“Góc khuất” trong đấu thầu

GIA NGUYỄN 27/11/2020 11:01

Mặc dù được đánh giá sẽ đem lại tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, cho các công trình, dự án,… đầu tư công, thế nhưng,  trên thực tế, hoạt động đấu thầu vẫn đang cho thấy nhiều “lỗ hổng”.

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội liên tục lên tiếng về những bất cập, tồn tại trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt, không ít vụ việc tiêu cực đã xảy ra mà theo cơ quan chức năng, đa phần trong những vụ việc đã được phơi bày đều cho thấy có sự móc ngoặc, lợi dụng hoạt động đấu thầu để trục lợi bằng các hành vi như: Chỉ định thầu thiếu căn cứ, chưa đủ điều kiện; phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực theo hồ sơ yêu cầu; thương thảo, ký hợp đồng trước khi có quyết định chỉ định thầu...

 Dự án xây dựng công trình Trụ sở Ủy ban Dân tộc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trái quy định

Dự án xây dựng công trình Trụ sở Ủy ban Dân tộc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trái quy định

Tràn lan vi phạm

Tháng 5 vừa qua, trong báo cáo về quyết toán ngân sách gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý vốn đầu tư.

Trong đó, việc chỉ định thầu một số dự án thiếu căn cứ, chưa đủ điều kiện, điển hình như dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ngoài ra, một số dự án bị kiểm toán phát hiện phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định như, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu một số dự án nêu rõ yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa tại gói thầu số 14, dự án Xây dựng thay thế Khu B-C của Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh,...

Hay, tình trạng áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trái quy định như ở dự án xây dựng công trình Trụ sở Ủy ban Dân tộc khi chỉ định thầu 3 gói thầu; cùng với đó là một số gói thầu của các dự án tại: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình,…

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã thương thảo, ký hợp đồng trước khi có quyết định chỉ định thầu như tại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình; gói thầu số 5a Hợp phần công trình đầu mối, hệ thống kênh, công trình trên kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ chứa nước Bản Mồng, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều chuyên gia cho rằng để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu như hiện nay, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ người thực hiện, không ít các dự án, gói thầu trước khi đem ra đấu thầu công khai, đã có sự áp đặt chủ quan bằng việc “vẽ ra” các điều kiện về hợp đồng tương tự, hồ sơ năng lực, tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu,... hay sự móc ngoặc “quân xanh, quân đỏ”, trong khi pháp luật còn nhiều “lỗ hổng”, tồn tại.

Ví dụ như, trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gói thầu vẫn đưa ra một số điều kiện như: nguồn nguyên liệu trong bán kính, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cung ứng, thời gian kinh nghiệm của đơn vị tham gia dự thầu,…

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Vân chia sẻ, chúng ta đã có Luật Đấu thầu và rất nhiều quy định dưới luật, văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó quy định rõ ràng, nghiêm ngặt về quy trình cùng cách thức thực hiện. Để xảy ra tình trạng “lách luật”, “trục lợi”, nguyên nhân chính là ở người thực hiện, cụ thể là người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá, tiếp đó là thành viên các hội đồng, hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương…

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc một doanh nghiệp đấu thầu tại Bắc Ninh) cho hay, hầu hết các dự án được đưa ra đấu thầu thì đa phần đều đã có chủ thực hiện, vậy nên, không ít các chiêu trò khác cũng được các chủ đầu tư áp dụng đó để bảo vệ quyền lợi nhóm như: bưng bít, không công khai các thông tin đấu thầu bắt buộc phải công bố; thông báo bán hồ sơ dự thầu nhưng lại không có địa chỉ cụ thể;…

“Ngoài những hành vi kể trên, thì một số gói thầu, chủ đầu tư còn mặc nhiên để doanh nghiệp thực hiện thông thầu ngay tại trụ sở, cứ có doanh nghiệp đến mua hồ sơ bước chân ra khỏi cửa là xuất hiện những đối tượng lạ mặt đến đầu tiên là thương thuyết mua bán, nếu không được sẽ thực hiện đe dọa…”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, sở dĩ có thực trạng trên bởi do phân cấp thẩm quyền trong đấu thầu, từ bước mời thầu, lập hồ sơ thẩm định, tổ chức đấu thầu, xét thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu,… hầu hết các chủ đầu tư đều triển khai trong một quy trình gần như khép kín nên muốn trúng thầu hoặc là doanh nghiệp thân quen hoặc sân sau của các lãnh đạo, còn không dù doanh nghiệp lớn hay uy tín cỡ nào, năng lực ra sao cũng không đủ tiêu chí.

Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu

1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

4. Gian lận,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Góc khuất” trong đấu thầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO