Thế giới công nghệ từng chứng kiến những “cái chết” trên đỉnh vinh quang của các “gã khổng lồ” Nokia, Sony Ericson, Kodak,… và bây giờ AI sẽ từ chối Google chăng?
>>Siêu máy tính của Nvidia: kỷ nguyên mới cho ChatGPT?
Chatbot Bard của Google “phán” không đúng về một video quảng cáo trên Twitter đã khiến nhiều người quan ngại về viễn cảnh này của Google.
Tại sao Google có thể “biết” tất cả mọi thứ trong thiên hạ? Đó là nhờ thuật toán tự động sàng lọc và đề xuất kết quả tìm kiếm trong quá trình phân tích dữ liệu sẵn có. Đây là một dạng tiền khởi bắt buộc của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).
Có thể nói, Google là công cụ tìm kiếm sử dụng AI sớm nhất trong kỷ nguyên số. Nhờ AI, Google trở nên vô đối trên không gian mạng. Nhưng đầu năm 2023, kẻ phá bỉnh ChatGPT (Microsoft) ra đời đã dội “gáo nước lạnh” vào Sundar Pichai và cộng sự của ông tại Alphabet.
Sự có mặt của ChatGPT sẽ làm thay đổi cách thức con người tìm kiếm thông tin - không chỉ cung cấp “từ khóa” và lấy kết quả thông tin “thô” như Google vẫn duy trì suốt mấy thập kỷ nay. Công cụ của Microsoft đã tiến vào lãnh địa vốn duy nhất thuộc não bộ con người, có khả năng “chế biến” thông tin mang tư duy logic.
ChatGPT càng đình đám bao nhiêu thì Google càng hốt hoảng bấy nhiêu. Còn nhớ vào tháng 3 năm nay, CEO Sundar Pichai hồ hởi giới thiệu nền tảng tương tự, mang tên Bard “kết hợp nguồn kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ của chúng tôi”. Bard được tích hợp vào Gmail, Slide, Sheets.
Khi ở trên đỉnh cao không đối thủ, các yếu nhân ở Google nhiều lần khẳng định rằng, AI không phải giải pháp thay thế cho sự sáng tạo, hay những bộ óc con người thông thái, mà cần sự chỉ dẫn. Liệu đó có phải là lý do mà Alphabet lừng khừng phát triển và ứng dụng AI?
Chatbot Bard của Google đã gặp phải vấn đề chết người, sau khi “phán” không đúng về một video quảng cáo trên Twitter. Chatbot Bard được hỏi: Nên nói thế nào với một đứa trẻ 9 tuổi về những khám phá của kính viễn vọng không gian James Webb? Chatbot Bard trả lời: Đây là kính viễn vọng đầu tiên ghi lại hình ảnh một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của Trái Đất. “Sai”! Kính viễn vọng ở châu Âu mới là công cụ làm được việc này.
Dĩ nhiên, Chatbot Bard hoàn toàn không có lỗi, lỗi là do kiến thức “nạp” vào không đủ hoặc thiếu chính xác; hoặc thuật toán phân tích bị “nhầm lẫn”. Cuối cùng là lỗi của đội ngũ kỹ sư, của giới lãnh đạo Google mất thăng bằng trước sự tấn công như vũ bão của Microsoft.
Sau sự cố kiến thức sai lệch, cổ phiếu Google đã “bốc hơi” 7%. Doanh thu quảng cáo quý I/2023 của hãng đã giảm quý thứ 2 liên tiếp, một điều hiếm khi xảy ra cho công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là khởi điểm của một quá trình suy thoái.
Lary Page, Sergei Brin trong quá khứ và Sundar Pichai hiện nay chỉ cần 25 năm để xây dựng Google thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất mọi thời đại. Nhưng chỉ sau một đêm, mọi thứ vuột khỏi tầm kiểm soát của Google. Đó là đặc tính rất hấp dẫn và cũng rất nghiệt ngã trong lĩnh vực kinh tế công nghệ.
Những Nokia, Sony Ericson, Yahoo, Kodak,… cũng “sảy chân” trong khoảnh khắc chuyển đổi chớp nhoáng, bị các đối thủ âm thầm vượt qua. Các tập đoàn công nghệ này không phải vì thiếu khả năng công nghệ, mà đỉnh cao đôi khi khiến con người ta không nhìn thấy mối nguy phía dưới.
Google, hay bất cứ “đế chế” công nghệ nào dù lớn đến mấy chăng nữa - nếu đi vào quá trình suy thoái - cũng chỉ tuân theo quy luật khách quan, “phủ định của phủ định”. Cái mới là vô hạn, trong khi cái cũ luôn hữu hạn. Cái hữu hạn không thể bao quát được cái vô hạn. Và đó cũng là tiến trình khám phá không ngừng nghỉ của loài người, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Có thể bạn quan tâm