Hiện tại, việc phát triển cụm công nghiệp tại Quảng Nam vẫn còn gặp một số khó khăn nên ít hấp dẫn được nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh hạ tầng,...
Đến nay, Quảng Nam đang có 58 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1638,15ha. Trong đó, có 53 CCN đã quy hoạch chi tiết, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.071,43ha/ 1.467,90ha tổng diện tích.
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư hạ tầng về CCN là 902,527/ 3.286,7 tỷ đồng đã được phê duyệt với diện tích đất đã đăng ký cho thuê khoảng 258,31ha. Được biết, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trug ương và địa phương khoảng 420,585 tỷ đồng.
Về những vướng mắc, hiện nay các CCN đều gặp khó khăn chung trong việc lập thủ tục mở rộng hoặc bổ sung, giải quyết phần tài sản của nhà nước và tư nhân đầu tư. Cùng với đó, việc thực hiện thu phí sử ụng cũng đang thiếu quy định cụ thể, các CCN chưa có đường đấu nối quốc lộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải,...
Đối với khâu giải phóng mặt bằng có thể xem là vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển các CCN khi phần lớn đều do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư dẫn đến việc đền bù – GPMB phải thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”. Vấn đề này gây khó khăn cho việc thu hút dự án vào đầu tư cũng như ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của các CCN khó đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ.
Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất khó đáp ứng được yêu cầu cần thiết để tiếp cận quỹ đất trong CCN. Hai vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thuê đất chính là quy mô sản xuất và số lượng nhân công đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Bà Thái Thị Nhị - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Mẹ Mít Hội An cho hay đơn vị đang thực hiện sản xuất tại nhà với gần 10 nhân công để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, với diện tích căn nhà khá nhỏ nên việc lắp đặt thiết bị, máy móc khó khăn ảnh hưởng đến sản lượng của đơn vị.
“Vì thế chúng tôi rất muốn được tiếp cận quỹ đất tại cụm công nghiệp Thanh Hà (Hội An) để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên với các quy định về con người, dây chuyền sản xuất,... như hiện nay thì rất khó để các doanh nghiệp siêu nhỏ đáp ứng đủ. Cần có một cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp như chúng tôi được thuê đất, dựng nhà xưởng ở CNN để tiếp tục phát triển sản xuất”, bà Thái Thị Nhị nói.
Để đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các địa phương chủ động rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới cụm công nghiệp tại địa phương, đề xuất để loại khỏi Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với các cụm công nghiệp mà chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, vướng mắc kéo dài, vị trí thực hiện dự án tác động xấu đến môi trường, có quy mô diện tích nhỏ, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp hiện hữu, đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất.
Vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Quảng Nam giao các địa phương rà soát các vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời hướng dẫn, giải quyết. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định và tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quỹ đất công ích trên địa bàn để kiểm tra, nghiên cứu hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc theo thẩm quyền.
“Về hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, các địa phương rà soát quy mô cụm công nghiệp, nhu cầu, hiệu quả đầu tư… để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư công hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp. Giao Sở Công Thương đánh giá việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp theo quy mô, kinh phí đầu tư, hiệu quả …. Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để ưu tiên giao đất một lần,..”, ông Lê Trí Thanh yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm