Gỡ khó dòng vốn vay cho doanh nghiệp phục hồi

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Chuyên gia tài chính 09/08/2023 05:00

Tiếp cận tín dụng vẫn đang là câu chuyện khó với doanh nghiệp, vì vậy các ngân hàng nên chú trọng vào khả năng trả nợ trong tương lai, chứ không nhất thiết phải là tài sản thế chấp.

>>Lãi suất hạ, nhưng cẩn trọng áp lực tỷ giá nửa cuối năm

Áp lực tỷ giá không còn lớn

Hiện nay, lạm phát toàn cầu và chỉ số giá đô la Mỹ đang có xu hướng đi xuống. Riêng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới dự báo đi lên trong khi Fitch Rating đánh giá đi xuống, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định đi ngang.

Hiện nay, lạm phát toàn cầu và chỉ số giá đô la Mỹ đang có xu hướng đi xuống

Hiện nay, lạm phát toàn cầu và chỉ số giá đô la Mỹ đang có xu hướng đi xuống

Đây là những yếu tố rất căn bản để chúng ta có thể dự đoán được tình hình của Việt Nam trong năm nay và năm sau như thế nào. Thực tế, Việt Nam luôn đưa ra kế hoạch đi lên trong bối cảnh chung khó khăn, sẽ dễ khiến chúng ta rơi vào rủi ro đầu tư.

Nhìn lại năm 2022, đóng góp để chống lạm phát không chỉ có chính sách tiền tệ mà còn có chính sách tài khóa. Bởi vì lạm phát của Việt Nam nhập khẩu từ bên ngoài, nên việc giảm thuế hàng nhập khẩu, đặc biệt thuế xăng dầu có ý nghĩa rất lớn đối với việc giảm lạm phát chi phí đẩy. Bên cạnh đó có sự phối hợp của chính sách tiền tệ là tăng lãi suất kiềm chế tỷ giá.

Năm nay, hai chính sách này vẫn còn có thể kết hợp tốt với nhau, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đó là chính sách tài khóa tiếp tục theo hướng giảm một số loại thuế, điển hình như thuế VAT và chính sách tiền tệ bắt đầu quay sang hướng hỗ trợ phục hồi.

Trên thị trường, mặc dù lãi suất ở Việt Nam giảm khá nhanh ở phân khúc tiền gửi, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao. Có những doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ vay tiền đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17% một năm nhưng đến gần đây ngân hàng mới hứa sẽ giảm xuống 15% và phải đến tháng 9/2023 này mới được giảm xuống 14%. Khi đầu tư dài hạn mà doanh nghiệp phải vay với lãi suất 14% một năm thì câu chuyện có lãi là rất khó.

Như vậy để thấy, dù đã có những cố gắng trong thời gian gần đây về giảm lãi suất cho hỗ trợ phục hồi nhưng vẫn đang ở mức cao, bởi vì Việt Nam rất lo ngại không biết tỷ giá hối đoái sẽ biến động theo hướng nào. Thực tế, chúng ta phải căn cứ vào các số liệu sau:

Một là, đồng đô la Mỹ liệu tăng nữa không? Tôi cho rằng có thể không. Chỉ số DXY đã giảm từ gần 115 điểm xuống hiện tại là 102 điểm và nó sẽ còn tiếp tục giảm quanh mức 100 điểm. Nhất là trong xu hướng đa cực như hiện nay, nhiều đồng tiền quốc tế được sử dụng thì đồng USD khó có xu hướng quay trở lại. Do đó, áp lực lớn nhất về của tỷ giá hối đoái Việt Nam sẽ không còn nữa.

Hai là, giá hàng hóa thế giới nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, nhất là giá nhiên liệu. Nguy cơ này vẫn còn vì mùa đông sắp tới, nhưng đó không phải là lớn, đồng thời Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để hỗ trợ ngân hàng trung ương trong việc điều chỉnh giá xăng dầu.

Ba là, liệu cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có bị thâm hụt không. 6 tháng vừa qua, đặc biệt tháng 7 thặng dư thương mại của Việt Nam khá lớn, góp phần bổ sung vào cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế một cách tích cực. Ngân hàng Nhà nước phải mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ, đây là dấu hiệu cho thấy áp lực với tỷ giá hối đoái từ nội tại cũng không còn mạnh.

Như vậy, chúng ta có thể hy vọng năm 2023 đến năm 2024 tỷ giá vẫn có thể duy trì ổn định. Đối với Việt Nam - một quốc gia có độ mở cửa lớn thứ 3 thế giới (đứng thứ ba sau Hồng Kông và Singapore, nhưng đây là hai khu vực hoạt động chủ yếu trong dịch vụ, còn Việt Nam là một đất nước có cả công - nông nghiệp), thì NHNN rất lo ngại về việc ổn định tỷ giá.

Từ những điều trên cho thấy, kinh tế vĩ mô trong những năm tới của chúng ta có thể trong tình trạng ổn định và là điều kiện để thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán đứng vững hoặc phục hồi nhẹ. Ngoài ra, NHNN có thể yên tâm một phần về áp lực tỷ giá đối với lạm phát và lãi suất.

Khả năng phục hồi rõ nét

Một vấn đề nữa đó là NHNN cũng đang phân vân không biết kinh tế Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? Vừa qua, chúng tôi đã phân tích rất kỹ chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng, từ tháng 11/2022 đến nay quanh quẩn ở mức 46-47 điểm, chỉ riêng tháng 2/2023 (thời điểm Tết Nguyên đán) là tăng lên ở mức 51,2 điểm, nhưng sau đó lại hạ xuống và hiện đang ở mức 48,5 điểm. Điều này phản ánh suy giảm kinh tế của Việt Nam hình chữ U, kéo dài suốt từ tháng 11 năm trước đến nay.

Đối với khu vực doanh nghiệp, khó khăn của các doanh nghiệp như tôi đã đề cập là dòng tiền và lãi suất cho vay neo cao

Đối với khu vực doanh nghiệp, khó khăn của các doanh nghiệp như tôi đã đề cập là dòng tiền và lãi suất cho vay neo cao

Trong tháng 7, chúng tôi đã lập mô hình nghiên cứu PMI toàn cầu và nhận thấy gần như tất cả các nước đều có PMI phục hồi nhẹ, tăng một điểm, ở khu vực Đông Bắc Á cũng vậy, riêng tại Việt Nam tăng 2,5 điểm. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là giai đoạn cuối của đáy phục hồi và khoảng quý 4.2023 trở đi, chỉ số này của Việt Nam sẽ tốt hơn. Từ đó kinh tế có thể phục hồi nhẹ bắt đầu từ quý 4 đến nửa đầu năm sau.

Còn nếu nhìn theo hướng của Fitch Rating là kinh tế toàn cầu đi xuống, thì đó không phải trường hợp của Việt Nam, bởi kinh tế Việt Nam vẫn có những nét đặc thù riêng. Chúng ta phụ thuộc lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 25% GDP), nhưng khu vực này thực tế chiếm tới 70% sản lượng công nghiệp của Việt Nam. Đây là yếu tố giúp Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn so với một số nước.

Có thể nói, khả năng Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2024 đã rõ nét hơn, sáng hơn so với tình trạng chung dù chúng ta vẫn phải quan tâm đến quản trị rủi ro.

>>Lãi suất giảm, chờ hiệu ứng mùa vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế

Cấp bách tháo gỡ dòng vốn vay

Đối với khu vực doanh nghiệp, khó khăn của các doanh nghiệp như tôi đã đề cập là dòng tiền và lãi suất cho vay neo cao.

Chúng ta không nên nhầm lẫn với hai con số, một là tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền. Tăng trưởng tín dụng không là gì so với lạm phát, vấn đề quan trọng nhất là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, vì hiện nay mức tăng này rất thấp so với GDP.

Trong năm nay, vòng quay tiền chỉ còn lại 0,64 vòng/năm. Bình thường tiền Việt Nam tăng 2 vòng một năm, năm cao nhất đạt 2,4 vòng và năm thấp nhất là 1,8; nhưng năm nay chỉ dưới 1 vòng  đã khiến cho thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế bị suy kiệt ngay cả khi tiền có trong ngân hàng thương mại.

Vấn đề chưa được tháo gỡ chính là tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo và khả năng trả nợ. Trong giai đoạn cấp bách, thế giới đều lùi lại việc thẩm định tài sản đảm bảo và tập trung vào khả năng trả nợ cho khu vực doanh nghiệp, nhưng riêng Việt Nam vẫn giữ nguyên các điều kiện này.

Ví dụ, một doanh nghiệp cho biết họ xuất khẩu đồ chay sang châu Âu, năm 2022 có doanh thu 10 tỷ đồng và năm 2023 có đơn đặt hàng 25 tỷ đồng từ đối tác, nhưng khi trình bày phương án kinh doanh với ngân hàng thì đã không được phê duyệt cho vay mà vẫn yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.

Tôi cho rằng, khi thẩm định dự án các ngân hàng nên chú trọng vào khả năng trả nợ trong tương lai của doanh nghiệp, chứ không nhất thiết phải là tài sản thế chấp. Chúng tôi cũng mong muốn các ngân hàng sẽ tiếp tục bơm thêm tín dụng, để lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất giảm, chờ hiệu ứng mùa vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế

    05:03, 08/08/2023

  • Lãi suất ngân hàng giảm: Bất động sản kỳ vọng đón dòng tiền trở lại

    03:30, 07/08/2023

  • Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục kiến nghị hạ lãi suất

    20:38, 03/08/2023

  • Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tương quan với lãi suất

    05:05, 03/08/2023

  • Đồng thuận hạ lãi suất nhưng chưa đủ

    05:00, 01/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ khó dòng vốn vay cho doanh nghiệp phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO