“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng

NGUYỄN GIANG 14/04/2024 03:20

“Hào quang “ảo” trên mạng xã hội cùng mức thu nhập trong mơ đã khiến không ít người bất chấp mọi giá để nổi tiếng, từ đây, những “mầm độc” xuất hiện dày đặc tại các buổi livestream bán hàng…

>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

IHIHIH

Hình ảnh Tiktoker ”vua quạt” có những lời lẽ thiếu chuẩn mực với các cán bộ công an. Ảnh cắt từ clip

Một vài năm trở lại đây, mạng xã hội bùng nổ, đặc biệt là Tiktok đã trở nên phổ biến với nhiều người dùng, điều này dần hình thành nên một nghề là "sáng tạo nội dung". Thu nhập của công việc này tỷ lệ thuận với lượng người theo dõi, bởi họ có cơ hội bán hàng online hay nhận quảng cáo cho các nhãn hàng…

Cũng từ đây, có không ít người đã tìm mọi cách tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, thậm chí là lệch lạc, sai sự thực, để nhanh chóng được nhiều người biết đến, dù biết đến theo cách bị chửi. Nói chính xác hơn, bị chửi mới đúng là đích mà các nhà sáng tạo nội dung này hướng đến. Và khi đã đạt được mục đích thì quay ngoắt 180 độ, thay đổi phong cách làm video. Thế là thành công nổi tiếng!

Những ngày qua, việc một Tiktoker bán quạt điện có tên “vua quạt” dùng những ngôn từ “bẩn” xúc phạm báo chí và các cán bộ công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tới thực thi công vụ trong một số buổi livestream bán hàng vẫn là tâm điểm dư luận. Những video của Tiktoker này đã thu hút hàng triệu lượt xem và cổ vũ. Do đó, Tiktoker ”vua quạt” tiếp tục có những lời lẽ thiếu chuẩn mực nhằm bôi nhọ, xúc phạm nghề nghiệp của những người làm báo, thậm chí là gây khó khăn, thách thức lực lượng công an khi làm việc.

Đáng chú ý, trong các video bán hàng đăng tải trên trang cá nhân của Tiktoker này hầu hết là những ngôn từ “bẩn” với nội dung chửi bới, thoá mạ các cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội để thu hút người xem.

Nhiều ý kiến cho rằng, những hành vi được cho là “lộng ngôn”, “ngạo mạn”, coi thường pháp luật của Tiktoker “vua quạt” là hồi chuông báo động về “căn bệnh ngáo quyền lực” trên mạng xã hội hiện nay của không ít người. Đó là những kẻ bất chấp tất cả để nổi tiếng, bất chấp pháp luật để kiếm tiền.

Còn nhớ, cũng thời gian ngắn trước đây, trang Facebook có tích xanh (dấu hiệu nhận biết trang cá nhân chính chủ) tên Vo Quoc của đầu bếp Võ Quốc, đã chia sẻ lời xin lỗi của biên kịch B.B.B. kèm theo lời thóa mạ, xúc phạm báo chí. Ở phía dưới bài chia sẻ, người này còn dùng những lời lẽ tục tĩu để nói về những người làm báo. Một số nhân vật comment hưởng ứng, tài khoản Facebook Võ Quốc cũng có tương tác qua lại với các comment này. Nội dung nói trên nhanh chóng bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.

Tương tự, Nờ Ô Nô là cái tên gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng Việt Nam vào cuối năm 2022, khi đoạn video “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" của TikToker này, miệt thị người nghèo và người cao tuổi. Đáng chú ý, sau khi bị cư dân mạng chỉ trích, Nờ Ô Nô còn đăng tải một đoạn video, với lời lẽ đầy thách thức.

>>Cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế có khả quan?

IHIHIH

Những video với nhiều nội dung "nhảm nhí" của Tiktoker “vua quạt” đăng tải. Ảnh chụp màn hình

Thật đáng buồn, những câu chuyện như trên không hề hiếm gặp. Mạng xã hội là nơi bày tỏ quan điểm cá nhân, thể hiện cái tôi của mỗi người. Nhiều người đã chú ý xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội để thu hút nhiều lượt theo dõi với mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp để thu được lợi ích. Thế nên mới xuất hiện khái niệm influencer (người có ảnh hưởng) trên mạng xã hội với mỗi bài đăng có hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình.

Nói như PGS. TS Trần Thành Nam, chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân. Vì những nguồn lợi từ nghề sáng tạo nội dung trên mạng, ngày càng có nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, phản cảm, hay thậm chí là lệch lạc để thu hút được người xem.

Trở lại câu chuyện về Tiktoker “vua quạt” với những buổi livestream bôi nhọ, thoá mạ những người làm báo, thách thức, chửi mắng các cán bộ công an. Theo một diễn biến mới nhất, chủ tài khoản này cũng đã đăng tải clip xin lỗi các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ công an đến kiểm tra ngày 11/4/2024. Tuy nhiên, lời xin lỗi ấy đến từ sự nhận thức của bản thân người này, hay tiếp tục là một chiêu trò để bán hàng thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp?!

Ở một diễn biến khác liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm quạt của tài khoản Tiktok “vua quạt”, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Giáo, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị nhận được nguồn tin báo phản ánh về hoạt động sản xuất, kinh doanh quạt điện của tài khoản Tiktok “Vua quạt” có dấu hiệu kém chất lượng nên đã tổ chức phối hợp với cơ quan liên quan để xác minh, kiểm tra đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Giáo cho biết, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở sản xuất này 2 lần để xác minh, kiểm tra sản phẩm nhưng cơ sở này đóng cửa, không phối hợp làm việc.

Theo phản ánh, tài khoản Tiktok mang tên “Vua quạt” thường xuyên livestream giới thiệu, tư vấn các sản phẩm quạt điện do đơn vị Cơ điện Yên Phong sản xuất có dấu hiệu kém chất lượng, không đảm bảo yếu tố an toàn theo các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro: Tiêu hao điện năng quá tiêu chuẩn; tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy; tiềm ẩn rủi ro về an toàn cho người sử dụng…

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    03:00, 13/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO