[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Hồi tố khi sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Khó đến thế hay sao?

Phạm Sông Thu (*) 06/04/2020 05:05

"Đơn kê thuốc giảm đau" của Thủ tướng quá đúng đắn, nhưng thật lo sợ rằng sẽ có tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, doanh nghiệp sắp chết rồi nhưng thuốc chưa tới...

Trong cuộc chiến chống COVID-19, Chính phủ sốt sắng đêm ngày, nhưng vẫn có những người ngồi im coi như không phải việc của mình. Thủ tướng Chính phủ đã kê những "gói thuốc giảm đau" siêu giá trị cứu vãn nền kinh tế Việt Nam đang bị tổn thương vì dịch bệnh như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói miễn và giảm thuế 150.000 tỷ đồng, chia tiền cho người nghèo gần 30.000 tỷ đồng, gói giãn thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng, cho vay lãi suất 0% trả lương nhân viên và gần đây nhất là gói hơn 61.000 tỷ đồng để hỗ trợ những đối tượng khó khăn có thể mất thu nhập, mất việc làm, quyết không để người dân "đói cơm lạt muối"...

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án công, doan nghiệp địa ốc, doanh nghiệp sản xuất có giao dịch liên kết với công ty thành viên vô cùng thiệt khi có nhiều trường hợp bị đóng thuế 2 lần, chịu cảnh thuế chồng thuế theo quy định khống chế trần lãi vay của Nghị định.

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án công, doanh nghiệp địa ốc, doanh nghiệp sản xuất có giao dịch liên kết với công ty thành viên vô cùng thiệt khi có nhiều trường hợp bị đóng thuế 2 lần theo quy định khống chế trần chi phí lãi vay.

Khi doanh nghiệp bị tổn thương thì cả nền kinh tế ốm yếu, mà ốm thì cần thuốc, khi khỏi ốm lại lăn mình ra lao động, nộp ngân sách. Đó là quy luật muôn thuở của vận hành trong bất kỳ nền kinh tế nào. Kê thuốc giảm đau của Thủ tướng quá đúng đắn, nhưng tôi lo sợ tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, doanh nghiệp sắp chết rồi nhưng thuốc chưa tới.

Ngay việc sửa đổi chỉ một điều khoản của Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà Bộ Tài chính làm 3 năm nay chưa xong. Doanh nghiệp như "cá nằm trên thớt". Bộ Tài chính là cơ quan cầm túi tiền quốc gia, chi tiêu, thuế má, họ thấu hiểu sức khoẻ doanh nghiệp hơn ai hết, đáng lẽ ra họ phải là bên tham vấn cho Chính phủ tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp lúc này. Nhưng các gói chính sách của họ đưa ra đều nhỏ, dè xẻn. Phải chăng Bộ Tài chính sợ rằng hỗ trợ doanh nghiệp thì thành tích thu ngân sách sẽ không còn nên tìm đủ lý do để trì hoãn, bất chấp đó là sự vô lý, là thuế chồng thuế gây sức ép và khó khăn chồng lên đôi vai doanh nghiệp. 

Bộ Tài chính đã đồng ý sửa khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, cho doanh nghiệp được chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm kế tiếp nếu EBITDA âm (khả năng thanh toán lãi vay). Nghị định có hiệu lực từ năm 2017 nhưng Bộ Tài chính lại tằn tiện khi chỉ muốn áp thay đổi này cho năm 2019, dù 86% thành viên Chính phủ đã đồng ý cho hồi tố năm 2017- 2018.

Bộ Tài chính viện dẫn lý do, trong trường hợp hồi tố có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực. Bộ Tài chính lo không có 4.875 tỷ đồng bồi hoàn lại cho doanh nghiệp. Lý do này quá vô trách nhiệm, và không xử lý được có thể sẽ là do sự yếu kém của cán bộ, của đơn vị quản lý, doanh nghiệp có lỗi gì mà bắt họ phải chịu hậu quả của quyết sách chưa đúng?. 4.875 tỷ đồng kia vo lại thì to nhưng được cho phép khấu trừ 5 năm tiếp theo, tức mỗi năm ngân sách chỉ thiệt 500 tỷ đồng. Giả dụ trong trường hợp kế hoạch chi cho 2020 không có nguồn cho hồi tố trả về cho doanh nghiệp, Bộ không thể có một kế hoạch tham vấn hướng đi, giải pháp, thay cho đổ tất cả chỉ vì kế hoạch?

