình là nền tảng, nhà trường là bồi đắp, xã hội là bổ sung. Chúng ta, theo các mối quan hệ, ở các môi trường của con em mình luôn cần để tâm yêu thương, tôn trọng và cho các bạn ấy sự đồng hành phù hợp nhất.
- Thưa bà, bà thấy việc các thế hệ trẻ dùng facebook như một công cụ vừa để nâng cao thương hiệu bản thân và vừa trở thành vũ khí tấn công bất kỳ ai nếu không vừa ý mình có đúng không?
Sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích. Chúng ta có thể kết nối, giữ liên lạc với những người thân, người bạn ở xa, hay giao lưu với những bạn mới, học hỏi những điều hay trong cuộc sống. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là nơi để rất nhiều người sống ảo.
Các bạn trẻ thường hay thần tượng nhân vật nổi tiếng. Khi theo dõi các trang cá nhân của những người nổi tiếng, có rất nhiều bạn trẻ cảm thấy ngưỡng mộ và bị hấp dẫn, kích thích bởi lượng tương tác, lượng like, share hay những lời khen ngợi trong bình luận của họ.
Ngoài ra trên mạng xã hội có những người cũng thích đăng bài câu like, tăng tương tác để được nhiều người biết tới. Và khi theo dõi những người như vậy, trong đầu các bạn trẻ cũng nảy ra suy nghĩ, tư tưởng thích nổi tiếng, muốn được nổi tiếng như người nọ, người kia để chứng minh mình hoặc là nảy sinh sự ghen ghét, đố kỵ… và thế là cũng post ảo, video, ảnh để câu like.
Nếu sự học hỏi, chắt lọc thông tin trên mạng xã hội một cách đúng đắn thì các bạn trẻ có thể thu được những bài học tốt. Có thể tận dụng trang cá nhân kinh doanh hoặc gặt hái thành công riêng của mình.
Nhưng nếu góc nhìn, cách “học hỏi” đâu đó chưa phù hợp, chưa đúng đắn sẽ tác động lên nội dung đăng bài của các bạn trẻ và có thể ảnh hưởng đến chính các bạn ấy và cả những người khác với tính tiêu cực nhiều hơn (vì thực tế, những điều tiêu cực lại được chia sẻ nhanh và nhiều hơn những điều mang tính tích cực trên mạng xã hội).
- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về cái chết của du học sinh T.A bị sát hại tại Nhật bản vừa qua mà hình ảnh được ghi nhận lại là từ một bạn trẻ đã quay đăng lên facebook thay vì tìm người cứu T.A.
Bản thân tôi hay bất kể ai cũng cảm thấy rất là xót thương với sự việc này.
Song một vấn đề tôi muốn đề cập là việc quay phim, chụp ảnh lại những sự việc tương tự như đánh ghen, đánh nhau, xích mích học đường dường như đã trở thành thói quen của một bộ phận dân số, ở Việt Nam cũng là con số không nhỏ. Họ chỉ quan tâm là ở chỗ này đang có cái “hot”, quay để tung lên mạng xã hội, để thu hút lượng like, lượng theo dõi mà thôi, thậm chí như một sở thích.
Nhưng vấn đề này, về mặt khoa học tâm trí, hành vi của mỗi người như thế nào do cảm xúc của họ đối với sự kiện họ chứng kiến mà có. Trước một sự kiện, mỗi người có hành vi ứng xử khác nhau là bởi cảm xúc xuất hiện bên trong họ là khác nhau.
Vậy cái cảm xúc này thì từ đâu ra. Đó chính là từ hệ thống những lập trình tư duy, niềm tin ở tầng vô thức khiến cho mỗi người có mô thức cảm xúc, mô thức suy nghĩ, mô thức hành vi khác nhau.
Và, từ đâu mà mỗi con người có những lập trình này? Đây mới là vấn đề. Những lập trình của mô thức cảm xúc, suy nghĩ, hành vi được hình thành từ những trải nghiệm quá khứ đầy cảm xúc. Đó chính là các nguyên nhân gốc rễ. Và chính vì vậy với chúng tôi, các phiên coaching - trị liệu đầu tiên là “Khám phá nguyên nhân gốc rễ” của vấn đề, sau đó mới thiết kế các chương trình trị liệu phù hợp chuyên biệt cho cụ thể từng khách hàng.
Cái chết của T.A là một hệ quả của cả một quá trình hình thành cảm xúc của giới trẻ bây giờ, chúng ta muốn thay đổi thì phải là cả một hệ thống.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm