Để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Grab và để tranh thủ sự ủng hộ của pháp luật, Go-Việt hiện đang cần nhiều chiến lược đột phá hơn là chỉ “đốt tiền” - nhất là khi họ không “rủng rỉnh” bằng Grab.
Chiều ngày 29/3, Go-Việt xác nhận ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh không còn nắm vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc công ty.
Thách thức “gã độc tài”
Trước đó, theo tờ Deal Street Asia, thông tin CEO Nguyễn Vũ Đức và 1 lãnh đạo cấp cao khác từ chức, cùng với yêu cầu được bồi hoàn 1 số tiền lớn, đã được công bố trong nội bộ công ty.
Từ thông tin trên có thể đoán rằng, cuộc chia tay này không mấy êm đẹp. Đặc biệt, trong hoàn cảnh việc phát triển của Go-Việt đang không mấy khả quan ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 01/04/2019
17:15, 25/02/2019
14:30, 15/10/2018
07:51, 13/09/2018
Gia nhập Việt Nam từ ngày 1/8/2018 tại TP HCM, Go-Việt cạnh tranh trong thị trường xe ôm công nghệ với 2 chiến lược chính: Cạnh tranh về giá và xây dựng hình ảnh như 1 anh chàng Việt Nam nhỏ bé thách thức “gã độc tài” Grab.
Họ đánh tiếng bằng 1 chương trình khuyến mãi rầm rộ - chỉ 5.000 đồng cho 8km, miễn phí chiết khấu cho tài xế. Đồng thời, xây dựng 1 bộ nhận diện thương hiệu toàn đỏ, cùng với lá cờ Việt Nam, và 1 cái tên thuần Việt.
Go-Việt nhanh chóng chiếm được tình cảm của một bộ phận người dân và tài xế. Lãnh đạo Go-Việt tuyên bố rằng, họ đã nắm 35% thị phần gọi xe 2 bánh tại thành phố và có hơn 1,5 triệu lượt cài đặt chỉ sau hơn 1 tháng thâm nhập.
Mặc dù vẫn thường xuyên được các nhà đầu tư rót vốn, Go-Jek vẫn phải cân bằng giữa việc đầu tư ở Việt Nam, củng cố ở quê nhà, hay phát triển nơi nào khác (ngoài Việt Nam, Go-Jek còn đang mở rộng khắp ĐNA, trong đó có Thái Lan, Singapore, Malaysia).
Về tổng tiền đầu tư kêu gọi được, và giá trị vốn hoá thị trường, Go-Jek đều không bằng Grab. Chưa kể nguồn doanh thu của Grab so với Go-Jek cũng vượt trội hơn hẳn, khi hệ sinh thái của Grab ở ĐNA đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn Go-Jek thì mới sơ khai và đang phát triển.
Đủ đà để tăng tốc?
Không lạ khi Go-Việt không đưa thêm ra các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ như trước nữa. Và vào ngày 21/1/2019, Go-Việt cũng đã nâng mức chiết khấu lên 20% bằng với Grab sau nửa năm hoạt động
Việc nâng giá chiết khấu như vậy cho thấy, vốn Go-Jek ở Việt Nam không phải là quá nhiều và bắt buộc phải giảm cường độ đốt tiền.
Lượng khách của Go-Việt ít hơn, tiền cước cũng ít hơn, nay lại tăng chiết khấu bằng Grab, đội ngũ tài xế của Go-Việt có dấu hiệu chững lại. Dẫn theo lượng người dùng cũng không thể tăng, khi mở ứng dụng ra mà không thể bắt được xe.
Chưa kể sau 6 tháng hoạt động, hệ thống của Go-Việt cũng chưa thật sự hoàn thiện, vẫn còn vấn đề trong chức năng định vị và khâu dịch vụ khách hàng/đối tác.
Từ dịp Tết Kỷ Hợi, Go-Việt có dấu hiệu chững lại, trong hơn 2 tháng họ dậm chân tại chỗ, giữ nguyên 1 lượng thị phần không hẳn là ít nhưng cũng chẳng nhiều, và chắc chắn không đủ để hoà vốn.
Quy mô nhỏ, hết vốn để đốt tiền chưa phải là tất cả. Go-Việt còn gặp vấn đề pháp lý. Cụ thể, 2 dịch vụ mà họ hứa sẽ cho ra mắt trong 2018 đến giờ vẫn chưa thấy đâu.
Về Go-Car, Go-Việt gia nhập Việt Nam ngay lúc các vấn đề về hạ tầng giao thông mà Grab gây ra đang vào mức đỉnh điểm, kẹt xe và ô nhiễm tồi tệ ở mức kỷ lục. Hơn nữa, đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử (Đề án 24) cũng vừa kết thúc sau 2 năm. Khiến Go-Việt không thể xin được giấy phép cho Go-Car.
Về Go-Pay, Go-Việt nếu muốn hoạt động trong mảng thanh toán, họ phải xin được giấy phép từ Ngân hàng nhà nước hoặc bắt tay với doanh nghiệp đã được cấp phép. Grab đã phải trải qua nhiều năm trời mới có thể bắt tay thành công với Moca để cung cấp dịch vụ Grabpay by Moca. Không dễ cho Go-Việt mở được Go-Pay trong thời gian sớm.
Khó khăn chồng chất khó khăn, ngày nào mà Go-Việt chưa thể phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái, thì ngày đó ứng dụng của họ càng tạo ra lỗ khổng lồ mà doanh thu không thấm vào đâu.
Để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Grab và để tranh thủ sự ủng hộ của pháp luật, Go-Việt hiện đang cần nhiều chiến lược đột phá hơn là chỉ đốt tiền. Việc thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo Go-Việt mới đây nhiều khả năng là biện pháp nặng tay của Go-Jek, nhằm thoát khỏi “cảnh dậm chân tại chỗ”. Liệu CEO mới của Go-Việt có thể giải quyết được bài toán khó này chăng?