Với trường hợp này, rõ ràng Bộ Tài chính phải tư duy lại, đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, sửa sai là sửa ngay, viện đủ lý do để trì hoãn, không bồi hoàn cho doanh nghiệp chính là “trên trải thảm, dưới trải đinh”.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Nghị định 20/2017: Không cho hồi tố thuế là không công bằng?

    Sửa Nghị định 20/2017: Không cho hồi tố thuế là không công bằng?

    18:30, 05/04/2020

  • VCCI: Chống

    VCCI: Chống "vốn mỏng" không phải là mục tiêu khi ban hành Nghị định 20

    05:20, 03/02/2020

  • Sửa đổi Nghị định 20/2017: Làm thế nào để doanh nghiệp không bị

    Sửa đổi Nghị định 20/2017: Làm thế nào để doanh nghiệp không bị "siết" nhầm?

    05:20, 01/02/2020

  • Sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Vì sao doanh nghiệp phản đối trần chi phí lãi vay?

    Sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Vì sao doanh nghiệp phản đối trần chi phí lãi vay?

    05:20, 31/01/2020

  • Khó khăn từ Nghị định 20: Doanh nghiệp than vãn, Tổng cục Thuế nói gì?

    Khó khăn từ Nghị định 20: Doanh nghiệp than vãn, Tổng cục Thuế nói gì?

    19:20, 06/06/2019

Lại nhớ gói giãn thuế và tiền thuê đất 82.000 tỷ đồng với thời hạn 5 tháng mà Bộ Tài chính vừa công bố ngay lập tức đã bị Thủ tướng chê “quá ít” và cần các gói hỗ trợ lớn hơn nữa. Cuối cùng, Bộ đã nâng gói hỗ trợ thuế lên 180.000 tỷ đồng. Trong thời đại dịch, không phải cái gì cũng có thể viện cớ để tằn tiện, "vặt lông vịt" doanh nghiệp. Giá như Bộ Tài chính chủ động gỡ khó trong thẩm quyền, mỗi người làm tốt một khâu thì cỗ máy đất nước mới đi lên, chẳng lẽ cái gì cũng phải đến tay Thủ tướng quyết?.

Tinh thần chiến đấu chống COVID-19 của Chính phủ lúc này là sống còn, thì chiến tranh kinh tế cũng cấp bách, cứu doanh nghiệp lúc này như cứu chính mình, chứ không phải xin cho hay ngạo nghễ gì. Mục tiêu tối thượng là tất cả phải cùng sống sót qua đại dịch. Mong Thủ tướng có những hình phạt nghiêm trị với những kẻ trục lợi, chậm trễ trong cuộc chiến kinh tế "ngàn cân treo sợi tóc" hiện nay.

Cuối tháng 12/2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo Phó thủ tướng thì Thủ tướng Chính phủ đã nhắc 3 lần về việc sửa đổi Nghị định này. 

Đây là Nghị định được ban hành và có hiệu lực vào năm 2017, và đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phản ứng về khoản 3, Điều 8 bởi tính bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định tính cấp bách "cần tiến hành sửa đổi ngay Nghị định số 20/2017 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ". Ngay sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.

Với mức trần mới, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia về thuế và kiểm toán đều cho rằng sửa trần lãi vay 30% thì cần áp dụng tính hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng khiến doanh nghiệp rất khó hoặc từ lãi chuyển sang lỗ. Phương pháp có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm. Việc "hồi tố", theo các doanh nghiệp, sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế. Tuy nhiên đến năm nay, khi doanh nghiệp đang vào mùa quyết toán thuế năm tài chính 2019 vừa qua, việc hồi tố này vẫn chỉ nằm ở chỗ kiến nghị. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Hồi tố khi sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Khó đến thế hay sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO